Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 25

Ở tuần thai thứ 25 này, em bé của bạn thực sự đang cố gắng “cơi nới” cái bọc tù túng của mình, và dạ con của bạn mỗi ngày lại cần phải giãn ra một chút để chứa vừa bé. Rõ ràng điều này có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy khó chịu ở các cơ và dây chằng của mình, khi bạn bước vào tuần thai thứ 25. Lưng, xương chậu, tất cả các phía của bụng, và thậm chí là cả chân cũng đều đau nhức ê ẩm vì những tác động của hoóc môn thai kỳ lên các mô liên kết trong cơ thể.

Trung bình, một thai phụ sẽ tăng thêm từ 10 đến 12 kilogram sau 40 tuần mang thai. Tất cả những gì khiến bạn lên cân gồm em bé, nhau thai, nước ối, lượng máu tăng thêm, lượng dịch tuần hoàn bổ sung, hai bầu ngực, và cả một chút mỡ nữa.

Những điều bất ngờ
Nếu đây là lần đầu bạn mang thai, mỗi cơn đau hay triệu chứng mới đều khiến bạn phải lật đật chạy đi tìm sách hướng dẫn bà mẹ mang thai ngay. Điều này có bình thường không nhỉ, có đúng là mình sẽ cảm giác thế này không, con có ổn không? Nếu bạn đã trải qua tất cả những thứ đó rồi và giờ đã có kinh nghiệm, có lẽ bạn sẽ bớt lo lắng hơn. Nhưng đến một chừng mực nào đó, cảm giác lo lắng là rất bình thường và còn có ích nữa, bởi nó khiến thai phụ tránh những hành động có thể làm nguy hại tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu bạn chìm trong âu lo và không thể sống vui vẻ được, thì bạn cần phải nói chuyện với ai đó.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Khi bụng bạn lớn ra, thì khung xương sườn cũng lớn theo. Chắc chắn khung xương phải nở ra bởi dạ con của bạn cần có chỗ để nhô lên cao và nhô ra ngoài. Giai đoạn này bạn có thể cảm thấy khó thở vì phổi không còn chỗ để nở ra mỗi khi bạn hít vào. Thi thoảng bạn nên thở thật sâu. Khi bạn nói chuyện điện thoại, leo lên một chiếc cầu thang máy rất dốc hay đi nhanh quá là những lúc hơi thở của bạn trở nên gấp gáp. Hãy để ý tư thế của mình và tránh thõng người xuống, bạn cần phải để cho phổi của bạn đủ không gian để làm việc và cung cấp oxy cho cả bạn lẫn bé.
  • Bạn có thể sẽ thấy ngứa ở bụng, cảm giác như có kiến bò lung tung quanh đó. Lý do có thể là bởi những sợi collagen ở lớp giữa của da bạn đang duỗi ra. Bạn có thể giảm cảm giác này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm lên bụng sau khi tắm. Tránh tắm bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, và tránh dùng các loại xà bông tắm làm khô da. Chỉ nên dùng các loại khăn bông cotton hoặc bông sợi tự nhiên, và đừng làm gì để da bạn bị nóng lên.
  • Có thể bạn sẽ bị mất ngủ ở tuần thứ 25 này. Bạn thường cảm thấy mình đã rất mệt khi lên giường, thế nhưng lại rất khó ngủ dù muốn lắm. Tâm trí bạn cứ đầy ắp suy nghĩ về mọi thứ, và vấn đề chỉ được giải quyết khi bạn dậy đi vệ sinh. Lại nói về chuyện đi vệ sinh, có thể bạn thường phải đi vào nhà vệ sinh vài lần một đêm, và rõ ràng là phải thức dậy nhiều lần trong đêm như vậy không giúp ích gì cho chứng mất ngủ của bạn. Nhưng cứ nằm trên giường lăn qua lại thì cũng tệ chả kém. Nếu bạn bị mất ngủ như thế, thì bạn nên ngồi dậy một lúc. Có thể xem truyền hình, uống một cốc sữa, đi tắm, hoặc đọc sách. Những thứ nhẹ nhàng dễ chịu như là những tấm ga trải giường sạch sẽ thơm tho, không khí trong lành, gió quạt dìu dịu thổi qua người, hay một chồng gối êm êm đều có thể giúp cho bạn chìm vào giấc ngủ dễ hơn.
  • Khi bạn đang bị mất ngủ về đêm, thì hãy cố gắng chống cự với cơn thèm ngủ ban chiều. Thay vào đó, hãy đi ngủ sớm hơn và tận dụng sự mệt mỏi của cơ thể lúc này. Cố gắng đi ngủ điều độ và tránh dùng máy tính trước lúc ngủ. Bạn cần gạt hết mọi yếu tố gây kích thích từ môi trường chứ không phải là tạo thêm điều kiện để chúng tác động đến giấc ngủ của bạn.
  • Có thể bạn sẽ phải chịu đựng hội chứng ống cổ tay trong tuần này. Sự nghẽn dịch khiến cho cườm tay bạn sưng phồng lên, tạo áp lực lên thần kinh điều khiển hai tay. Vật lý trị liệu cũng có tác dụng đáng kể với chứng này, và có thể bạn cần nẹp tay nếu chuyên gia vật lý trị liệu của bạn thấy cần thiết. Nếu bạn thấy quá khó chịu, hãy đặt tay đau lên một chiếc gối khi nằm ngủ. Làm như vậy sẽ giúp cho lượng dịch dư thừa phân tán bớt khỏi vùng cườm tay.
Thay đổi tâm lý
  • Thời gian này có thể bạn sẽ khá dễ bị kích động. Nếu vẫn đang đi làm và chưa gửi đơn xin nghỉ sinh, thì bạn nên gửi bây giờ. Nhớ tìm hiểu kỹ càng về quyền lợi của mình, lên kế hoạch quay trở lại làm việc, và cũng nên hiểu rõ về kế hoạch sắp xếp công việc của cơ quan và sếp bạn nữa. Vạch rõ một ngày cụ thể để hoàn thành công việc sẽ giúp ích cho bạn nếu có lúc nào đó bạn trở nên rối trí.
  • Bạn cũng nên bắt đầu nghĩ về những thay đổi giữa mối quan hệ của bạn với bạn đời một khi hai người có em bé. Khi bộ đôi trở thành bộ ba, sẽ luôn có sự xáo trộn và định hình lại vai trò của mỗi người. Nếu bạn đã có con, việc tái định hình này sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Đúng là, sẽ có những thay đổi trong mối quan hệ của hai người, nhưng những thay đổi đó là cần thiết. Làm bố làm mẹ thực sự là những trọng trách; vì vậy, để có thể là những ông bố bà mẹ tốt cho con mình, các bạn phải biết học cách thay đổi.
Những thay đổi của em bé trong tuần này
  • Thai nhi được 25 tuần tuổi, chúng ta đã có thể đo chiều dài em bé từ đầu đến chân. Em bé sẽ ít co người lại hơn, mà sẽ duỗi ra nhiều hơn. Chiều dài trung bình của em bé ở tuần thai thứ 25 là 34,6cm. Em bé đang lớn rất nhanh, các lớp mỡ quan trọng cũng đang hình thành dưới da và quanh các cơ quan trong cơ thể. Em bé đã bớt gầy gò hơn, và đang đầy đặn dần lên.
  • Mắt của bé sẽ có thay đổi lớn trong tuần này, võng mạc cũng đã hoàn thiện hơn. Phần cảm ứng ánh sáng này trong mắt em bé rất quan trọng trong việc giúp bé nhìn được rõ ràng. Lúc này, bé đã biết cách nhắm mở mắt được vài tuần, nên cũng đã có thêm nhiều sự thay đổi quanh vùng mắt.
  • Em bé của bạn đã học được cách làm cho mình thư giãn hơn, biết cách ngậm ngón tay cái khi bé muốn. Kể từ tuần thứ 25 trở đi, cử chỉ này không phải là ngẫu nhiên nữa, mà thật sự là một thú vui nho nhỏ của bé. Em bé vẫn hít thở nước ối vào ra phổi của mình, là một cách luyện tập để có thể hít thở không khí ngay khi ra khỏi cơ thể mẹ. Tất cả không khí cung cấp cho em bé bây giờ đều vẫn thông qua nhau thai.
mang thai tuần thứ 25

