Hiển thị các bài đăng có nhãn nhật ký mang thai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nhật ký mang thai. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Chăm sóc mẹ sau sinh thường cần chú ý điều gì?

Ngày nay, việc chăm sóc sản phụ sau sinh thường có những quan điểm mới đã đem lại cho những bà mẹ nhiều lợi ích vô cùng quý báu. Để hiểu sâu hơn về vần đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa sản Phạm Văn Hùng (Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội)

Theo bác sĩ để chăm sóc mẹ sau sinh thường cần chú ý điều gì?


Giờ đầu tiên sau khi sinh, các bà mẹ được theo dõi dấu hiệu sau sinh. Nguyên tắc sau sinh các mẹ không được nằm gối cao trong vòng 8 giờ đầu để máu có thể tuần hoàn đến não, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn sau 6-8 giờ đầu (vì sau khi vượt cạn cơ thể chúng ta vừa mất một sức lực cũng như lượng máu lớn nên nếu nằm gối quá cao máu sẽ không lưu thông lên não). Trường hợp sản phụ có dùng biện pháp đẻ không đau trong lúc sinh thì có thể đứng dậy đi lại sau 1 ngày; những sản phụ không gây tê ngoài màng cứng thì có thể vận động 6 giờ sau đó.

Sang ngày hôm sau, sản phụ cần tắm toàn thân ngay bằng nước ấm sạch, nên sử dụng vòi hoa sen và thời gian tắm nhanh, không quá 20 phút, nhằm giúp cơ thể vệ sinh tốt, tạo thông thoáng cho các lỗ chân lông, tránh nhiễm trùng da do bụi bẩn và mồ hôi tiết ra lúc chuyển dạ.


Sau sinh, sản phụ sẽ có hiện tượng sản dịch ra mỗi ngày và sẽ giảm dần vào các ngày sau đó. Ngày đầu tiên sau sinh, sản dịch ra nhiều, bà mẹ cần thay băng vệ sinh thường xuyên, không nên để quá 6 giờ vì có nguy cơ làm vi trùng vùng âm đạo phát triển gây nhiễm trùng. Trong thời gian nằm viện, sản phụ có các nữ hộ sinh chăm sóc rửa vệ sinh âm hộ sáng và chiều. Khi về ở nhà các mẹ phải vệ sinh vùng kín hàng ngày như ở trong viện.
Theo bác sĩ sau khi đẻ thì có cần ăn kiêng cữ gì không?
Thực sự chúng ta không nên kiêng khem quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú. Bà mẹ được ăn cơm ngay sau 2-4 giờ sinh thường, các món ăn cần nấu chín và ăn nóng. Sản phụ cần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bữa ăn nên đủ cả 3 nhóm chất cơ bản. Sau mỗi bữa ăn cần tráng miệng trái cây có tính lành như: đu đủ, chuối, thanh long, vú sữa… Các mẹ nên tránh ăn các đồ ăn lạnh, đồ chưa chín kỹ…

Những trường hợp mẹ ít sữa hay không có sữa, ngoài chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước, thì cần phải ngủ đủ giấc, trung bình 8 – 9 giờ/ngày, chính trong giấc ngủ sẽ giúp bài tiết sữa nhiều hơn.

Nhiều sản phụ hay bó bụng, điều này có tốt không thưa bác sĩ?

Sau khi sinh sản phụ cần quấn bụng vừa phải để sản dịch nhanh ra hết sẽ tránh được những trường hợp viêm nhiễm.

Ảnh minh họa

Có những trường hợp sản phụ quấn chặt từ hông đến bụng hi vọng làm như vậy có thể khiến hình thể trở lại ngày xưa. Điều này là không tốt vì gây khó chịu cho cơ thể mỗi khi hoạt động, làm tăng sức ép ở bụng và làm giảm sức chống đỡ của dây chằng và các cơ quan sinh sản. Việc làm này khiến lưu thông máu trong khoang chậu không thông suốt, các đề kháng giảm, dễ dẫn đến các loại bệnh phụ khoa như viêm khoang chậu, viêm phần phụ, hội chứng tụ máu trong khoang chậu… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của sản phụ.

Sau khi sinh sản phụ có nên kiêng xem ti vi, máy vi tính không thưa bác sĩ?


