Trong dân gian, những điều người phụ nữ cần kiêng kị sau sinhrất nhiều. Có những kiêng kỵ đúng, nhưng cũng có điều chưa đúng với nhận thức khoa học, vệ sinh, gìn giữ sức khỏe ngày nay. Hãy tham khảo một số kiêng kỵ phổ biến dưới đây xem liệu điều đó đúng hay sai.
Sau sinh mẹ thường được nghe rất nhiều điều kiêng kị. Ảnh minh họa: Getty Diamond
Kiêng khem trong ăn uống sau sinh
Người phụ nữ sau sinh phải tiết sữa nuôi con, nên sau sinh ít ngày, khi cơ thể dần hồi phục thì họ ăn rất khỏe. Có câu “ăn đến thủng nồi, trôi rế” để nói về đặc điểm này. Quan niệm dân gian không ngăn cấm người mẹ ăn nhiều là đúng, nhưng lại đưa ra nhiều món ăn phải kiêng khem. Quan niệm khuyến khích người mẹ chỉ ăn cơm với nước mắm chưng, cùng lắm là cho ăn thêm quả trứng luộc. Ông bà ta cho rằng không kiêng khem như thế, người mẹ sau này sẽ mắc nhiều bệnh tật, đặc biệt là hay “ốm bụng” và tiêu chảy. Vì thế, hầu như các bà mẹ sau sinh không được ăn thịt, cá, tôm, cua; các loại rau củ quả cũng hạn chế, chỉ có rau ngót được cho là lành.
Thực tế, giai đoạn sau sinh người mẹ cần được hồi phục sức khỏe, lại phải chăm sóc, cho con bú, nên lúc này họ cần ăn nhiều, thức ăn cần đa dạng để cung cấp đủ các chất đạm, đường, mỡ, muối khoáng và vitamin cho cả mẹ và con. Do vậy, người mẹ không cần kiêng khem bất cứ thực phẩm nào nếu các thức ăn đó đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, “ăn chín, uống sôi”, không lẫn chất độc hại và không có độ cồn (rượu).
Kiêng tắm và luôn mặc quần áo dày sau sinh
Theo phong tục tập quán, tại hầu hết các vùng, nhất là miền xuôi, người mẹ sau sinh phải luôn mặc áo quần dày để giữ ấm. Người mẹ cũng không được tắm ngay vì cho rằng sau đẻ bị lạnh, và nếu tắm rửa sớm sau sinh lúc về già sẽ bị nóng và lạnh hơn so với mọi người, bị nổi gân xanh trên da…
Việc cần giữ ấm sau khi đẻ, nhất là về mùa rét là điều đúng và rất cần thiết để tránh các bệnh do nhiễm lạnh, lại rất dễ mắc phải khi cơ thể người mẹ đã suy yếu do mất sức, mất máu trong quá trình sinh đẻ. Tuy nhiên, nhiều gia đình bắt bà mẹ mới đẻ phải mặc nhiều áo quần, thậm chí cả áo len vào mùa hè nóng bức khiến mồ hôi ướt đẫm cả người thì lại là điều có hại. Vì thế, việc tắm rửa cũng phải được mẹ thực hiện thường xuyên sau khi sinh. Cần phải rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch và thay băng vệ sinh nhiều lần mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn hậu sản.
Việc tắm gội có thể thực hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi sinh, không nên kiêng kéo dài hàng tháng như quan niệm cũ. Tất nhiên khi tắm sau sinh, mẹ cần tắm bằng nước nóng, tắm trong nhà tắm kín gió, không nên tắm ngâm trong bồn và không tắm lâu, chỉ nên tắm khoảng 10 phút một lần.
Tắm hàng ngày hoặc cách ngày tắm 1 lần là việc nên làm. Việc mẹ nổi gân xanh trên das au sinh là do chế độ ăn uống không đủ chất, khiến người gầy sút, hoặc do tạng người gầy yếu mà thôi.
Quan niệm bịt tai, không được xem ti vi, sách báo…
Trong quan niệm dân gian cũng thường yêu cầu mẹ mới sinh phải bịt tai (thường là nhét bông vào 2 lỗ tai) để sau này không bị ù tai, phải đeo kính râm khi ra ngoài nắng, không được xem ti vi, không được đọc sách báo những ngày đầu sau sinh vì sẽ bị chảy nước mắt và hại mắt về sau. Hoặc nếu nói nhiều sau đẻ thì sau này bị nói nhịu…
Những điều nói trên đều có lý khi phụ nữ sau sinh nếu có những hoạt động đó quá mức, do cơ thể người mẹ vừa trải qua cuộc vượt cạn cực nhọc và gian khổ, ngay cả khi không có biến chứng gì. Những âm thanh quá lớn và liên tục, việc phải nhìn ra ngoài nắng chói chang hoặc theo dõi hình ảnh truyền hình trong nhiều giờ với bà mẹ sau sinh đều không có lợi cho sức khỏe toàn thân, cũng như các bộ phận trực tiếp thu nhận của các giác quan đó. Tuy vậy, nói là “cấm” tuyệt đối thì có phần thái quá.
Tóm lại, vấn đề là nên có mức độ, không thể sinh hoạt, hoạt động như khi chưa có thai và sinh đẻ.