Lời khuyên cho bạn
  • Hãy nghĩ xem bạn muốn xây dựng chế độ dinh dưỡng cho em bé như thế nào. Một trong những yếu tố quan trọng của một chế độ cho con bú tốt chính là tinh thần của người mẹ trong suốt quá trình mang thai. Những tác động khác gồm có: bạn đời biết quan tâm hỗ trợ, thái độ tích cực của bà ngoại và/hoặc bà nội em bé; và những phản ứng từ những người khác trong gia đình, trong cộng đồng.
  • Hãy đi xem trước bệnh viện hay nhà hộ sinh nơi bạn dự định sinh em bé. Nếu bạn chưa đặt phòng, hãy tìm hiểu các lựa chọn khác nhau. Một số bệnh viện tư yêu cầu đặt cọc trước khi họ tiến hành thủ tục.
  • Bạn hãy tìm hiểu về ghế ngồi ô tô dành cho em bé để biết loại nào sẽ vừa vặn nhất với xe của bạn, và an toàn nhất cho bé. Nếu bạn dự định thuê những thứ này, bạn nên đặt từ bây giờ.
  • Chỉ còn ba tháng nữa thôi là bạn sẽ được gặp bé yêu rồi đấy!
 <<tuần thứ 24                                                                                                        Xem tiếp tuần thứ 26>>

Mang thai tuần thứ 24

Bước sang tuần thứ 24, có lẽ bạn đã và đang đi khám thai định kỳ hàng tháng suốt cả quý 2 rồi, và cũng đã quá quen với việc khám thai. Thường thì bạn sẽ đi khám hàng tháng đến khoảng tuần thứ 30-32, rồi từ đó cho đến tuần thứ 36 sẽ là hai tuần một lần; và sau đó là mỗi tuần một lần. Nếu bạn thuộc nhóm mang thai có nguy cơ cao, hoặc bạn đã trải qua biến chứng hay các vấn đề khác trong khi mang thai, bạn sẽ cần phải đi khám thường xuyên hơn.

Những ngại ngần khi đi khám thai 
Không dễ gì mà quen ngay với việc khoe bụng mỗi lần đi khám, nhất là nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm đi bác sĩ. Nhiều hộ sinh và bác sĩ rất có ý thức tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của bệnh nhân. Nhưng nếu bạn vẫn thấy ngại, hoặc thấy có gì đó không thoải mài khi khám thai, thì bạn cứ chia sẻ với bác sĩ  suy nghĩ của mình. Bạn và em bé của bạn là những người thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, với đầy đủ tất cả nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Bạn là người bảo vệ quan trọng nhất cho chính bạn, và bạn cần phải được cảm thấy thoải mái với dịch vụ y tế mà mình đang sử dụng.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Bụng của bạn mỗi tuần mỗi lớn hơn và đến thời điểm này, có lẽ bạn khó mà nhìn thấy đầu gối mình khi đứng thẳng. Một số chị em thấy việc thay đổi trên cơ thể mình thật đáng báo động bởi họ đã trở nên kém hấp dẫn đi, nhưng số khác thì chấp nhận sự thật này dễ dàng hơn, bởi họ cho rằng đương nhiên là mọi chuyện phải thế. Mang thai đơn giản là một quá trình sinh học. Việc người mẹ cảm thấy thế nào về hình thức của mình cũng chẳng làm thay đổi được những gì đang diễn ra với cơ thể họ. Hầu như mọi thay đổi của cơ thể trong quá trình mang thai đều có nguyên nhân rõ ràng.
  • Tổng lượng máu trong người bạn tăng lên khoảng 25% so với trước lúc mang thai. Nhưng khi đến gần tuần thứ 35 thì lượng máu mới lên tới đỉnh điểm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận ra rằng những ngón tay và mắt cá chân của mình bị sưng phù lên vào mỗi cuối ngày.
  • Tuần này bạn sẽ bị chứng co thắt Braxton Hicks thường xuyên hơn. Những cơn co thắt này khiến cho dạ con của bạn co cứng lại vào những lúc bất chợt. Đừng lo lắng trừ phi bạn quá đau, hay các cơn co thắt diễn ra thường xuyên, hoặc bạn bắt đầu bị đau lưng dưới. Đặc biệt, bạn sẽ bị chứng này nhiều hơn sau mỗi lần cúi người xuống, đứng thẳng lên, sau khi quan hệ tình dục và khi leo cầu thang.
  • Sẽ có nhiều thay đổi diễn ra trong ruột của bạn nữa, thật không dễ chịu gì. Chứng táo bón là một vị khách lì lợm cứ cố dai dẳng ở lại với bạn, và bạn cảm thấy như mình đang dành quá nhiều thời gian cho việc đi đại tiện, nhiều hơn mức bạn muốn. Nhớ uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, và cố gắng tập thể dục hàng ngày. Những thức ăn đã qua xử lý và có màu trắng sẽ làm tình hình tệ hơn, thế nên hãy tránh ăn chúng và thay vào đó là các thực phẩm làm từ bột nguyên hạt.
  • Từ giờ trở đi, phải rất cẩn thận mỗi khi bạn đứng lên. Nhiều phụ nữ mang thai bị chứng hạ huyết áp khi thay đổi tư thế. Lúc ra khỏi giường, hãy ngồi ở thành giường một vài phút trước khi đứng lên. Nếu bạn thấy choáng váng như thể sắp ngất xỉu, hãy cúi đầu mình vào giữa 2 chân và gọi ai đấy gần mình nhờ giúp đỡ. Nếu không còn lựa chọn nào khác, thì hãy ngồi xuống sàn cho tới khi bạn cảm thấy bình thường trở lại. Bạn cứ yên tâm là mình không phải bà bầu đầu tiên làm như thế, và càng không phải là người cuối cùng.
Những thay đổi về tâm lý
  • Đến lúc này, có lẽ bạn đã có một cảm giác rõ ràng rằng mình thích hay ghét mang thai. Đa phần phụ nữ sẽ dao động giữa hai trạng thái tình cảm này, đến ngày dự sinh thì thường là họ cảm thấy như không chịu thêm được nữa. Cách mà bạn nhìn nhận quá trình mang thai của mình sẽ ảnh hưởng đến việc bạn cảm nhận thời gian còn lại kéo dài đến thế nào.
  • Nếu bạn đã từng có con, bạn sẽ dễ có cảm giác như thể mình phản bội đứa lớn của mình. Có thêm một đứa con sẽ làm xáo trộn không khí và nề nếp đã được định hình trong gia đình bạn. Nếu bạn đã có con, hãy cố gắng tính trước việc trông con hay nhờ ai đó trông hộ mấy đứa trẻ khi bạn đi sinh. Có kế hoạch từ sớm sẽ giúp bạn bớt lo lắng cho mấy đứa lớn của mình, và giúp bạn chỉ tập trung vào việc sinh em bé. Hãy lên cả phương án dự phòng nữa, phòng khi phương án tối ưu không thể thực hiện được.
Những thay đổi của thai nhi trong tuần này
  • Em bé của bạn ở tuần này chỉ mới chừng bảy lạng. Thai nhi vẫn là một khối nhỏ chắc chắn, và dù chân tay đã có thể duỗi ra, hầu hết thời gian em bé vẫn co người lại, gấp hết cả chân lên và bàn chân thì ép vào mông. 
  • Mắt em bé bắt đầu mở ra và các mí mắt không còn dính vào nhau nữa. Em bé sẽ học cách mở và nhắm mắt, chớp mắt, và sẽ tiếp tục luyện tập tập trung điểm nhìn trong vài tháng còn lại trước khi ra đời. Nhiều ông bố bà mẹ quá đỗi ngạc nhiên khi em bé mở to mắt nhìn thẳng vào họ ngay khi mới chào đời. Nhiều em bé thậm chí dường như chẳng chớp mắt mà cứ thế chằm chằm nhìn vào mặt ba mẹ. Bạn hãy nhớ chuẩn bị sẵn máy quay phim để ghi lại giây phút đặc biệt này nhé. 
  • Nhiều cử động của em bé được hình thành từ tuần này cho đến tuần thứ 30. Khối lượng nước ối được sản sinh trong thời gian này không nhiều như cách đây mấy tuần. Em bé đã lớn hơn, mà lại không có lượng nước ối lớn làm lớp đệm dày, thế nên bạn sẽ cảm giác rất rõ những cú đạp và những cái duỗi người trong bụng mình đấy. 
  • Em bé của bạn dài hơn, và cơ thể cũng đã có nhiều mỡ hơn. Lớp mỡ này sẽ bảo vệ em bé trong quá trình được đưa ra khỏi cơ thể mẹ. Trung bình, một em bé khi mới ra đời nặng chừng 3.5kg. Cân nặng của em bé bị ảnh hưởng bởi các nhân tố trong quá trình thai nghén, bởi gien trội và các yếu tố di truyền khác. 
  • Em bé giờ đã có những khoảng nghỉ ngơi và hoạt động xen kẽ nhau, và cách thức cũng như “lịch" vận động của bé đã dần trở nên quen thuộc hơn với bạn. Một số bà mẹ nhận ra rằng em bé rất tích cực cựa quậy lúc nửa đêm – đủ để đánh thức mẹ bé cho dù đang ngủ sâu. Ngoài ra, em bé thường cựa quậy một hồi sau khi mẹ ăn đồ ngọt, hoặc khi nghe tiếng của bố, hay khi có một tiếng động bất thình lình nào đó.
mang thai tuần thứ 24

