Hiển thị các bài đăng có nhãn mang thai tuần thứ 3. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn mang thai tuần thứ 3. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Mang thai tuần thứ 3

Như đã nói, tuổi thai thật sự được tính từ khi thụ tinh. Tuy nhiên, thời gian từ lúc bắt đầu của kỳ kinh cuối (KKC) đến khi thụ tinh khác nhau ở mỗi người, trung bình là 2 tuần. Do không biết chính xác thời điểm thụ tinh nên tuổi thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày sanh dự kiến là 40 tuần. Như vậy, tuần lễ đầu tiên của thai chính là tuần thứ 3 của thai kỳ.
Đây chính là tuần lễ mà bạn mong chờ.Trứng đã được thụ tinh vào đầu tuần, và cơ thể bạn vừa mới bắt đầu sự chuyển đổi tuyệt vời. Đây là tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai, nhưng tuần thứ 3 mới thật sự là những ngày đầu tiên của cuộc sống của bé. Lúc này, bé thật sự chỉ là một nhóm các tế bào, và có lẽ bạn cũng chưa biết đến sự tồn tại của bé đâu.
               
                                                     Trứng được thụ tinh - Ảnh: Getty I mages
Mặt khác, một số phụ nữ có thể cảm nhận được mình đã mang thai ngay sau khi thụ thai, đó là trực giác làm mẹ. Một số nhận thấy dấu hiệu xuất huyết nhẹ khi trứng bám vào các mô tử cung. Thời điểm này vẫn còn quá sớm để có thể phát hiện nhiều thay đổi bên ngoài, và hầu hết phụ nữ đều không nhận thấy bất kỳ thay đổi thể chất  nào của việc thụ thai. Tuy nhiên cho dù bạn có hay không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc mang thai 3 tuần, bạn có thể yên tâm rằng sự thụ tinh đã xảy ra, và tất cả quá trình trong cơ thể bạn đang tham gia vào sự phát triển  của một cuộc sống mới.
Một số mẹ cũng đã có thể biết mình có thai bằng dụng cụ thử thai tại nhà. Tuy nhiên kết quả lúc này chưa thật sự chính xác, bạn có thể đợi đến cuối tuần khi kỳ kinh tiếp theo đã thật sự “trễ”.
Nếu kết quả thử thai là dương tính, nghĩa là “2 vạch”, bạn nên tìm một dịch vụ y tế, hoặc một bác sĩ tin cậy để đặt hẹn khám thai. Hầu hết các thai phụ chỉ cần khám thai từ tuần thứ 8 trở đi trừ khi bạn đã từng gặp khó khăn khi mang thai trước đó, hoặc có triệu chứng bất thường cần kiểm tra lại. Nếu mẹ đang sử dụng thuốc – dù là loại kê toa hoặc không cần toa – hãy tham vấn bác sĩ ngay để biết chúng có an toàn cho bé hay không.
Trong trường hợp kết quả thử thai là âm tính nhưng bạn vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại, hãy kiên nhẫn chờ đợi và thử lại vào tuần sau. Bạn đừng vội thất vọng vì tuần lễ này cũng còn là quá sớm, và một số que thử nước tiểu chưa đủ nhạy để bắt được tín hiệu thai kỳ ở tuần này mà thôi
Nguồn: ebe.vn

Những điều nên làm trong tuần thứ 03 - Bắt đầu thói quen tập thể dục

Đây là một tuần tuyệt vời để bạn bắt đầu thói quen tập thể dục dành cho thời kỳ mang thai. Các hoạt động hiệu quả và nhẹ nhàng như tập yoga dành cho phụ nữ mang thai, đi bộ hoặc tập aerobic nhẹ. Loại hình và cường độ tập luyện phụ thuộc vào mức độ thể lực của bạn trước khi mang thai.
Luyện tập khi mang thai - Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên trước khi bắt đầu chế độ tập luyện, hoặc tiếp tục tập luyện với cường độ cao, bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ. Sự gia tăng đột ngột trong hoạt động có thể ảnh hưởng đến cả hai mẹ con, đặc biệt khi nhịp tim của bạn vượt quá 140 nhịp/phút. Nếu bạn đang có chế độ tập luyện quá mức, bạn cần phải cắt giảm cường độ và thời gian tập luyện ít nhất là 20%.
Chăm sóc y tế
Ngay từ khi có kế hoạch sinh con, mẹ đã cần phải bổ sung vitamin tiền thai kỳ chứa ít nhất 400mcg axit folic mỗi ngày; đến khi có thai, lượng axit folic cần tăng gấp rưỡi – vào khoảng 600mcg/ngày. Ngoài ra bạn cần phải chú ý đến chế độ ăn uống của mình, đảm bảo những gì bạn ăn vào là tốt nhất cho hai mẹ con.
Nếu bạn đã cố gắng thụ thai cả năm rồi hoặc lâu hơn (lâu hơn 6 tháng nếu bạn trên 35 tuổi) mà không thành công, hãy đề nghị cơ sở y tế thực hiện các xét nghiệm khả năng sinh sản ở cả hai vợ chồng. Kết quả của các xét nghiệm này đôi khi không dễ chấp nhận, nhưng dù sao hiểu rõ vấn đề của mình cũng sẽ giúp các bạn tìm phương án điều trị phù hợp, để kết quả cuối cùng là có được một đứa con xinh đẹp và khỏe mạnh.
Lời khuyên cho ba của bé
Đây sẽ là một tuần thú vị và nhiều cảm xúc. Một chút lo lắng, một chút vui mừng, lúc vui lúc buồn khi bạn cũng cùng cảm giác trông chờ sự có mặt của bé. Hãy chia sẻ những suy nghĩ, những lo lắng của mình với cô ấy, và hãy tặng hoa cho cô ấy nhé.
Việc chia sẻ cảm xúc với cô ấy sẽ khiến cô ấy cảm thấy an ủi khi biết rằng bạn đang có những suy nghĩ tương tự. Chia sẻ những mối quan tâm về thụ thai, dấu hiệu mang thai sẽ khiến cô ấy vui vẻ hơn và không cảm thấy bị cô lập hay lẻ loi trong hành trình kỳ diệu này.
Nguồn: ebe.vn