Thông thường sau qua trình vượt cạn cơ thể của mỗi sản phụ rất mệt mỏi, chính vì thế cần được tuyệt đối được nghỉ ngơi, không nên xem ti vi hay nghe nhạc, đọc báo, nghe điện thoại quá sớm…

Một khi cơ thể chưa được phục hồi thì việc xem tivi hay đọc báo quá sớm có thể gây hại cho thị giác, khiến mắt nhức, mỏi, giảm sút thị lực… điều này nó sẽ tác động đến hệ thần kinh, không tốt cho sức khỏe sản phụ trong lúc này.

Thưa bác sĩ, ngày xưa thường có quan niệm sản phụ đẻ xong tránh nói to để sau này không phải nói nhịu. Điều này có đúng không?

Sau khi sinh nở, rất nhiều chị em mắc phải tật nói nhịu, nói nhiều, hay quên. Hầu hết các mẹ đổ tại không kiêng cữ. Bởi các cụ vẫn thường dặn gái đẻ phải ở trong phòng kín, nói ít, nói nhỏ, ai gọi cũng không được thưa để phòng tật nói nhịu. Đây là quan điểm sai lầm vì nói nhịu, nói ngọng, nói lắp hay lỡ lời thì ai cũng có thể mắc. Không riêng gì chị em phụ nữ mà ngay cả người không sinh nở hay cả phái mạnh đôi lúc cũng bị. Đơn giản những chị em sau sinh tránh nói to, nói nhiều để không bị mất sức mà thôi.

Nhiều sản phụ sau khi đẻ đã dùng rượu nghệ để bôi lên da, việc làm này có tác dụng gì không?

Hiện nay có rất nhiều chị em sau sinh dùng rượu nghệ để bôi lên da hay dùng xông mặt với mong muốn mình có làn da đẹp sau này. Nghệ là bài thuốc chống viêm, liền sẹo, dưỡng da rất hiệu quả. Vì thế, đối với phụ nữ sau sinh, việc sử dụng nghệ để bôi lên da cũng phải rất cẩn thận vì rượu nghệ cũng rất nóng, nếu chúng ta bôi quá dày hay dùng nhiều lần trong ngày có thể gây tổn thương da.

Vì vậy muốn được an toàn thì chị em trước khi quyết định dưỡng ra bằng phương pháp nào nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Nên chọn sinh mổ hay sinh thường?

Nên sinh mổ hay sinh thường, đó là câu hỏi băn khoăn của nhiều chị em. Ngày nay rất nhiều chị em chọn phương pháp đẻ mổ thay vì đẻ thường theo tự nhiên. Một phần lý do là sợ đau và liên quan đến vấn đề thẩm mỹ.

Trong sản khoa việc sinh mổ hay sinh thường đều có ưu điểm và bất lợi mà cả bác sĩ và bà mẹ mang thai phải cân nhắc. Cần có sự lựa chọn chính xác trong từng trường hợp cụ thể để có sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Không nên quá cứng nhắc, nhất định chọn sinh thường trong trường hợp thai nhi quá to, cần lấy ra gấp, hay người mẹ không đủ sức chịu đựng cuộc chuyển dạ. Tuy nhiên, sinh mổ không phải là lựa chọn đúng đắn khi có đủ bằng chứng cho thấy người mẹ có thể sinh thường dễ dàng.

Nên chọn sinh mổ hay sinh thường? 1
Cần có sự lựa chọn chính xác trong từng trường hợp cụ thể để có sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé. Ảnh: Getty Images

Ưu điểm của sinh thường

  • Những đứa trẻ được sinh ra bằng đường mổ dễ phát sinh hội chứng ngạt thở hơn so với những đứa trẻ được đẻ bằng cách thông thường. Nguyên nhân là do việc đẻ thường sẽ thúc đẩy nang phổi mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hô hấp tự động của thai nhi sau khi sinh ra.
  • Khi đẻ thường tử cung co vào có quy luật và mở ra khi sắp đẻ làm tăng tính đàn hồi của phôi thai, giúp phổi của thai nhi được tập luyện, sự co giãn của tử cung sẽ cung cấp khá nhiều ôxy và các kích tố cho trung ương hô hấp của phần não.
  • Khi đẻ thường, do tác dụng của áp lực khi sinh, có thể khiến nước ối và chất nhầy trong phổi, khoang mũi và khoang miệng của thai nhi tiết ra, giảm thiểu phát sinh bệnh của thai nhi. Trong khi đó, mổ đẻ không có tác dụng này.
  • Đẻ thường làm cho âm đạo nở rộng ra tự nhiên, có lợi cho bài tiết sản dịch và cũng có lợi cho việc hồi phục tử cung sau khi đẻ.
Khi nào thì cần chọn phương pháp đẻ mổ
Sản phụ khi thấy có những triệu chứng sau thì không nên sinh thường mà nên mổ lấy thai để đảm bảo an toàn:

Về phía sản phụ:
  • Khung chậu hẹp, khung chậu méo, hoặc khung chậu giới hạn và ước lượng cân thai không nhỏ, nứt hoặc vỡ xương chậu trước đó.
  • Bị bệnh lý không thể sinh thường được: herpes sinh dục đang tiến triển, sùi mào gà, bệnh tim nặng.
  • Tiền sản giật nặng hoặc sản giật nhưng cổ tử cung không thuận tiện để sinh ngả âm đạo.
  • Có vết mổ cũ trên thân tử cung: mổ bóc nhân xơ, mổ tạo hình tử cung, mổ lấy thai từ 2 lần trở lên.
  • Có những khối u cản đường ra của thai nhi (được gọi là u tiền đạo) như u xơ tử cung nằm thấp, u nang buồng trứng nằm thấp.
  • Thai phụ trên 35 tuổi.
  • Thai phụ mắc hội chứng cao huyết áp nặng và vừa, từng chữa trị mà không khỏi.
  • Tử cung có dấu hiệu vỡ, cơn co thắt tử cung yếu, khiến quá trình sinh sản kéo dài, mặc dù dùng nhiều biện pháp xử lí vẫn không có hiệu quả.
Về phía thai, nhau, ối:
  • Thai suy.
  • Con quý, hiếm (thụ tinh ống nghiệm, lâu ngày mới có con, mẹ trên 40 tuổi mới có con đầu lòng).
  • Thai suy dinh dưỡng.
  • Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông.
  • Thai to (4 kg trở lên)
  • Nhau tiền đạo, nhau bong non.
  • Ối vỡ lâu nhưng cổ tử cung không mở.
  • Thiểu ối nặng hoặc vô ối.

Nên chọn sinh mổ hay sinh thường? 2
Ảnh minh họa

Ngày nay bằng nhiều phương tiện khác nhau như: khám lâm sàng, siêu âm, monitor sản khoa theo dõi tim thai cơn gò, chụp X-quang khung chậu, xét nghiệm máu… bác sĩ có thể đánh giá và tiên lượng cuộc sinh. Những tuần cuối từ tuần thứ 35 trở đi các mẹ nên đi khám thường xuyên để các bác sỹ theo dõi và sẽ hướng dẫn bạn nên đẻ mổ hay đẻ thường để bạn chuẩn bị tinh thần.

Để giảm thiểu rủi ro, ngay từ giai đoạn trước khi mang thai, chị em cần phải chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe nói chung, tiêm ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mang thai cần khám thai định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định bác sĩ.

Trong quá trình theo dõi sự phát triển thai nhi, các bác sĩ sẽ đánh giá và tiên lượng cuộc sinh: Nên sinh thường hay sinh mổ, nên sinh ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương. Nhìn chung dù là trường hợp thai của bạn là sinh mổ hay sinh thường thì bạn cũng không nên quá lo lắng vì sinh đẻ là một hiện tượng rất tự nhiên mà rất nhiều phụ nữ đã làm được, chuẩn bị thật tốt tâm lý cho quá trình sinh đẻ của mình.

Theo ebe.vn

Giải quyết 8 thắc mắc của mẹ sinh mổ

Vì một số lý do mà nhiều bà mẹ phải lựa chọn cách sinh mổ. Họ thường lo lắng không biết mình phải kiêng cữ những gì sau cuộc phẫu thuật đón bé yêu chào đời.

1. Có nên nằm ngửa?

Sau cuộc phẫu thuật, thuốc gây mê và thuốc giảm đau hết tác dụng. Những cơn đau ở vết mổ sẽ tiếp tục “hành hạ” bạn, lúc này nếu bạn nằm ngửa sẽ thấy đau đớn hơn. Bạn có thể chọn tư thế nằm nghiêng và kê một chiếc gối mềm sau lưng sẽ thấy thoải mái và giảm được cơn đau.

2. Ăn như thế nào?