Lời khuyên cho tuần này
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hay hộ sinh của bạn xem bạn có cần được kiểm tra nồng độ huyết sắc tố (Haemoglobin) vào lần khám thai tới hay không. Thiếu sắt là chứng thường gặp ở thai phụ khi nhu cầu về lượng hồng cầu đạt đỉnh điểm. Bạn nhớ ăn các thức ăn giàu chất sắt như các loại thịt đỏ, các loại trứng, các loại ngũ cốc chất lượng tốt, và rau xanh có lá như bông cải xanh. Nếu hàm lượng sắt trong máu bạn quá thấp, bạn có thể uống thêm viên sắt. Tuy nhiên, viên sắt có thể khiến chứng táo bón của bạn càng nặng hơn.

Theo huggies
 <<tuần thứ 23                                                                                                  Xem tiếp tuần thứ 25>>

Mang thai tuần thứ 23

Dây rốn của bé dài và khỏe hơn, kích thước cuộn dây rốn đo được lúc này là khoảng 22 inches (55.88cm), đây chính là chìa khóa sinh tồn của bé. Hơn nữa bé đã có hàng tỉ nơ –ron thần kinh – nó đủ dùng cho cả cuộc đời của bé sau này. Còn mẹ thì sao? Mặt mẹ có thể sưng lên một chút, bầu ngực cũng rò rỉ một ít sữa non và đa số thai phụ phải đối mặt với hội chứng ống cổ tay nữa.

Nhật ký bé trong bụng mẹ – Tuần thứ 23
Ngày thứ 155:
Lỗ mũi của bé bắt đầu mở ra và mắt cũng sẽ mở ra theo.

Mẹ làm cho bé: Nếu mẹ có kế hoạch trở lại công việc sau khi bé chào đời thì hãy xem xét và tìm kiếm các lớp mầm non tốt. Nếu không hãy tìm người giữ trẻ hoặc vú nuôi để chăm sóc bé.

Ngày thứ 156: Những sợi dây thần kinh xung quanh môi bé bắt đầu lớn lên và nhạy cảm hơn. Điều đó giúp bé dễ dàng tìm thấy núm vú của mẹ hoặc vú cao su.

Mẹ làm cho bé: Sữa mẹ là nguồn sữa tự nhiên quý giá song một số mẹ vẫn chưa biết cách cho bé bú sao cho thỏa đáng, chưa biết cách giữ an toàn cho mẹ lẫn nguồn sữa cho bé bú. Hãy tìm các dịch vụ tư vấn và tài liệu chuyên môn để được hướng dẫn cách thức nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngày thứ157: Dây rốn của bé dài và khỏe hơn, kích thước cuộn dây rốn đo được lúc này là khoảng 55cm. Đây là một cuộn dây dày được tạo nên bởi 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Đây chính là chìa khóa sinh tồn của bé.

Mẹ làm cho bé: Tổ chức một bữa tiệc tại nhà hàng, tiệm cà phê… để thông báo về việc sắp có mặt thành viên mới. Tạo dựng không khí hết sức tự nhiên, thoải mái giữa mọi người và bọn trẻ trong gia đình và lưu ý là mẹ không nên dùng thức ăn nhanh.

mang thai tuần thứ 23 (1)
Hình ảnh thai nhi ở tuần 23 - Ảnh: Babycenter

Ngày thứ 158: Bé đã có hàng tỉ nơ –ron thần kinh – nó đủ dùng cho cả cuộc đời của bé sau này.

Mẹ làm cho bé: Lúc này mẹ cũng cần bổ sung tiếp omega-3 để giúp cho trí não của bé được hoàn thiện hơn. Mẹ cũng cần nghĩ đến việc ghi lại những mục tiêu cần làm cho bé. Đừng quá lo lắng vì có thể thêm bớt hoặc xóa bỏ những thứ không cần thiết.

Ngày thứ 159: Bé vận động liên tục và đều đặn. Cường độ vận động tăng dần vào nửa đêm.

Mẹ làm cho bé: Có thể là bây giờ, mẹ ở trạng thái hầu như không còn thèm muốn gì cả. Tuy nhiên cũng vẫn cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiếu hụt để bảo đảm sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên thỉnh thoảng, bất chợt mẹ lại có những thèm muốn mãnh liệt vài món ăn vặt như kem, hoa quả, lúc đó thì mẹ chỉ nên ăn mỗi thứ 1 ít thôi nhé.

Ngày thứ 160: Trước đây nhịp tim của bé đập đều đặn. Nhưng hôm nay thì nhịp tim dao động bất thường hơn, đó là vì thỉnh thoảng bé phản ứng lại với môi trường sống của mình.

Mẹ làm cho bé: Nếu vẫn còn nghe được nhịp tim thai nhi mỗi ngày thì đó là niềm hạnh phúc. Có một số thiết bị y tế có thể giúp mẹ theo dõi nhịp tim và cả tiếng nấc cụt của bé tại nhà. Đó chỉ là một cách thức liên kết với con khi bé còn ở bên trong cơ thể mẹ bằng những việc như massage bụng, đọc sách, trò chuyện với con…

Ngày thứ 161: Giờ thì bé đã biết đói rồi đây, bé có thể tích trữ và cảm nhận được đồ ăn mẹ nạp vào cơ thể. Đó là lý do bé uống nước ối khi còn trong bụng mẹ.

Mẹ làm cho bé: Thời điểm lý tưởng cho việc đọc những cuốn sách làm cha mẹ, những mẹo dạy con. Mẹ không có nhiều thời gian nghiên cứu nếu bé đã ra đời vì bận chăm sóc bé. Do đó hãy tranh thủ ngay từ bây giờ để nắm các nguyên lý cần thiết.

Nhật ký mẹ mang thai – Tuần thứ 23
Ngày thứ 155: Mặt và mí mắt mẹ dường như bị sưng phồng lên, nhất là lúc sáng sớm khi thức dậy. Trong suốt thai kỳ, lượng nước bù thêm trong cơ thể có thể tụ lại xung quanh vùng mặt một lớp mỏng.

Mẹ làm cho mẹ: Có cách để làm giảm sưng phù của khuôn mặt là miếng dán lạnh được bán ở các nhà thuốc.

Ngày thứ 156: Bầu ngực của mẹ đang làm nhiệm vụ tích lũy sữa cho bé, núm vú lớn hơn, quầng vú rộng ra và sẫm màu đi. Lúc này vú mẹ có thể rò rỉ một loại sữa gọi là sữa non colostrum.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu có kế hoạch cho bé bú sữa mẹ thì nên nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn và tư thế cho bé bú, Mẹ cũng có thể cân nhắc việc mua máy hút sữa để tiện dùng về sau.

