Hiển thị các bài đăng có nhãn sau sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn sau sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Làm gì khi sữa ra nhiều

Bất cứ bà mẹ nào cũng mong có sữa nhiều để cho con bú, song khi sữa mẹ ra quá nhiều không chỉ gây nôn trớ, nghẹn thở cho bé khi bú, mà còn gây ra không ít phiền phức cho mẹ. Vậy phải làm thế nào đây?
Làm chậm dòng sữa
Với hiện tượng sữa về nhiều, trước hết mẹ chuẩn bị sẵn một chiếc khăn mềm (dạng khăn sữa) để thấm khô vùng ngực mỗi lúc cần thiết. Những hướng dẫn sau sẽ giúp mẹ làm chậm lại dòng sữa của mình:
- Ngay sau khi vừa ngậm ti, nếu thấy bé ngấu nghiến tu ti nhưng có hiện tượng thở gấp, há to miệng do dòng sữa về nhiều, mẹ hãy tìm cách đưa bé rời khỏi ti mẹ một lúc. Đợi cho đến khi dòng chảy của sữa chảy đều và từ tốn hơn, bạn mới nên cho bé bú lại.
- Chỉ cho bé bú một bên ngực trong mỗi cử bú. Như vậy bé vừa bú được trọn vẹn lượng sữa, vừa chỉ bị hiện tượng sữa ra ào ạt một lần trong những phút đầu bú sữa.
- Ấn nhẹ vào vùng núm vú trong lúc cho bé bú để làm giảm dòng chảy khi sữa đang chảy nhiều ra.
- Thay đổi vị trí và tư thế bú của em bé. Thay vì luôn bú nằm, tư thế ngồi bú có thể làm cho dòng chảy lớn của sữa mẹ thành những tia nhỏ hơn.
- Tư thế thuận lợi nhất để hạn chế dòng sữa chảy mạnh khi cho bé bú là mẹ ngồi dựa lưng vào tường hoặc nằm thẳng rồi để bé nằm trên người và bú.
- Bơm sữa trước khi cho bé bú và chờ tới khi những dòng chảy lớn chậm lại bạn mới nên cho bé ti.
Bất cứ bà mẹ nào cũng mong có sữa nhiều để cho con bú. Ảnh: Internet
Hạn chế chảy, rỉ sữa bất thường
Xuống sữa là một tiến trình vật lý liên quan đến bộ não. Bạn sẽ nhận thấy ngực mình xuống sữa nhiều hơn khi nghĩ tới em bé, nói chuyện về em bé hoặc nghe thấy tiếng em bé khóc. Thông thường, sữa xuống một cách tự phát, không cố định và có thể vào bất cứ thời gian nào. Vì vậy mẹ có thể thường bị chảy sữa, rỉ sữa ở ngay nơi công cộng và gây ra không ít bất tiện. Những hướng dẫn sau sẽ giúp mẹ phần nào tránh được hiện tượng này.
- Mẹ nên mang theo người, đặt ở gần giường ngủ những miếng lót chuyên dụng để dán vào vùng ngực những khi cần thiết. Tránh những miếng lót có chất liệu nhựa hoặc không có tác dụng thấm nước, gây ẩm ướt vùng ngực hoặc khiến ngực bị dị ứng.
- Nếu nhận thấy bị ra sữa quá nhiều, hãy dùng thêm một tấm gạc nữa lót ngực, hoặc lót thêm một miếng mỏng ở dưới ga giường, vị trí mẹ nằm ngủ. Sữa thấm ra ga giường có thể khiến khó giặt, khó tẩy, làm bẩn tấm ga của hai mẹ con.
- Nếu phải đi ra ngoài, mẹ nên chọn áo ngoài tối màu để ngụy trang cho việc chảy sữa.
- Việc bơm sữa càng kích thích sữa chảy ra, nên mẹ đừng cố bơm để hạn chế việc chảy sữa.
- Mẹ có thể gây sức ép lên vùng nhũ hoa để hạn chế việc rỉ sữa, bằng cách ấn mạnh tay lên núm vú hoặc ấn cả bàn tay lên vùng ngực. Tuy nhiên cách này không nên áp dụng trong những tuần đầu mới sinh, vì nó không kích thích sữa chảy ra, thậm chí có thể gây mất sữa.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Mẹ cần biết về nhiễm khuẩn sau sinh

Nhiễm khuẩn sau sinh là tình trạng nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, tử cung phần phụ thậm chí là viêm phúc mạc vùng tiểu khung do những tổn thương trong quá trình sinh nở, hoặc do thực hiện các thủ thuật không đảm bảo vô khuẩn, chuyển dạ kéo dài, ối vỡ sớm, sót nhau, màng nhau, bế sản dịch hoặc do vệ sinh không tốt. Chính vì thế mẹ cần biết để giữ gìn cơ thể và điều trị kịp thời.
1. Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung
Nguyên nhân: Do rách hoặc cắt tầng sinh môn mà không khâu hoặc khâu không đúng kĩ thuật, không đảm bảo vô khuẩn, quên gạc trong âm đạo.
Biểu hiện: Toàn thân mệt mỏi, sốt 38-38,5 độ, tại chỗ vết thương sưng, nóng, đỏ, đau trong khi sản dịch ra bình thường, không hôi.
Khắc phục: Nhiễm khuẩn âm hộ, tầng sinh môn cần được vệ sinh tại chỗ rửa thuốc tím, hoặc các dung dịch sát trùng khác. Nếu phù nề nhiều chỗ khâu nên cắt chỉ sớm và dùng kháng sinh toàn thân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiễm khuẩn sau sinh rất nguy hiểm với sức khỏe của mẹ. (Ảnh: Internet)
2. Nhiễm khuẩn tử cung sau sinh
Có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau như viêm niêm mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm toàn bộ tử cung.
Nguyên nhân: Nhiễm khuẩn ối, sót nhau màng nhau, chuyển dạ kéo dài, các thủ thuật bóc nhau kiểm soát tử cung, phẫu thuật lấy thai không vô khuẩn, bế sản dịch, sót gạc sau khi mổ.
Nhiễm khuẩn tử cung thường được biểu hiện sau sinh 3-4 ngày, sản phụ da xanh xao, mệt mỏi sốt cao, sản dịch hôi, đôi khi lẫn mủ, máu màu socola, tử cung co hồi chậm, đau vùng hạ vị nếu đã viêm đến lớp cơ tử cung.
Khi gặp nhiễm khuẩn tử cung sau sinh cần tiếp tục làm thuốc vùng sinh dục ngoài và điều trị tích cực tại các cơ sở Y tế chuyên khoa.
3. Viêm phúc mạc tiểu khung sau sinh
Thường do nhiễm khuẩn tử cung sau đẻ, điều trị nội khoa không kết quả, nhiễm khuẩn lan ra xung quanh tử cung (Vòi trứng, buồng trứng, dây chằng rộng), hoặc bị tổn thương từ tử cung do cuộc đẻ gây máu tụ ở dây chằng rộng dẫn đến viêm phúc mạc tiểu khung.
Tình trạng nhiễm khuẩn này thường muộn, vào tuần thứ hai sau sinh, với những biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc mệt mỏi xanh xao vẻ mặt hốc hác, sốt tăng dần 38o-40oC, rét run, mạch nhanh, đau bụng âm ỉ hoặc có hội chứng lỵ, sản dịch mùi hôi, vùng bụng dưới rốn và hai hố chậu đau. Thăm khám trong tuần thứ 2 thấy cổ tử cung vẫn mở, các túi cùng đau, sản dịch theo tay thấy mùi hôi.
Viêm phúc mạc tiểu khung sau sinh phải được điều trị rất tích cực tại bệnh viện với kháng sinh liều cao phối hợp tránh dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ hay tình trạng nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.
4. Nhiễm khuẩn huyết
Là hình thái nhiễm trùng nặng nhất sau sinh, sau nạo phá thai lớn thường do nhiễm tụ cầu vàng tan huyết và vi trùng đường ruột qua các tổn thương cơ quan sinh dục.
Thường biểu hiện vào tuần thứ 2 sau sinh. Có hội chứng nhiễm trùng (sốt cao liên tục 39-40 độ, sốt có rét run) nhiễm độc (và mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn). Nhịp thở nhanh nông, mạch nhanh nhỏ, vã mồ hôi. Thể trạng suy sụp nhanh, huyết áp giảm có khi hôn mê. Hội chứng tan huyết (da xanh, thiếu máu, hồng cầu, huyết sắc tố giảm). Hội chứng rối loạn điện giải, nhiễm toan và hội chứng nhiễm khuẩn hậu sản (tử cung co hồi chậm, sản dịch có mùi hôi, lẫn nhiều mủ). Trường hợp nặng có thể xuất hiện những ổ áp xe nhỏ ở phổi, thận, não, tim và viêm phúc mạc toàn thể. Nhiễm khuẩn huyết là tình trạng bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nếu qua khỏi.
Chính vì vậy ngay trong lúc mang thai, mẹ cần phải thăm khám thường để phát hiện và điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn sinh dục trước sinh. Trong lúc chuyển dạ, tránh chuyển dạ kéo dài, đảm bảo điều kiện vô khuẩn khi đỡ đẻ, thăm khám và khi tiến hành các thủ thuật, phẫu thuật sản khoa. Trong thời kỳ hậu sản, phải thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục, tránh các ổ nhiễm khuẩn, điều trị tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng.