Khi sinh xong, nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng rất cao. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá no vì khi sinh mổ, ruột của bạn sẽ bị kích, dạ dày bị ức chế. Vì vậy, sau sinh mổ, nếu ăn quá nhiều dẫn đến tiêu hóa chậm, có thể làm cho các bà mẹ bị táo bón. Đặc biệt, sau khi sinh mổ, sản phụ phải thực hiện một chế độ ăn kiêng đúng để không bị ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Sản phụ nên tránh ăn những thức ăn sau: thức ăn tanh (cá, ốc), thức ăn có vị hàn (rau đay), thức ăn có tính kích thích (ớt, tỏi, hành, bia rượu,… ) Sản phụ nên ăn những thức ăn giàu vitamin, bổ sung nhiều đạm và chất sắt để giúp nhanh lành vết thương như: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, trứng…

Giải quyết 8 thắc mắc của mẹ sinh mổ 1
Sản phụ nên bổ sung nhiều nước cam, chanh… Ảnh: Getty Images

3. Uống những gì?

Sau khi mổ, sản phụ thường cảm thấy thiếu nước. Vì vậy, nên bổ sung nhiều nước hàng ngày như nước sôi, nước canh, nước hoa quả chứa nhiều vitamin C như: cam, chanh, nho, đu đủ,…

4. Vận động ra sao?

Sau khi sinh mổ, sản phụ nên nghỉ ngơi nhưng không nên ngủ nhiều. Nếu ngủ nhiều nước ối sẽ bị tích tụ ở tử cung. Ngủ nhiều có thể làm cho sản phụ bị dính ruột và tắc các mạch máu. Các bà mẹ sinh mổ có thể vận động nhẹ nhàng. Ngày thứ 2 sau mổ có thể ngồi dậy khởi động chân tay, ngày thứ 3, thứ 4 có thể tập đi lại nhẹ nhàng. Khi về nhà, sản phụ nên tránh các hoạt động mạnh, không nên dọn dẹp nhà của vì lúc này sức khỏe chưa tốt. Các bà mẹ cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

5. Có nên kiêng lạnh?

Những sản phụ sinh mổ xong thận khí kém, suy nhược nên dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, sản phụ phải mặc quần áo đủ ấm và tuyệt đối không được tiếp xúc tới nước lạnh như: không tắm nước lạnh, giặt bằng nước lạnh, không uống đá lạnh. Khi tắm hoặc vệ sinh, sản phụ nên dùng nước ấm.

6. Có kiêng quan hệ không?
Những bà mẹ sinh mổ nên kiêng quan hệ tình dục trong 6 tuần để tử cung hồi phục. Mặt khác sức khỏe chưa tốt, lại phải chăm sóc em bé cả ngày nếu sản phụ cứ “miễn cưỡng” chiều chồng thì sẽ không tốt cho sức khỏe của mình. Thời gian sau sinh, các bà mẹ cũng nên tránh những xúc động mạnh có thể làm tinh thần bị stress dẫn đến thiếu sữa.

7. Vệ sinh thế nào?

Vệ sinh sạch sẽ đó là yêu cầu của các bà mẹ sau sinh, đặc biệt là những bà mẹ sinh mổ. Sản phụ nên vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Nên pha nước ấm với thuốc rửa âm hộ để vệ sinh hằng ngày, vừa chống nhiễm trùng vừa khử mùi hôi. Sản phụ có thể dùng túi chườm để chườm vào lưng, bụng để chống đau lưng, mỏi gối. Sản phụ không phải kiêng tắm gội nhiều, sau khi sinh khoảng 4 ngày là có thể tắm gội bình thường.

8. Có nên cho con bú vì dùng kháng sinh?


Giải quyết 8 thắc mắc của mẹ sinh mổ 2

Nhiều bà mẹ lo lắng việc sinh mổ phải sử dụng thuốc kháng sinh nên không dám cho con bú. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên nên cho con bú ngay khi có sữa, không nên để cho bầu vú căng lên, chảy sữa ra áo.

Sinh mổ phải kiêng cữ nhiều hơn so với sinh thường. Các bà mẹ nên tuân thủ theo những lời khuyên của bác sĩ để có sức khỏe tốt nhất

Nguồn: ebe.vn

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Phụ nữ nhỏ người sẽ khó đẻ con?

Theo quan niệm xưa của các cụ ta, phụ nữ có vóc người thấp bé sẽ gặp khó khăn trong sinh nở. Đó là lý do mà khi con trai đưa bạn gái về nhà ra mắt, các bậc mẹ chồng thường để ý kỹ vóc dáng con dâu tương lai mà đo lường độ… mắn đẻ.