Ngày thứ 157: Đau nhiều ở phía dưới lưng suốt cả ngày dài là điều hết sức phiền toái cho mẹ.

mang thai tuần thứ 23 (2)
Mẹ hãy tham gia những buổi picnic cuối tuần bên bè bạn và người thân nhé. Ảnh: Inmagine.

Mẹ làm cho mẹ: Bởi vì dáng điệu của mẹ có xu hướng được bù trừ để phù hợp hơn với trọng lượng được thêm vào phía trước, nó khiến mẹ bị đau vùng thắt lưng và phần bên dưới thắt lưng. Mẹ cần được nghỉ ngơi và không nên đứng lâu trong một thời gian quá dài, áp lực của bụng sẽ đè nặng lên vùng lưng và đôi chân. Nên nghỉ ngơi nhiều bằng cách nằm trên giường nệm. Một điều cần cảnh báo là chứng đau lưng có thể là dấu hiệu sinh non nữa, hãy gọi bác sĩ nếu cơn đau quá nhiều và dai dẳng.

Ngày thứ 158: Các mẹ làm văn phòng thường gặp một rắc rối là chứng nhói dây thần kinh hoặc nhức các ngón tay do ngồi và gõ máy tính nhiều. Khớp tay và dây chằng ở cổ tay của mẹ có thể sẽ sưng lên. Đây còn gọi là hội chứng ống cổ tay ở thai phụ.

Mẹ làm cho mẹ: Mẹ cần điều chỉnh tư thế ngồi sao cho hợp lý trong khu vực làm việc để có thể giảm thiểu cơn đau của hội chứng ống cổ tay. Khi viết, hoặc gõ bàn phím, khuỷu tay nên cong một góc vuông 90 độ, cổ tay nên hạ nhẹ xuống một góc nhỏ, không nên hướng lên…

Ngày thứ 159: Kết thúc một ngày mệt nhọc để trở nên kiên định hơn cho tiến trình thai nghén.

Mẹ làm cho mẹ: Mẹ có thể khó cưỡng lại những cuộc vui cuối tuần với bè bạn, hãy thư giãn, hãy tham gia những cuộc vui, kể cả đám cưới của bè bạn 2 tuần trước khi sinh vẫn có thể được.

Ngày thứ 160: Chuẩn bị cho việc đón tam cá nguyệt thứ ba, mẹ nên chọn những đôi giày đế thấp, loại bỏ vật cản trên sàn nhà…để giữ an toàn cho chiếc bụng ngày một lớn ra của mình.

Mẹ làm cho mẹ: Mở rộng quan hệ, trò chuyện cởi mở với nhiều người sẽ làm tinh thần mẹ phấn chấn hơn. Cân nhắc nếu mang guốc nhé, tốt nhất là hãy đi dép đế mỏng, bệt.

Ngày thứ 161: Mẹ vẫn có thể tắm (sưởi) nắng trong thai kỳ. Tâm trạng của mẹ ở những ngày này thường bất an, hay than thở mệt nhọc về gánh nặng thai nghén. Tuy nhiên đừng cảm thấy có cảm giác tội lỗi nếu mẹ than phiền điều đó. Hầu hết thai phụ đều muốn thoát ra khỏi cảm giác khó chịu đó, không loại trừ cả mẹ.

Mẹ làm cho mẹ: Lại tiếp tục thư giãn bằng các điệu nhảy nhẹ, xem phim hoặc “đàm đạo với con”. Hãy giúp bố bé kết nối tình yêu với bé bằng cách trò chuyện qua bụng mẹ.

Nguồn: webtretho
<<tuần thứ 22                                                                                                   Xem tiếp tuần thứ 24>>

Mang thai tuần thứ 22

Nếu bạn nhìn mình trong gương vào tuần này, bạn có thể nhận thấy mình tròn trịa hơn. Ở tuần thứ 22, mông, đùi, bụng và tay của bạn đã đầy đặn hơn và không còn gọn gàng như trước. Một quá trình “nhu” hóa đang xảy ra với cơ thể bạn, và không chỉ là ở phía ngoài.

Bạn có thể nhận thấy mình trở nên tình cảm hơn bình thường với những tình huống và câu chuyện gây xúc động. Xem tin tức có thể khiến bạn đổ nước mắt, chứ chưa nói đến đi ngang qua một em bé mới sinh nằm trong xe nôi. Đã bắt đầu nhìn chằm chằm vào các bà bầu khác? So sánh vóc dáng và kích thước của bạn, tự hỏi không biết đây có phải là con đầu của cô ấy hay không, hay đơn giản chỉ suy nghĩ lan man về bà mẹ ấy. Có thai khiến bạn như đang tham gia vào một câu lạc bộ đặc biệt. Mối quan tâm với người khác này có thể khiến bạn thấy lạ lẫm, nhất là nếu thông thường bạn chỉ tập trung vào cuộc sống và trải nghiệm riêng của mình.

Tôi không được ăn vặt - ôi tại sao lại thế!
Nếu bạn vẫn luôn tự hào là có nề nếp đối với thói quen ăn uống và tập thể dục, tuần thứ 22 có thể là một cú sốc đáng kể. Bạn đói, mệt và cảm thấy chẳng thiết gì đến việc giữ gìn những thói quen thường ngày. Bạn không cần phải chống lại những điều đó. Hãy để mình nghỉ ngơi và tận hưởng thời gian thư giãn thích đáng. Tìm cách lý giải các triệu chứng hoặc cảm giác sẽ chỉ làm hao mòn nguồn năng lượng quý giá từ quãng thời gian đáng lẽ là để nghỉ ngơi. Vì thế hãy trữ thức ăn trong tủ bếp và dùng đến khi nào bạn thấy đói. Và cũng hãy tìm những cách khác để làm bản thân sảng khoái hơn. Mỹ phẩm tắm gội dễ thương, đồ lót mới- miễn là phù hợp! Trang sức hoặc sách mới đều có thể khiến tâm trạng ủ rũ của bạn phấn chấn lên.

Thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Tuần này bạn có thể cảm thấy mắt mình khô rát. Triệu chứng này có thể tệ hơn nếu bạn có đeo kính hoặc kính sát tròng. Thuốc nhỏ mắt bôi trơn hoặc nước mắt nhân tạo có thể có ích. Nhớ đeo kính râm khi ra nắng. Bất kỳ sản phẩm nào có EPF (chỉ số bảo vệ mắt) là 10 thì đều tốt.
  • Có thể xuất hiện các vết rạn trên bụng, đùi và hông. Chúng xuất hiện khi sợi collagen ở vùng chân bì của da bị kéo dãn và xé rách để có thể phù hợp với một vóc dáng và số đo cơ thể đang "tăng trưởng". Tiếc là không có loại kem nào có thể thấm qua được lớp ngoài cùng của da để đến được vùng chân bì, cho dù có quảng cáo ra sao trên nhãn mác. Nếu bạn muốn, hãy xoa bóp bụng bằng một ít kem làm mềm hoặc loại có chứa vitamin E. Thời điểm tốt nhất là sau khi tắm, khi da vẫn còn ấm, ẩm và lỗ chân lông mở rộng hơn.
  • Bạn có thể nhìn thấy những nốt nhỏ như mụn ở quầng vú. Chúng được gọi là những nốt Montgomery và chúng tiết ra chất bôi trơn dạng dầu giúp nuôi dưỡng đầu vú và làm mềm chúng. Đừng chà xát quá mạnh bằng xà phòng khi tắm và đừng nghĩ bạn cần phải dùng kem trị mụn để loại bỏ những nốt sần này.
  • Đừng quá lo lắng nếu bạn cảm thấy bạn lúc nào cũng thích nuốt nước bọt. Tiết nước bọt quá độ là một triệu chứng thường gặp ở tuần thứ 22 của thai kỳ, và mặc dù nó có thể gây khó chịu, điều này không có nghĩa là có gì không ổn. Hãy thử kẹo cao su, ngậm kẹo bạc hà và đem theo khăn giấy để thấm nước bọt nếu cần.
  • Bạn có thể gặp nhiều cơn đau đầu hơn trong tuần này, vốn có thể ảnh hưởng đến công việc và khả năng tập trung của bạn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân. Đối với nhiều phụ nữ, đó có thể là do chocolate, caffeine, phơi nắng, không uống đủ nước hoặc có lượng đường huyết thấp do ăn không thường xuyên. Nếu nằm nghỉ không giúp được, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ để xem loại thuốc nào có thể sử dụng an toàn.
Thay đổi về tâm lý
Bạn cảm thấy có mối liên hệ gần gũi với em bé chưa? Bạn có thể phát hiện ra mình xoa bụng một cách vô thức, mơ màng về việc em bé sẽ trông như thế nào, và thậm chí ngồi cười một mình khi nghĩ về nó.
Nhiều cặp đôi khi có thai còn nghĩ ra biệt danh cho em bé ngay khi nó còn nằm trong tử cung. Hãy cẩn thận! Những cái tên bắt đầu một cách vô tư, nhưng có thể bám trụ lâu dài và sau này có thể bạn sẽ phải tự biện hộ cho những cái tên đó.

