Thời kỳ hậu sản là khoảng thời gian 3 tháng sau cơn vượt cạn của mẹ theo dân gian, với y học hiện đại là 6 tuần đầu sau sinh. Hậu sản là một vấn đề đáng lo ngại của mẹ, vì khi mang thai các cơ quan sinh dục của mẹ phát triển để thích nghi với việc có em bé. 6 tuần sau sinh là thời gian các cơ quan sinh dục (trừ ngực vẫn phát triển để nuôi con) sẽ dần trở lại bình thường như trước khi sinh.
Như vậy, bất kỳ mẹ nào cũng bước qua thời kỳ hậu sản, và đều cần được chăm sóc đặc biệt nếu không rất dễ mắc một số bệnh lý – gọi là bệnh hậu sản như dưới đây.
Ảnh minh họa: Internet
1. Bị băng huyết
Băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa hay gặp nhất (nguy cơ cao nhất trong 24h sau sinh) và nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ.
Triệu chứng: chảy máu nhiều ngay sau khi sinh và khi xổ nhau. Máu ra nhiều khiến mẹ bị choáng, xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, khác nước, tay chân lạnh, vã mồ hôi …
Nguyên nhân:
- Cơ tử cung yếu do sinh đẻ nhiều lần, tử cung có sẹo mổ, u xơ tử cung, tử cung dị dạng; tử cung bị căng giãn quá mức vì đa thai, đa ối, thai to.
- Chuyển dạ kéo dài, nhiễm khuẩn ối.
- Sót nhau trong buồng tử cung.
- Mẹ bị suy nhược, thiếu máu, cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén.
- Mẹ từng có tiền sử sẩy, nạo, hút thai nhiều lần.
- Mẹ từng bị sót nhau, viêm niêm mạc tử cung.
- Mẹ sinh non, thai lưu.
- Mẹ sinh đẻ quá nhanh, đặc biệt ở tư thế đứng.
- Dây nhau ngắn, cuốn cổ nhiều vòng.
- Đỡ đẻ không đúng cách, cổ tử cung chưa mở hết mà mẹ đã rặn.
Băng huyết là một tai biến hết sức nguy hiểm, nếu mẹ thấy mình ra máu nhiều sau khi sinh hay gặp các triệu chứng như trên, cần thông báo ngay cho bác sĩ biết, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời và thích hợp.
2. Bị nhiễm khuẩn sau sinh
Nhiễm khuẩn hậu sản là nhiễm khuẩn xảy ra ở mẹ sau khi sinh mà khởi điểm là từ đường sinh dục (âm đạo, cổ tử cung, tử cung vùng nhau bám). Vi khuẩn gây bệnh có thể từ cơ thể mẹ, người xung quanh, dụng cụ đỡ đẻ, thủ thuật mổ lấy thai…
Nguyên nhân nhiễm khuẩn: dinh dưỡng kém, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, vỡ sớm, chuyển dạ kéo dài, ứ sản dịch, đã bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung từ trước…
Triệu chứng ban đầu có thể chỉ là sốt nhẹ (>38độC), đau tấy, mưng mủ chỗ bị viêm, sản dịch hôi, mệt mỏi, ăn uống kém… Nếu nặng, mẹ có thể sốt rất cao, rét run, choáng, hạ huyết áp…
Những khu vực mẹ có thể bị nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung; viêm phần phụ và dây chằng rộng; viêm phúc mạc, tiểu khung; viêm phúc mạc toàn bộ; nhiễm khuẩn huyết; viêm tĩnh mạch.Với mỗi loại nhiễm khuẩn sẽ có những biểu hiện đặc trưng riêng, tuy nhiên nếu mẹ bị sốt trong thời kì này thì phải đặc biệt lưu ý vì đây là biểu hiện ban đầu của mọi hình thái nhiễm khuẩn hậu sản đấy.