Theo đó, cô gái nào có vóc dáng đầy đặn, cao lớn, đặc biệt là phần hông nở tròn sẽ được cho là dễ sinh con. Còn cô gái nào nhỏ bé, gầy gò thì được cho là sẽ khó đẻ về sau. Quan niệm này khiến không ít cô gái nhỏ nhắn gặp rào cản trong mắt mẹ chồng tương lai khi cả hai có quyết định tiến tới hôn nhân.


Phụ nữ nhỏ người sẽ khó đẻ con1
Quan trọng là hai người yêu nhau và có ý thức giữ gìn sức khỏe - Ảnh: Getty Images

Song kỳ thực, quan niệm này không phải là luôn luôn đúng. Việc đẻ dễ hay khó còn tùy thuộc vào xương chậu lớn hay nhỏ, phụ thuộc vào thai nhi lớn hay nhỏ và khả năng sinh đẻ mạnh hay yếu. Trong ba yếu tố trên, bất kỳ yếu tố nào hay từ một yếu tố trở lên có hiện tượng khác thường đều ảnh hưởng tới tiến trình sinh đẻ, chứ không phải phụ thuộc vào vóc người nhỏ bé hay cao lớn.

Xương chậu là một bộ phận thuộc đường sinh sản, nó đóng vai trò quan trọng đối với sự ra đời của thai nhi có thuận lợi hay không. Xương chậu lớn hay nhỏ, kết cấu, hình dạng khác thường hoặc kính tuyến khác thường đều sẽ gây nên khó đẻ.

Đường kính trong của xương chậu lớn hay nhỏ ở từng người khác nhau. Hình thái xương chậu bình thường mà đường kính trong nhỏ, thì vẫn có khả năng khó đẻ. Hình thái xương chậu chỉ hơi khác thường, nhưng chỉ cần đường kính trong bình thường khi đẻ chưa chắc đã khó. Bởi vậy, đường kính trong của xương chậu còn quan trọng hơn hình thái xương chậu.

Do đó, nếu chị em phụ nữ có thân hình thấp bé, nhưng đường kính trong xương chậu chưa chắc đã nhỏ. Rất nhiều chị em phụ nữ chỉ cao 1m50, nhưng xương chậu hình thùng, rộng mà nông, chất xương mỏng, đường kính trong lớn, khi sinh đẻ, thai nhi rất dễ lọt qua. Nếu phụ nữ có thân hình thấp bé, hình thái xương chậu bình thường, nhưng cửa vào xương chậu, xương chậu giữa và cửa ra đều nhỏ hơn người bình thường, thì khi đẻ có thể khó hơn.

Phụ nữ nhỏ người sẽ khó đẻ con 2

Ngoài ra, cho dù hình thái hay cỡ xương chậu đều bình thường, nhưng thai nhi quá lớn, nặng tới 4kg, thai nhi và xương chậu không cân xứng với nhau, khi sinh đẻ cũng sẽ rất khó. Điều này thì không phụ thuộc vào vóc người mẹ cao lớn hay thấp bé.

Hơn nữa hiện nay, y học ngày càng tiến bộ, sẽ giúp chị em phụ nữ dễ dàng hơn trong việc sinh nở. Bởi vậy các chị em có thân hình nhỏ bé cũng không cần phải lo lắng việc sinh con khó hay dễ. Quan trọng là hai bạn yêu nhau, và khi có ý định lập gia đình và mang thai, bạn cứ tích cực giữ gìn sức khỏe, ăn uống hợp lý, vận động vừa phải và khám thai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, đó mới là điều kiện cần cho một thai kỳ và sinh đẻ được thuận lợi.

Trần Thị Mỹ Phượng - ebe.vn

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Bố cùng “vào cuộc” khi mẹ mang thai – Ba tháng cuối

Tháng thứ 7
Chuyện gì đang xảy ra với vợ bạn thế?
Cô ấy đang cảm thấy những chuyển động của bào thai ngày càng mạnh và thường xuyên hơn. Áp lực đè lên khung xương chậu có thể khiến cô ấy cảm thấy đau. Cô ấy có thể thở gấp do em bé trồi lên trên. Lúc này, vợ bạn khó ngủ hơn về đêm. Nếu cô ấy bị ợ nóng suốt thai kỳ thì đến giai đoạn này, tình trạng còn trở nên tệ hơn do tử cung đang lớn lên đè vào dạ dày. Nhiều phụ nữ cho biết họ gặp phải những giấc mơ sống động vào giai đoạn cuối này.