Thay đổi của em bé trong tuần này
  • Em bé của bạn nặng khoảng 430g trong tuần này và từ đầu đến chân dài khoảng 27,8cm. Nó đang tạo vân tay và vân chân, những dấu hiệu độc nhất phản ánh DNA của riêng nó, phân biệt nó với bất kỳ ai khác.
  • Em bé của bạn tăng khoảng 170g/tuần, bằng với trọng lượng nó sẽ tăng trong một vài tháng sau khi ra đời. Chất béo, cơ và hệ xương đang phát triển chiếm phần lớn trọng lượng tăng lên.
  • Em bé có lông mi và lông mày vào tuần này nhưng chúng vẫn cần phải cạnh tranh không gian trên khuôn mặt nhỏ bé đầy lông. Đừng buồn. Lượng lông tóc quá độ đó sẽ biến mất khi bạn đến gần ngày sinh, chỉ còn lại lông tóc ở những nơi cần thiết. Luật bất thành văn là bé trai sẽ có lông mi dài nhất, không bao giờ là bé gái. Không, đúng là không công bằng chút nào.
  • Em bé giờ đây cũng có chút khả năng điều khiển các giác quan. Ngũ quan đang dần trưởng thành, để đến khi ra đời, em bé có thể đáp lại kích thích khi được cho ăn.
  • Các em bé sinh ra vào tuần thứ 22 cần được hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt để có thể sống sót. Tuy nhiên, khoa học chăm sóc trẻ sinh non một tháng tuổi được cải thiện có nghĩa là những tác động sức khỏe dài hạn đối với trẻ đã giảm hẳn so với trước kia. 
mang thai tuần thứ 22

Lời khuyên
  • Hãy hỏi ý kiến người hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn xem bạn có nên làm kiểm tra sàng lọc glucose để phát hiện bệnh tiểu đường khi mang thai hay không. Việc này thường được tiến hành từ tuần 24-28 của thai kỳ. Bạn sẽ cần phải uống một loại chất dịch rất ngọt, có vị như nước cam và sẽ được lấy máu 1h sau đó. Nếu cơ thể bạn có khả năng sản xuất đủ insulin để xử lý lượng đường tăng vọt, thì mọi việc đều ổn. Nếu không, cần phải có mức sàng cao sâu hơn.
  • Nếu bạn thường nhuộm tóc, hãy nghĩ đến việc để tóc mình tự nhiên khi đang mang thai. Mặc dù không có bằng chứng khoa học vững chắc nào liên hệ việc nhuộm tóc với rủi ro trong thai kỳ, chọn cách an toàn vẫn hơn. Tương tự, hoãn việc uốn tóc hoặc dùng hóa chất trị liệu trên da đầu, ít nhất là cho đến khi đứa trẻ ra đời.
  • Giữ một ít nước ép nam việt quất trong tủ lạnh. Nguồn vitamin C dồi dào này còn có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì nó có tính axit cao, nó giúp chống lại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu và nó còn có vị rất ngon.
  • Đặt một chiếc ghế gác chân bên dưới bàn làm việc và phía trước chiếc ghế bành yêu thích của bạn. Thả lỏng chân và bàn chân sẽ không giúp gì cho chứng sưng mắt cá chân. Tập thói quen nâng chân khi có thể để tránh tụ máu và sung huyết.
Nguồn: huggies
<<tuần thứ 21                                                                                               Xem tiếp tuần thứ 23>>

Mang thai tuần thứ 21

Trong ba tháng giữa thai kỳ, bạn thường có những giấc mơ kỳ lạ hoặc rất sống động về những ngày sắp đến. Bạn có thể đắm mình trong những khoảnh khắc kỳ diệu nhất dù chưa bao giờ trải nghiệm. Bé yêu luôn là nhân vật chính trong mỗi giấc mơ của bạn nhưng không phải lúc nào cũng xuất hiện như bạn vẫn mong đợi. Vì thế đừng để những giấc mơ này trở thành những băn khoăn lo lắng cho bao tháng ngày tươi đẹp sắp đến. Giấc mơ chỉ là cách não bộ sắp xếp lại những gì nó nhận vào quá nhiều từ các hoạt động của chúng ta lúc thức. Hiểu theo nghĩa nào đó, giấc mơ chính là sự đào thải của tiềm thức nhằm tạo khoảng trống giúp não bộ tiếp nhận thông tin của ngày tiếp theo.