5. Nhiễm khuẩn uốn ván
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng từ 25 - 90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong là trên 95%. Bệnh uốn ván xuất hiện rải rác ở các vùng nông thôn, ở các nước không có Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh ở trẻ sơ sinh và người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao.
Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn… Nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong một số môi trường và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi đun sôi 20 phút. Bệnh uốn ván thường xảy ra sau một tổn thương cấp tính như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật, sẩy thai, sinh đẻ… Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào các vết thương, phát triển thành ổ nhiễm khuẩn trong điều kiện yếm khí, với thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho người bệnh bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật. Bệnh gây tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Chính vì vậy, mẹ khi mang thai cần phải được tiêm ngừa uốn ván đúng lịch

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Ăn móng giò có thực giúp mẹ lợi sữa?

Mẹ sau sinh thường được khuyên ăn móng giò, chân giò các kiểu để có nhiều sữa cho con bú. Một số ý kiến cũng cho rằng, ăn chân giò nhiều gây thừa mỡ, béo phì khiến chị em lo lắng.
Theo lời chị M. (Hà Nội) cho biết: “Nghe lời bà nội, rồi mọi người mách ăn cháo chân giò sau sinh giúp lợi sữa, nên ngày nào tôi cũng cố gắng ăn dù rất ngán. Liên tiếp trong 1 tháng, thực đơn ch ính của tôi là cháo chân giò. Thật sự là con tôi rất “bụ sữa”, nhưng cũng là lúc tôi phát hoảng khi nhìn lại số cân nặng của bản thân. Tôi tăng cân vù vù, đặc biệt tăng nhanh sau 1 tháng “tẩm bổ” chân giò”.
Ăn móng giò có thực giúp mẹ lợi sữa
Chân giò có nhiều chất dinh dưỡng, mẹ không nên lạm dụng ăn quá nhiều. Ảnh minh họa: Internet
Theo các chuyên gia cho biết, người mẹ sau khi sinh thiếu nhiều chất bởi quá trình vượt cạn mẹ mất nhiều năng lượng và nước. Sau sinh là thời điểm sản phụ phải bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng. Các cụ ngày xưa vẫn truyền tai nhau ăn móng giò lợi sữa, ăn cháo móng giò để tăng sữa cho mẹ, điều đó đúng 50%.
Trên thực tế, chân giò là một trong những thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng, sản phụ ăn cháo chân giò sẽ kích thích sữa và tăng lượng sữa non. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng ăn quá nhiều sẽ gây thừa mỡ, thậm chí khiến sản phụ béo phì. Bản thân chân giò rất nhiều chất béo, người mẹ ăn quá tiêu chuẩn sẽ không tiêu hóa kịp gây nên đi ngoài.
Các mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt. Bú sớm sẽ gây phản xạ ngược, tuyến yên lúc này được kích thích sẽ tiết ra sữa nhiều hơn và còn tiết ra một chất nội tiết gọi là oxytocin có tác dụng làm co bóp cơ dạ con, đẩy nhau thai bong ra sớm.
Chế độ dinh dưỡng giúp tăng nguồn sữa mẹ
Sản phụ nên hạn chế đồ ăn chiên, xào, đồ ngọt, thức ăn nhanh… Thay vào đó hãy chọn thức ăn nhiều protein nhưng ít mỡ, nên dùng dầu thực vật trong chế biến thức ăn. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể
Sau khi sinh nở, hệ tiêu hóa của người mẹ thường bị yếu khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng đặc biệt những chất khó tiêu như đạm. Vì vậy nên duy trì uống sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú để đảm bảo đủ chất mà không bị tăng cân.
Sản phụ nên tăng cường nhiều rau xanh và những thực phẩm lỏng như: sữa nóng để kích thích nguồn sữa.
Bên cạnh đó, các mẹ nên bổ sung nhóm tinh bột với các loại khoai tây, khoai lang… để tăng cường chất dinh dưỡng. Ngoài cơm, các mẹ có thể ăn thêm bánh mì cũng rất tốt và có lợi cho sữa khỏe.
Các mẹ nên ăn nhiều thịt nạc, cá (kiêng cá mè vì ảnh hưởng đến mùi tanh của sữa) các loại đậu hạt chứa hàm lượng protein.
Nhóm thực phẩm không bao giờ các mẹ được phép quên là các loại rau xanh. Đây là thực phẩm cung cấp các loại vitamin và chất xơ cần thiết giúp dễ tiêu hóa, tránh táo bón và có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể rất tốt.