Bạn có thể làm gì?

Bố cùng “vào cuộc” khi mẹ mang thai – Ba tháng cuối 1
Đây là lúc bố mẹ rốt ráo chuẩn bị cho bé rồi đây. Ảnh: Inmagine.

Đừng để vợ mang vác vật nặng. Hãy nói chuyện với nhau về vai trò mà bạn muốn tham gia trong quá trình sinh nở của vợ. Hãy cùng vợ đóng gói đồ đạc vào túi đem đi sinh và bảo đảm rằng phòng của con đã được sơn phết và trang hoàng. Hãy thảo luận với nhau về việc em bé sẽ ngủ ở đâu trong suốt những tháng đầu. Nhiều bậc phụ huynh cho con nằm trong cũi ở cạnh giường mình trong những tháng đầu tiên. Việc này giúp cho việc cho bé ăn buổi đêm dễ dàng. Có thể cả hai bạn cùng thích ý tưởng cho con ở phòng riêng. Lựa chọn là do bạn, và không có lựa chọn nào là sai cả. Đây là lúc bắt đầu tham dự vào lớp học về sinh nở, nếu bạn cho đến giờ vẫn chưa tham gia vào một lớp nào.

Sự phát triển của con
Xương của bé đang cứng dần lên. Phổi bé cũng vẫn đang phát triển nhưng chưa hoàn thiện. Vào cuối tháng này, lông mi của bé sẽ phát triển. Nếu là bé trai, tinh hoàn có thể sẽ bắt đầu chuyển vào bìu. Những sóng não cho thấy bé ngủ trong trạng thái ngủ động, có nghĩa là bé đang mơ. Những cái nấc của con cũng có thể cảm nhận được.

Tháng thứ 8
Chuyện gì đang xảy ra với vợ bạn thế?

Bố cùng “vào cuộc” khi mẹ mang thai – Ba tháng cuối 2
Mất ngủ và đau lưng, vợ bạn sẽ cần được chăm sóc và quan tâm rất nhiều. Ảnh: Inmagine.

Mọi chuyện đã gần như xong, nhưng những tháng cuối này có thể rất khó khăn. Vợ bạn khi này đã có thể nghỉ ở nhà để chờ sinh, và cô ấy cần được nghỉ ngơi. Áp lực lên vùng chậu tăng lên và vợ bạn có thể bắt đầu lặc lè và phải ngửa người về sau khi đi. Những cơn co bóp Braxton Hicks trở nên căng thẳng và thường xuyên hơn. Việc ngủ nghê khi này cũng càng trở nên khó hơn.

Bạn có thể làm gì?
Khuyến khích tư thế nằm tốt và bảo đảm vợ bạn được hỗ trợ bởi nhiều gối trên giường vào ban đêm. Phòng cho bé bây giờ cũng nên hoàn thiện sẵn sàng. Con bạn giờ đây có thể nhận ra giọng nói của bạn nên hãy nói chuyện với bé. Bạn sẽ có thể phát hiện thấy rằng, đặc biệt khi vợ chồng bạn mới làm bố mẹ lần đầu, mọi người đang đổ lên các bạn vô số những lời khuyên có ý tốt. Hãy chọn một hoặc hai ý kiến mà bạn tin tưởng, và lọc số còn lại.

Sự phát triển của con bạn
Con bạn bây giờ phản ứng lại rất mạnh mẽ trước những cơn đau, âm thanh và ánh sáng. Lượng dịch ối giảm đi do bé đã chiếm gần hết không gian trong tử cung. Nhau thai đã hoàn thiện, ngừng phát triển và bắt đầu già đi. Khi sinh ra, nó sẽ nặng bằng một phần sáu trọng lượng cơ thể bé. Ruột của bé chứa đầy những chất dính màu xanh đậm gọi là phân xu (tạo thành từ những tế bào chết, chất thải từ gan và ruột). Bé có thể thải ra trong quá trình được sinh ra nếu bị đau. Phổi đã thành hình đầy đủ nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm.