Cảm giác thật khó chịu ở chân!
  • Nếu bạn thức giấc không phải do nằm mơ thì có thể bạn đang bị chuột rút. Vào tuần thai thứ 21, thai phụ thường bị chuột rút ở bắp chân và các cơ lân cận. Cơ thể của bạn có thể tự nhiên chuột rút bất cứ lúc nào, kể cả lúc nửa đêm. Đây là hiện tượng một cơ nào đó bị co rút, gây ra đau đớn. Nếu bị chuột rút ở bắp chân, bạn hãy cố duỗi thẳng chân và dùng tay nhẹ nhàng vuốt ngược các ngón chân về phía ống chân. Làm như vậy một vài lần, cơ sẽ được kéo giãn về lại vị trí ban đầu.
  • Đôi khi chứng chuột rút xảy ra do bạn thiếu canxi hoặc ma-giê hay muối trong khẩu phần ăn. Bạn chắc hẳn đã nghe đến các mẹo dân gian trị chuột rút như để một viên phấn hoặc một tép tỏi ở cuối giường. Hiệu quả nhất vẫn là phải đảm bảo cơ thể bạn nhận đủ nước và tập một vài bài thể dục thư giãn cơ trước khi đi ngủ vào buổi tối.
  • Lúc này bụng của bạn đã nhô lên và thật khó giấu chuyện bạn đang có thai. Mọi người sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn, một vài người có thể thắc mắc và thậm chí còn hỏi có phải bạn đã có thai không.
  • Bạn sẽ có cảm giác như thể bàn tay mình đang bị kim chích. Thông thường, đây là do hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm) do nghẽn dịch quanh các dây thần kinh ở cổ tay, gây tác động lên các ngón tay cái và trỏ. Biện pháp vật lý trị liệu và mang nẹp tay có thể hạn chế cảm giác đau đớn và tê bì.
  • Một vấn đề nữa của giai đoạn này là chứng đau đầu, có thể không thường xuyên vào lúc này nhưng sẽ tăng trong vài tuần tới. Thủ phạm vẫn là hoóc môn thai sản. Vì thế đừng để cơ thể bị mất nước hay quá nóng. Khi đau đầu, bạn hãy nằm thư giãn trong một căn phòng tối và đắp một chiếc khăn mát lên mắt, hoặc ăn một chút thức ăn nhẹ. Tuy nhiên nếu đột nhiên bạn đau đầu dai dẳng kèm theo thị lực bị ảnh hưởng thì bạn nên tìm đến bác sĩ ngay.
  • Dịch âm đạo cũng sẽ ra nhiều hơn. Trong suốt thai kỳ, dịch âm đạo thường lỏng, màu trắng hoặc trong và không mùi. Nhiều thai phụ vì vậy dùng băng vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, điều này lại dễ khiến vi khuẩn phát triển, vì thế nếu bạn thấy ngứa và nóng rát mỗi lần tiểu tiện, hãy đến gặp bác sĩ. Thường thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nấm.
  • Bạn cũng sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn co thắt không đau chủ yếu diễn ra ở phần trên của tử cung. Nếu đặt tay lên bụng, bạn có thể cảm nhận được những cơn co thắt này sau khi tập thể dụng, cúi gập người hay quan hệ tình dục, hoặc thậm chí khi bạn chẳng làm gì mấy. Đó chỉ là cơ thể bạn đang thực tập để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ thật sự về sau.
Những thay đổi cảm xúc của bạn trong tuần này
  • Bạn sẽ có cảm giác háo hức và hồi hộp. Cảm giác gắn kết giữa bạn và bé ngày càng rõ nét hơn, và khó mà quên được chuyện bạn đang mang thai. Có thể chồng bạn sẽ chiều bạn hơn bởi vì anh ấy đã nhìn thấy bụng bạn “lùm lùm”. Đối với nhiều phụ nữ thì đây là giai đoạn tuyệt vời nhất trong thời kỳ mang thai, do đó bạn hãy thoải mái tận hưởng nhé.
  • Tuy nhiên, đây có thể lại là thời gian lo lắng đối với một số bà bầu. Việc kiểm tra sàng lọc bào thai vài tuần trước đó đôi khi có thể phát hiện ra những điều đáng lo hoặc những khả năng xấu mà chưa thể xác định rõ ràng 100%. Thông thường, bà bầu được khuyên hãy chịu khó chờ đợi, và điều này khiến những ông bố bà mẹ tương lai rất bồn chồn bứt rứt. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về những lo lắng và bứt rứt đó.
Những thay đổi của bé trong tuần này
  • Bé yêu của bạn trong tuần này nặng khoảng 360 gram và dài khoảng dưới 26,7 cm tính từ đầu đến mông. Trông bé vẫn như một con búp bê bé nhỏ nhưng làn da của bé vẫn còn nhăn nheo. Điều này là bởi vì da bé phát triển nhanh hơn lớp mỡ dưới da. Trong tuần này, bạn được quyền thoải mái ăn uống, miễn sao bạn luôn nhớ rằng đó là để tăng cân cho bé, chứ không phải cho bạn.
  • Em bé của bạn đang bắt đầu hình thành một chất quan trọng trong phổi, đó là surfactant- một chất giúp phổi hít đầy không khí ngay khi bé lọt lòng. Bạn hãy liên tưởng đến những chiếc lá trên cây và sẽ hình dung ra được những túi khí nhỏ này cần được mở để có thể truyền dẫn khí ô-xy đến những mạch máu xung quanh. Nếu người mẹ chuyển dạ sớm, thì cần được tiêm steroid để hỗ trợ cung cấp chất surfactant cho bé.
  • Trong tuần này, qua hình ảnh siêu âm có thể nhìn thấy các khoang tim và những mạch máu chính của tim bé. Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng những cơ quan chính này sẽ phát triển cùng với các bộ phận khác của cơ thể bé.
  • Bé yêu của bạn đã có thể nghe được. Lúc này, tai của bé đã hoàn thiện chức năng và sẽ phản ứng nếu có tiếng ồn lớn đột ngột. Tiếng chó sủa, tiếng đóng sầm cửa, tiếng khởi động xe sẽ khiến bé giật mình đạp mạnh. Xương của bé cũng dần cứng cáp hơn, do đó bạn nhớ uống canxi đầy đủ hàng ngày.
  • Bé yêu của bạn trong tuần này đã có thể cử động được tất cả các cơ và thậm chí còn có nhiều động tác khác. Bạn sẽ có cảm giác rằng bé ngày càng mạnh hơn và không còn chỉ máy nhẹ như trước đó nữa, khiến bạn tự hỏi không biết có vấn đề gì không. Tuy nhiên, tuần này thì bạn không cần phải lo lắng. 
mang thai tuần thứ 21

Những gợi ý cho tuần này
  • Cho dù rất mệt, bạn vẫn hãy nhớ tập duỗi thẳng người trước khi đi ngủ. Ngoài ra, đừng để đồ vật gì gần giường ngủ để tránh bị vấp ngã lỡ như bạn cần vội thức dậy lúc nửa đêm.
  • Đừng bỏ qua kiểm tra tiền sản định kỳ hàng tháng, và nhớ đánh dấu trên lịch. Các bệnh viện và phòng khám thường xếp lịch khám cho nhiều người cùng một lúc, vì thế bạn cần dự trù một khoảng thời gian kha khá cho cuộc khám định kỳ. Đừng chỉ băn khoăn đến những công việc bạn sẽ làm sau khi kiểm tra định kỳ xong.
  • Bạn hãy tìm mua một số sách dạy nấu ăn và nghĩ về các món ăn thích hợp có thể để sẵn trong tủ lạnh, như thế bạn sẽ biết được những món nào hấp dẫn với mình và vẫn ngon sau khi rã đông. Có rất nhiều loại thức ăn ngon như vậy.
Theo huggies
<<tuần thứ 20                                                                                               Xem tiếp tuần thứ 22>>

Mang thai tuần thứ 20

<<tuần thứ 19
Tới tuần 20, mẹ có thể cảm thấy như con bắt đầu tập võ trong bụng mình, nhưng ngoài ra thì những điều đáng ghét vẫn gặp từ đầu thai kỳ đến giờ hầu như đã biến mất. Mẹ có thể giống nhiều bà mẹ tương lai khác, cảm thấy hứng thú hơn với việc gần gũi với chồng, nhưng mẹ không biết thế nào là đủ và đúng? Hãy cùng xem!

Em bé của bạn phát triển thế nào?
Em bé của mẹ bây giờ nặng khoảng 340g và dài khoảng 27cm. Bạn sẽ sớm cảm thấy như con đang tập võ trong bụng mình khi những cử động mơ hồ của bé chuyển thành đấm đá huỳnh huỵch - mẹn sẽ khám phá ra con "đấm đá" cũng có quy luật đấy. Lông mày và mí mắt con đã xuất hiện, và nếu con bạn là gái, âm đạo của bé cũng đã bắt đầu hình thành.

mang thai tuần thứ 20 (1)
(Ảnh: Babycenter.com)

Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào?
  • Có lẽ mẹ đang cảm thấy khá thoải mái trong những ngày này. Bụng mẹ chưa quá lớn, và những khó chịu thường gặp ở đầu thai kỳ phần lớn đã biến mất. Nếu mẹ cảm thấy khoẻ khoắn thì hãy thư giãn và thưởng thức đi khi còn có thể - rồi 3 tháng cuối sẽ mang đến những rắc rối khác cho mẹ.
  • Nhưng nói vậy không có nghĩa bây giờ mẹ không phải đối phó với một số trục trặc nhỏ. Ví dụ, da mặt tiết ra nhiều dầu hơn có thể góp phần vào sự phát triển của… mụn. Trong trường hợp đó, hãy chăm rửa mặt bằng xà phòng dịu nhẹ hoặc sữa rửa mặt hai lần / ngày, và đảm bảo các loại kem dưỡng ẩm hoặc mỹ phẩm mẹ sử dụng không chứa dầu. Không nên dùng các loại thuốc uống trị mụn - một số rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai - hoặc sử dụng các sản phẩm bôi trị mụn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Mẹ cũng dễ bị giãn tĩnh mạch ở giai đoạn này. Khi thai nhi phát triển, áp lực lên các tĩnh mạch ở chân mẹ tăng lên, mức độ progesterone cao có thể khiến thành mạch giãn ra, làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Mẹ gặp nhiều khả năng bị giãn tĩnh mạch hơn nếu các thành viên khác trong gia đình cũng bị, ngoài ra, càng mang thai nhiều lần hoặc càng lớn tuổi thì khả năng bị nặng sẽ càng lớn hơn. Để giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu giãn tĩnh mạch, bạn hãy tập thể dục hàng ngày, giơ chân và bàn chân lên bất cứ khi nào có thể, ngủ nghiêng về bên trái, và mặc quần ống hỗ trợ thai sản.
  • Mẹ cũng có thể gặp hiện tượng “nhện tĩnh mạch”, đặc biệt là trên mắt cá chân, chân hoặc mặt. Đó là một nhóm các mạch máu nhỏ ở gần bề mặt da của bạn, có dạng nhánh nhỏ tỏa ra từ trung tâm, trông giống như một con nhện, mặt trời, cũng có thể giống cành cây hoặc một nhóm đường mảnh riêng biệt không có hình thù cụ thể. Mặc dù khó coi, “nhện tĩnh mạch” không gây khó chịu và thường biến mất sau khi sinh.
3 câu hỏi về… ân ái trong thai kỳ

