Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

4 bài tập đơn giản Kegel tốt cho mẹ bầu

Các bài tập Kegel rất cần cho mẹ bầu trong giai đoạn mang thai, giúp tăng cường cơ xương chậu và chuyển dạ dễ dàng. 

Bài tập Kegel cũng giúp mẹ bầu khắc phục một số phiền toái thường gặp trong thai kỳ như đi tiểu mất kiếm soát, nhiễm trùng đường tiết niệu…

Các bài tập Kegel rất tốt cho mẹ bầu. (Ảnh: Internet)

1. Bài tập Tailor Sit

Đây là tư thế kéo giãn thực hiện khi ngồi trên mặt phẳng.

- Ngồi trên sàn, gập đầu gối và bắt chéo chân

- Giữ lưng thẳng và thoải mái, sau đó hơi nghiêng về phía trước một chút.

- Lặp lại tư thế này bất cứ khi nào có thể.

2. Bài tập Tailor Press

Bài tập cũng được thực hiện ở tư thế ngồi.

- Ngồi trên sàn với đầu gối gập và chạm hai lòng bàn chân vào nhau.

- Giữ hai bàn chân chạm vào nhau và nhẹ nhàng nhấc hai chân lên về phía người

- Đặt tay dưới đầu gối khi nhấc chân lên.

- Hít vào trong vài giây

- Dùng lực hai tay đẩy hai đầu gối xuống, giữ nguyên trạng thái và đếm đến 5 sau đó lặp lại.

3. Bài tập cho hông và xương chậu

Đây là bài tập rất hiệu quả để làm chắc các cơ bắp, hỗ trợ cho tử cung và bàng quang.

- Nằm ngửa trên sàn, chống hai chân trên mặt sàn, bàn chân hơi chếch ra ngoài, giữ chắc cơ hông và từ từ nhấc hông lên.

- Đồng thời giữ chặt các cơ ở phần bụng.

- Khi nhấc hông lên, cảm nhận co thắt cơ âm đạo một chút.

- Giữ nguyên tư thế trong vài giây rồi từ từ thả ra sau đó lặp lại.

4. Kĩ thuật thở và nín tiểu

- Hít vào đồng thời giữ chặt vùng dưới hông, thực hiện co cơ âm đạo giống như khi bạn đang đi tiểu rồi nín lại.

- Giữ trong vài giây sau đó thả lỏng đồng thời thở ra.

- Kỹ thuật này đòi hỏi phải tham khảo ý kiến vì nó có khả năng gây ra các cơn co thắt khi thực hiện không đúng.

- Cách thở đồng thời giữ cơ có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

- Nên kết hợp cùng trong thói quen hàng ngày.

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tập các bài tập Kegel và mẹ bầu nên thường xuyên tập luyện trong suốt thai kỳ. Sau khi sinh nở, mẹ có thể từ từ bắt đầu lại các bài tập Kegel để kích thích tuần hoàn máu, cải thiện cơ bắp và lấy lại vóc dáng.

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Phụ nữ cần khám gì trước khi mang thai?

Nhằm có một thai kỳ an toàn, ổn định, bé yêu phát triển tốt trước khi mang thai, các chị em phụ nữ nên kiểm tra về sức khỏe như sau:


Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để đảm bảo mẹ có thai kỳ tốt nhất. (Ảnh: Internet)

1. Khám răng

Đến nha sĩ là điều bạn phải làm trước khi tính đến chuyện có thai. Các vấn đề răng miệng trong thai kỳ có thể đem đến nhiều rủi ro cho bà bầu và thai nhi vì bạn sẽ không được dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Ngoài ra, chữa răng lúc mang thai cũng không hề tốt cho sức khỏe.

2. Kiểm tra nhóm máu

Bạn cần phải biết chắc chắn nhóm máu của mình và chồng nếu muốn mang thai. Trong trường hợp bạn có nhóm RH- và chồng là RH+, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì các kháng thể từ mẹ sẽ tấn công các tế bào máu của thai nhi do không tương thích.

3. Kiểm tra tuyến giáp trạng

Bạn cần kiểm tra hoạt động của tuyến giáp trước khi mang bầu để đề phòng tình trạng nhược giáp dẫn đến nguy cơ sẩy thai cao.

4. Kiểm tra tâm lý

Nếu đang bị lo âu căng thẳng, bạn hãy cố gắng thư giãn và tìm đến sự giúp đỡ của một nhà tâm lý trước khi mang thai nhí. Trong thai kỳ, stress có thể trở nên rất nguy hiểm và khi đó bạn cũng không thể sử dụng loại thuốc giảm stress nào.