Tháng thứ 9
Chuyện gì đang xảy ra với vợ bạn thế?
Con bạn đã chuẩn bị được sinh ra. Việc này khiến cho việc hít thở của vợ bạn dễ dàng hơn một chút, nhưng áp lực đè lên bàng quang vẫn nặng và nhiều phụ nữ bị đau lưng dữ dội. Cô ấy chắc chắn không ngủ được buổi đêm. Cô ấy có thể cảm thấy cần đi mua sắm và sắp xếp mọi thứ, hoặc hoàn toàn kiệt sức hoặc luân phiên thay đổi giữa hai thái cực. Nhiều phụ nữ đến giai đoạn này cảm thấy hết chịu nổi và ước con chui ra càng sớm càng tốt.

Bạn có thể làm gì?
Khuyến khích vợ thoải mái hơn. Hãy tích cực thảo luận về những nỗi sợ của bạn với người bạn hoặc người thân mà bạn tin tưởng hơn là làm vợ mình căng thẳng hơn nữa. Đừng lo lắng. Mọi chuyện sẽ ổn cả!

Sự sẵn sàng cảm xúc
Làm cha mẹ là một việc khó khăn. Hãy bảo đảm bạn hiểu những ưu tiên của mình.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

Bố cùng “vào cuộc” khi mẹ mang thai – Ba tháng cuối 3

Hai bạn đã chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ của mình như thế nào? Ảnh: Ảnh: Gettyimages
  • Hai bạn đã chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ của mình như thế nào? 
  • Tại sao bạn lại muốn có em bé? Bạn đã tự quyết định hay có ai khác thúc ép bạn?
  • Đứa con sinh ra sẽ có ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa hai vợ chồng bạn? Cả hai đã sẵn sàng để làm bố mẹ hay chưa?
  • Nếu bạn và mẹ của con bạn không còn quan hệ với nhau, bạn có chuẩn bị giúp cô ấy nuôi con?
  • Đứa trẻ sinh ra sẽ ảnh hưởng thế nào đến các kế hoạch học hành và làm việc trong tương lai của bạn?
  • Bạn quyết định thế nào về việc chăm sóc con?
  • Bạn đã chuẩn bị để làm bố mẹ của một đứa trẻ ốm yếu và có những nhu cầu đặc biệt?
  • Bạn đã sẵn sàng từ bỏ giấc ngủ nướng cuối tuần? Bạn có sẵn sàng tìm người trông trẻ mỗi lần muốn ra ngoài mà không muốn đem con theo?
  • Bạn có thích dành thời gian cho trẻ con? Bạn có thể tưởng tượng ra mình trong vai trò làm bố mẹ?
  • Bạn thích và không thích gì về thời thơ ấu của mình? Bạn muốn làm gì cho con mình?
Chuẩn bị cho sự thay đổi
Một trong những cách để kiểm soát sự thay đổi là đối mặt với những mất mát mà thay đổi này đem lại. Tất nhiên, thay đổi cũng sẽ đem lại cả những lợi ích cho bạn nữa. Bạn đang quyết định có con bởi vì bạn thích những điều tốt mà đứa trẻ đem lại hơn những điều bạn mất đi so với cuộc sống hồi còn chưa có con. Dưới đây là một vài trong số những mất mát mà bạn phải đối diện khi trở thành cha mẹ:

Mất thời gian rảnh rỗi: Điều này sẽ xảy ra. Bạn và vợ của bạn đã từng có cả cuộc đời đi xem phim, ăn hàng, tham gia các hoạt động xã hội. Và bây giờ sắp sửa là cuộc sống làm cha mẹ toàn thời gian cho đến khi bạn thu xếp được công việc và có thể sắp đặt được cả cuộc sống gia đình và xã hội của mình.

Bố cùng “vào cuộc” khi mẹ mang thai – Ba tháng cuối 4

Hạn chế tài chính:
Thỉnh thoảng bạn sẽ phải cắt giảm những thôi thúc mua sắm dữ dội. Trước đây bạn có thể tạt vào một cửa hàng và mua cho mình một đôi giày đẹp, giờ thì số tiền đó có thể cần để mua tã, quần áo hay sữa cho con. Ngoài ra bạn còn phải nghĩ đến tình hình tài chính dài hạn: tiền học phí, bảo hiểm…

Thời gian riêng tư: Thời gian biểu và thói quen của bạn phải thay đổi. Bây giờ chúng phải xoay quanh một đứa bé. Những cuộc nói chuyện với vợ về cuộc sống, công việc, tình yêu không phải không thể thực hiện được nhưng không còn được ưu tiên nữa. Kể từ bây giờ.