1. Khao khát tình dục khi mang thai có bình thường không?
  • Một số phụ nữ cảm thấy ham muốn tình dục của mình tăng vọt khi mang thai, hoặc ít nhất là một khoảng thời gian nào đó trong thai kỳ. Do sự thay đổi hormone, lượng máu dồn xuống vùng xương chậu, độ nhạy với kích thích cũng như chất dịch bôi trơn âm đạo đều tăng lên. Và như thế, mẹ có thể ham muốn nhiều hơn bình thường.
  • Nhưng nếu mẹ không khao khát tình dục thì cũng... hoàn toàn bình thường. Khi bạn đang bị đau nhức nhiều, cảm thấy không hấp dẫn hoặc chỉ đơn giản thấy mệt, thì ham muốn tình dục có thể sụt giảm mạnh. “Tôi không có ham muốn gần gũi chồng. Chỉ là lúc nào tôi cũng mệt mỏi và không thoải mái trong hầu hết các tư thế,” một bà mẹ mang thai cho biết.
  • Nếu bạn cũng giống vậy, hãy cho chồng biết cảm giác của mình, đừng quên trấn an anh ấy rằng bạn vẫn yêu anh ấy. Điều quan trọng là hãy trao đổi cởi mở và cố gắng động viên lẫn nhau nhiều nhất có thể vì những thay đổi này cả hai bạn cùng đang phải trải qua. Và nhớ rằng ngoài tình dục thì vẫn còn có nhiều sự thân mật thể chất khác, các bạn vẫn có thể ôm, hôn và vuốt ve nhau.
2. Những tư thế nào thoải mái nhất?
  • Hơn 75% các cặp chuẩn bị làm cha mẹ thực hiện khảo sát cho biết rằng họ đã thử nhiều tư thế quan hệ khác nhau trong thai kỳ, và quan hệ theo tư thế nằm sát cạnh nhau là lựa chọn yêu thích của nhiều người. Ngoài ra, mẹ cũng có thể thử
  • Đứng hoặc ngồi dạng chân phía trên chồng mình khi anh ấy đang nằm ngửa hoặc ngồi trên một cái ghế vững chắc. Theo cách này, trọng lượng sẽ không đè lên bụng của bạn và bạn có thể kiểm soát được độ sâu thâm nhập.
  • Chống người trên khuỷu tay và đầu gối, chồng bạn cũng quỳ và tiến vào từ đằng sau.
mang thai tuần thứ 20 (2)
Có nhiều cách để hai vợ chồng thể hiện tình cảm gần gũi với nhau (Ảnh: Inmagine)

3. Có phải giới hạn quan hệ tình dục trong thai kỳ?

Các bạn sẽ cần tránh nếu có bất kỳ tình trạng hay dấu hiệu nào sau đây:
  • Nhau tiền đạo
  • Chuyển dạ sớm
  • Chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch bất thường
  • Co thắt bụng
  • Suy cổ tử cung
  • Cổ tử cung giãn nở
  • Vỡ ối, kể cả khi mẹ chỉ bị rỉ một chút
Cũng cần tránh nếu bạn hoặc đối tác của bạn bị mụn giộp bộ phận sinh dục hoặc cảm thấy sắp bị. Tránh quan hệ hoặc tiếp xúc bộ phận sinh dục trong suốt tam cá nguyệt thứ 3 nếu chồng bạn đã từng bị mụn giộp bộ phận sinh dục (còn bạn thì không), kể cả khi anh ấy không bị đau hay không có dấu hiệu gì. Điều tương tự cũng áp dụng cho quan hệ bằng miệng nếu anh ấy bị mụn giộp miệng. Cuối cùng, đừng quan hệ tình dục nếu bạn hoặc đối tác bị bất kỳ bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục nào, trừ khi cả hai đều đã được chữa trị và có kết quả âm tính với xét nghiệm sau đó.

Có những tình huống khác mà bác sĩ của bạn khuyên không nên quan hệ. Ví dụ, nếu bạn đã từng sinh non tự phát trước đây, bác sĩ sẽ khuyên mẹ nên ngừng quan hệ tình dục tại một số thời điểm nhất định trong thai kỳ và tiếp tục tránh sau khi đã qua tuần 37.

Hoạt động cho mẹ tuần này
  • Nhận quà cho con. Kể cả bạn không thích ý tưởng yêu cầu món quà nào cụ thể thì gia đình và bạn bè cũng sẽ hỏi xem bạn cần hay muốn gì; nếu chuẩn bị trước, bạn sẽ biết phải nói gì với họ và tránh hai sai lầm phổ biến nhất
  • Nhận quần áo. Bạn đừng phí thời gian, mọi người thường sẽ không thể cầm lòng khi mua sắm quần áo cho trẻ sơ sinh, họ thường sẽ chọn những thứ mà họ nghĩ là dễ thương và có thể chúng không phù hợp với con bạn.
  • Không nhận những món quà đắt tiền. Bạn đừng lo, mọi người sẽ không nghĩ bạn tham lam hay gì đâu, vì hiện tại nhiều người hay nhóm bạn bè thường thích cùng nhau góp tiền mua một món cho đáng, và điều này hoàn toàn nên làm!
Nguồn: Webtretho
Xem tiếp tuần thứ 21>>

Mang thai tuần thứ 19

<<tuần thứ 18
Bạn chẳng còn có thể ngủ sấp với cái bụng đã “lùm lùm”? Và ngay khi bạn vừa mới đặt lưng xuống giường thì dường như bé yêu trong bụng vừa tỉnh dậy! Có người bảo đó là các bà mẹ được “huấn luyện” trước để có thể thức dậy nhiều lần trong đêm khi bé ra đời. Biết thế, nhưng làm sao có thể làm lơ cái cảm giác “lùng bùng” trong bụng mình nhỉ? Nếu cảm thấy không thể ngủ được, bạn cũng đừng cố dỗ giấc ngủ nữa, mà hãy đi uống một ly sữa, ăn món gì nhẹ nhàng, tìm một quyển sách để đọc hoặc xem ti vi. Như thế bạn có thể thấy đỡ hơn.

Làm thế nào để bớt cảm thấy nóng bức?

Nếu cảm thấy quá nóng bức và không thoải mái với ga trải giường, bạn hãy sử dụng quạt hoặc máy điều hòa, bất kể đang là mùa nào trong năm. Bạn cũng có thể cởi bỏ bớt quần áo ngủ quá chật để cảm thấy thoải mái hơn. Nếu ông xã tưởng như vậy là bạn “gợi ý”, thì bạn cứ nói thật là để bạn bớt nóng! Bạn có thể chườm khăn ướt trên trán, cổ và ngực. Đừng lo bị cảm lạnh, bởi vì cơ thể bạn sẽ tự biết khi nào là đến “ngưỡng” lạnh, trừ phi vùng điều khiển trên não bộ của bạn không chịu hoạt động.