5. Kiểm tra huyết sắc tố

Kiểm tra huyết sắc tố và bổ sung acid folic để phòng ngừa biến chứng trong thai kỳ là điều bạn nên nghĩ đến. Ngoài ra, vitamin B12 cũng được khuyên dùng trước và trong thời gian mang thai.

6. Theo dõi cân nặng

Thừa cân sẽ khiến cho việc thụ thai gặp khó khăn. Thậm chí, kể cả khi bạn có bầu, biến chứng cũng có thể xảy ra vì lượng cholesterol và huyết áp cao. Vì vậy hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức vừa phải trước khi quyết định có thai.

7. Kiểm tra lượng dưỡng chất cần thiết

Nếu đã chắc chắn về kế hoạch có con, bạn nên dừng mọi chế độ ăn kiêng và ăn uống lành mạnh để đảm bảo cơ thể có đủ các chất cần thiết. Nếu mẹ không có thể trạng tốt trước và trong khi mang bầu, con sẽ yếu cả về cơ thể lẫn tinh thần. Tệ hơn, bạn còn có nguy cơ ngã bệnh trước khi nhận tin vui đấy.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Những việc mẹ bầu cần làm trước giờ lâm bồn 1 tháng

Với những mẹ sinh con lần đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ, hi vọng bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho các mẹ bầu chuẩn bị tốt khi sinh trước 1 tháng.

1. Phòng cho mẹ và bé sau khi sinh

Trước ngày dự sinh 1 tháng mẹ nên chuẩn bị kỹ càng phòng ở cho mẹ và bé, để sau khi con ra đời và trở về nhà đã có sẵn phòng cho bé nằm. Phòng ở của mẹ và bé cần kín gió nhưng vẫn đảm bảo độ thoáng. Không nên để quá nhiều đồ đạc trong phòng để tránh tình trạng yếm khí, gây khó khăn cho hô hấp của bé. Đồng thời, quá nhiều đồ đạc cũng là điều kiện để vi khuẩn gây hại cư trú và phát triển.

Mẹ cũng nên chú ý khi chọn nôi cho con. Bởi bé sơ sinh rất nhạy cảm nên nếu chiếc nôi không thoải mái, sẽ khiến con ngủ không ngon giấc và quấy khóc. Một vài lưu ý cho mẹ khi chọn nôi:

- Nên chọn nôi có kết cấu vững chắc và bằng phẳng để không ảnh hưởng đến cột sống của bé. Chất liệu vải bọc bền để không bị rách khi di chuyển. Nên chọn loại nôi có lớp vải lót dưới đáy dạng lưới để không bị đọng nước tiểu. Lớp màn lưới chống muối không nên quá kín sẽ làm bé nóng bức và khó thở.

- Màu sắc của nôi nên chọn những màu tươi sáng như màu hồng, màu cam, xanh lá… để có thể làm tăng khả năng linh hoạt, nhận biết sắc màu của bé. Không nên lựa chọn những màu tối như đen, nâu, xám vì bạn sẽ khó phát hiện được bụi bẩn cũng như côn trùng.

2. Sắp xếp những món đồ cho bé

Khi thai kỳ bước vào tháng thứ 7 bạn nên bắt đầu mua sắm những món đồ cần thiết cho em bé, vì lúc này mẹ cảm thấy khỏe nhất và việc di chuyển vẫn còn tiện lợi. Trước ngày dự sinh 1 tháng, mẹ cần kiểm tra những thứ cần thiết và sắp xếp chúng một cách ngăn nắp, cẩn thận để khi em bé ra đời mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc con.

Quần áo, tã lót, mũ, bao tay bao chân của trẻ cần được gập riêng từng loại và cất trong chiếc tủ nhỏ chỉ dành đựng đồ của bé. Sữa và các dụng cụ pha sữa cần bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát để tránh bị mốc, hỏng.

Tốt nhất mẹ nên để tủ đồ của bé trong phòng dành cho hai mẹ con, để có thể tiện thay cho con bất cứ lúc nào mà không cần chạy đi chạy lại. Nếu nhà bạn thường xuyên có gián, chuột và côn trùng hãy nhờ ông xã hoặc người thân, dành một ngày phun thuốc diệt côn trùng và bẫy chuột trước khi bạn sinh con. Để đảm bảo rằng sẽ không có con côn trùng hay chuột nào chui vào tủ đồ của em bé để phá hoại.


Khi thai kỳ bước vào tháng thứ 7 bạn nên bắt đầu mua sắm những món đồ cần thiết cho em bé (Ảnh minh họa: Internet)

3. Chuẩn bị sẵn những đồ cần mang theo khi vào viện

Khi cơn đau đẻ ập đến, mẹ sẽ không còn đủ thời gian và sự bình tĩnh để sắp xếp đầy đủ, cần thận từng món đồ mang vào bệnh viện. Vì thế, tốt nhất hãy chuẩn bị từ trước đó 1 – 2 tuần. Điều này sẽ giúp bạn sẵn sàng nhập viện sinh con bất cứ lúc nào.

Những vật dụng cơ bản nhất mẹ cần chuẩn bị gồm:

Đồ cho mẹ:

- Chứng minh thư bản gốc và một vài bản photo

- Sổ khám thai, hồ sơ sinh, BHYT

- Băng vệ sinh cho mẹ

Đồ cho bé:

- Áo cho bé

- Tã, chăn ủ

- Bao tay, bao chân và mũ cho bé

- Sữa non để phòng khi sữa mẹ không kịp về

- Tã giấy

- Băng rốn, gạc rơ lưỡi và nước muối sinh lý

Xem thêm Danh sách đồ mẹ cần mua trước khi sinh

4. Khám thai thường xuyên

Ở tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ nên đi khám thai thường xuyên, khoảng 1 tuần 1 lần. Điều này rất cần thiết, để bác sĩ theo sát tình hình sức khỏe của mẹ và có những chẩn đoán tốt nhất về thai nhi như ngôi thai, trọng lượng và kích thước thai nhi, độ nở của xương chậu… Từ đó, bác sĩ sẽ có chỉ định cho bạn về việc nên sinh thường hay sinh mổ.

Trong những lần khám thai cuối cùng này, mẹ nên nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý để có thể sinh con thuận lợi nhất. Nếu bác sĩ có kết luận những vấn đề không thuận lợi về việc sinh nở như ngôi thai ngược, thai nhi bị tràng hoa quấn cổ… thì cũng không nên quá hoảng loạn. Bởi sự sợ hãi và hoảng loạn càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Mẹ phải cố gắng bình tĩnh và nghe theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ cho đến ngày sinh con.

5. Cố gắng thư giãn và nghỉ ngơi

Giai đoạn càng gần ngày dự sinh, nhiều mẹ bầu tỏ ra rất lo lắng và sợ hãi. Điều này không hề tốt, bởi nó sẽ ảnh hưởng xấu đến em bé và khiến quá trình sinh con của mẹ trở nên khó khăn hơn. Hãy cố gắng thư giãn và nghỉ ngơi thật nhiều nhé.

Tốt nhất, mẹ nên xin nghỉ làm muộn nhất là 2 tuần trước khi sinh, để có thời gian nghỉ ngơi. Khoảng thời gian này, bạn nên hạn chế làm việc nặng, tốt nhất hãy nhờ ông xã hoặc người thân giúp đỡnhé.

Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên nằm suốt cả ngày, bởi nằm quá nhiều sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, nặng nề dẫn đến khó sinh. Mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng quanh sân, hoặc một đoạn đường ngắn gần nhà. Điều này vừa giúp tinh thần được thư giãn, vừa tốt cho việc sinh con. Ngoài ra, mẹ cũng nên tập trước cách hít thở để không bỡ ngỡ khi vào phòng sinh nhé.

6. Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ

Trong kỳ thai cuối, mẹ bầu thường bị rò rỉ nước tiểu hoặc nước ối, đôi lúc cảm thấy sa bụng, hơi đau, dây chằng ở xương chậu và tử cung căng ra. Những người mang thai lần đầu thường dễ nhầm lần biểu hiện này với sự chuyển dạ. Mẹ cần nắm rõ những dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc mất công tới bệnh viện rồi lại phải đi về. Khi có những dấu hiệu chuyển dạ bạn cần gọi ngay cho người thân, sắp xếp đồ đạc và đến bệnh viện để chuẩn bị sinh con.

Chúc các bạn mẹ tròn con vuông.

Theo http://www.ebe.vn/mang-thai/sinh-no/danh-cho-me/6-viec-me-bau-nen-lam-truoc-khi-sinh-1-thang-4133