Làm sao để cảm thấy yêu đời hơn khi mang thai

Hãy cố gắng dành thời gian thư giãn và tận hưởng thời kỳ mang thai của mình. Vào thời gian này, hy vọng các hiện tượng gây khó chịu cho cơ thể bạn đã chấm dứt, và bé yêu trong bụng cũng chưa quá lớn để gây ra những khó chịu khác. Bạn có thể cảm thấy rất hạnh phúc và yêu đời. Nhưng lúc khác, bạn lại cảm thấy mình bị mập và hơi chán. Cũng có thể bạn dễ nổi cáu trong chốc lát vì không hài lòng với ai đó hoặc vì những điều nhỏ nhặt. Hãy dành thời gian tập thể dục để giúp cơ thể bạn sản sinh endorphin, nội tiết tố giúp cảm thấy thư giãn. Bạn có thể đi bơi, đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng hay yoga. Bạn cũng có thể dành thời gian ở một mình để cảm nhận và trò chuyện với bé yêu của mình, mà không nhất thiết phải có người nào khác bên cạnh.

Những thay đổi cơ thể trong tuần này

  • Phần da ở chân và cánh tay bạn có thể xuất hiện các đốm nhỏ. Ở ba tháng giữa thai kỳ này, các bà bầu thường có vẻ xanh xao. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng bởi vì đây chỉ là một biểu hiện mức oestrogen cao trong cơ thể bạn chứ không phải những vùng này của bạn bị thiếu máu. Sau khi sinh, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
  • Lúc này bạn đừng cố tìm rốn của mình rồi lại cúi thấp quá nhé! Nếu rốn của bạn trước khi mang thai hơi lõm thì đến lúc này nó đã bắt đầu hơi nhô ra. Ở tuần thứ 19, rốn sẽ phẳng ra bằng với vùng da chung quanh. Bé càng lớn lên trong bụng mẹ thì rốn mẹ càng nhô ra rõ hơn. Điều thú vị là, rốn của mẹ là một trong những bộ phận cơ thể sẽ thay đổi hẳn sau sinh bé. Do đó bạn đừng ngạc nhiên hay lo lắng nếu nó có vẻ hơi khác so với trước đây nhé.
  •  Đến giai đoạn này, bộ ngực của bạn có thể đã tạm dừng thay đổi và bạn cũng đã làm quen với dáng vẻ mới của ngực mình. Càng về sau, các núm vú sẽ to hơn và quầng vú có màu thẫm hơn. Bạn nên chọn loại áo ngực phù hợp để tạo sự thoải mái. Cỡ áo ngực của các bà bầu thường có thể tăng gấp hai, ba lần so với trước khi mang thai. Đây là những thay đổi tự nhiên để giúp cơ thể bạn chuẩn bị tạo sữa cho bé yêu sau khi sinh.
  • Bạn sẽ nhận ra mình bắt đầu tăng cân nhiều hơn những tuần trước đó. Trong 10 tuần tiếp theo, số cân tăng thêm của bạn có thể sẽ gần bằng một nửa tổng số cân tăng thêm trong toàn bộ thời gian mang thai. Một trong những lý do là cơ thể bé yêu bên trong bạn đang phát triển các lớp mỡ và các cơ.
  • Tự nhiên bạn thèm ăn những thức ăn kỳ lạ? Nếu bạn bắt đầu thấy thèm thuồng muốn nếm cát, than trong lò sưởi hay lò nướng, hoặc thậm chí một viên phấn, bạn cũng đừng quá lo lắng. Đây là hiện tượng mà y học gọi là “Pica”, và tuy có vẻ kỳ quặc nhưng lại có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân tiềm ẩn hơn, ví dụ những thứ đó chứa các chất mà cơ thể bạn đòi hỏi vì lý do nào đó. Tuy vậy, hãy chống lại sự cám dỗ đó, đừng ăn những thứ này nhé. Thay vào đó, bạn hãy đảm bảo một thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng về mùi vị lẫn thành phần.
Những thay đổi cảm xúc trong tuần này
  • Ở giai đoạn này bạn có thể cảm thấy căng thẳng một chút. Mặc dù đây chưa phải là những ngày cuối của thai kỳ, các bà bầu, đặc biệt là những người đang đi làm, cần chuẩn bị trước cho ngày bé yêu chào đời. Chẳng ai có thể dự đoán được thời khắc của sự kiện trọng đại đó, trừ bé yêu của bạn. Nhiều ông bố bà mẹ tương lai cứ nghĩ mình còn nhiều thời gian, hóa ra không phải. Vì thế, các bà mẹ cần lên kế hoạch sớm, tránh lâm vào cảnh bị động ở những giây phút cuối.
  • Một số bà mẹ đã có con có thể cảm thấy khó chia sẻ tình cảm với bé thứ hai sắp ra đời. Đây là một tâm lý rất tự nhiên và có thể được giải tỏa giữa các mẹ thông qua tâm sự, chuyện trò với nhau. Bạn hãy yên tâm, bởi vì các bé có một khả năng tuyệt vời là làm cho bố mẹ yêu mình. Đừng tự làm khổ vì trí tưởng tượng của mình nhé! 
Những thay đổi của bé trong tuần này
  • Theo bảng so sánh theo kích thước các loại trái cây, ở tuần thứ 19 này, bé sẽ có kích thước bằng quả chuối. Không phải như chuối tiêu đâu, mà quả chuối lớn đấy nhé! Trọng lượng của bé vào khoảng 240 gram, khá nhỏ nhưng sẽ còn tăng lên khá nhiều nữa đấy. Một gợi ý nho nhỏ đối với các bà mẹ muốn ghi nhớ về quá trình tăng trưởng của bé trong bụng mẹ, các số đo của bé khi chào đời là: trọng lượng 3,5kg, vòng đầu 35cm và chiều dài cơ thể 53cm, đều là sự kết hợp của các con số 3 và 5.
  • Tuần này, não bộ và các cơ của bé đã phối hợp với nhau, có nghĩa là các cử động của bé trở nên ít ngẫu nhiên và bất chừng hơn bởi bé đã có thể điều khiển một phần hoạt động của cơ thể. Ví dụ như khi bạn nằm ở một tư thế đặc biệt mà bé không thích, bạn sẽ cảm thấy bé vặn vẹo để tìm không gian phù hợp. Các bé đúng là biết chọn lựa thật đấy nhỉ?
  • Trong bụng mẹ, bé liên tục uống và nuốt nước ối. Chu trình nuốt nước ối, tiêu hóa và sau đó thải ra nước tiểu của bé sẽ diễn ra trong suốt thời gian mang thai. Các chất thải bắt đầu hình thành trong ruột bé và sẽ được thải ra ở lần đi tiêu đầu tiên của bé.
  • Bắt đầu từ tuần này, các mầm răng của bé được hình thành. Nước sinh hoạt ở khu vực các bà mẹ sinh sống nếu có bổ sung fluoride sẽ giúp ích cho quá trình này của bé. Nhau thai với nhiệm vụ lọc các chất sẽ chấp nhận fluoride nếu lượng hấp thu ở mức an toàn. 
mang thai tuần thứ 19

Những gợi ý trong tuần này
  • Nếu bạn cảm thấy chân nhức mỏi, hãy xem xét cẩn thận giày dép bạn đang mang. Đôi chân của bạn sẽ thoải mái hơn nếu bạn đi giày đế thấp, dùng miếng lót hỗ trợ phần gót, hoặc đi giày lớn hơn kích cỡ thường mang trước đây.
  • Nên tránh tiếp xúc với mèo hay dọn vệ sinh cho mèo bởi vì phân mèo có thể khiến bạn mắc bệnh truyền nhiễm toxoplasma nếu mèo nhiễm bệnh. Hãy mang găng và rửa tay cẩn thận sau khi đào bới ở những chỗ bẩn hay chỗ mèo từng đến. Bạn nên tránh ăn thịt tái, cần rửa sạch trái cây và rau, và uống sữa tiệt trùng để tránh nguy cơ nhiễm toxoplasma nhé.
  • Hãy đem ra xem lại tập ảnh hồi bé xíu của bạn và của chồng nhé. Bạn thử hỏi bố mẹ mình xem hồi nhỏ bạn trông như thế nào, tính tình ra sao. Hãy chuẩn bị để bé yêu của bạn chào đời trong một gia đình gắn bó và đầy sẻ chia
Nguồn: huggies
Xem tiếp tuần thứ 20>>