Nguồn: webtretho.com

Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu PHẢI biết

Sinh nở là việc vô cùng quan trọng và cần được chuẩn bị kỹ càng trong thời gian mang thai. Từ đầu tháng thứ 9 thai kỳ, mẹ đã phải chuẩn bị sẵn tài chính và đồ đạc vì từ tuần thứ 37, con yêu sẽ chào đời bất cứ lúc nào. Để không bị động và bất ngờ, mẹ bầu cần có hiểu biết về các dấu hiệu sắp sinh. Nếu chị em dành một chút thời gian để ý đến những thay đổi của cơ thể, chắc chắn mẹ sẽ nhận biết được thời gian con yêu sắp chào đời đấy.
Dưới đây là những dấu hiệu báo mẹ sắp “vỡ chum”. Hãy chuẩn bị sẵn sàng hành lý để nhập viện các mẹ nhé!

Bụng bầu tụt xuống

Bụng bầu tụt xuống là dấu hiệu sắp sinh nở. (ảnh minh họa)

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. Điều này báo hiệu cho bạn biết em bé sẽ chào đời trong khoảng 1-2 tuần tới. Tuy nhiên với mẹ mang bầu lần hai thì có thể khác một chút. Ở lần bầu bí thứ 2 chị em sẽ không nhận thấy bụng bầu tụt xuống cho đến ngày sinh nở bởi vì cơ xương chậu của mẹ lúc này đã giãn nở đủ rộng. Để biết bụng bầu đã tụt chưa, mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên của bụng nữa không? Nếu thấy ngực không chạm được vào phần trên của bụng nữa thì chắc chắn em bé đã tụt sâu xuống dưới. Đây là dấu hiệu đầu tiên mẹ có thể dễ dạng nhận ra rằng đã sắp đến ngày được gặp mặt con yêu rồi.


Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu PHẢI biết - 1

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. (ảnh minh họa)

Bản năng làm tổ
Gần cuối thai kỳ, bạn thường thấy cơ thể cồng kềnh, uể oải và không muốn nhấc mình lên tý nào. Nhưng một buổi sáng thức dậy bạn cảm thấy khỏe mạnh lại bình thường và bắt đầu đi lại dọn dẹp, nấu ăn, rửa chén bát, như thể đang chuẩn bị dọn dẹp “tổ” đón đứa con sắp chào đời. Tuy nhiên, bạn cần nhẹ nhàng với bản thân, đừng để kiệt sức vì dọn nhà trước khi đón em bé ra đời. Hãy tạm dừng những công việc hàng ngày và nghỉ ngơi khi thấy mệt.

Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên là do áp lực của thai lên bàng quang mẹ tăng lên. Một vài người mẹ xuất hiện những cơn co cơ nhẹ ở bụng, kèm theo chứng tiêu chảy. Chị em bầu nhớ là đừng nhịn tiểu nhé, sẽ làm không chỉ mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến con nữa đó.

Đau lưng
Rất nhiều chị em đã từng trải qua ca sinh nở chia sẻ rằng họ bị đau lưng khủng khiếp trong 1 tuần trước khi sinh nở. Nếu bạn hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn, bạn cũng có thể sẽ bị đau lưng. Những cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ này âm ỉ ở lưng dưới. Đó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mềm và “chín” chuẩn bị cho sự ra đời của em bé.

Một số bà bầu cảm thấy cơn đau lưng bắt nguồn từ xương chậu và đau quanh xương chậu. Sự linh hoạt giữa các dây chằng ở xương chậu (gây nên cơn đau) cho phép xương của mẹ co giãn tốt, chuẩn bị cho sự chào đời của bé.

Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu PHẢI biết - 2

Từ tuần thai thứ 36 trở đi, tử cung của bạn trở nên chật chội và sự chuyển động của em bé dường như chậm lại một chút. (ảnh minh họa)

Thay đổi số lần thai máy
Từ tuần thai thứ 36 trở đi, tử cung của bạn trở nên chật chội và sự chuyển động của em bé dường như chậm lại một chút. Nhưng nếu có khi, bé rất yên lặng nhưng ngay sau đó, bé lại chuyển động mạnh mẽ hơn. Có lẽ, bé cũng đang mong chờ ngày chào đời của mình.

Xuất hiện dịch nhầy đỏ
Trong thời gian mang thai, chất nhầy ở trong cổ tử cung có nhiệm vụ “đóng nắp” bọc nước ối nhưng đến những ngày cuối thai kỳ, chấy nhầy này ít dính đi và nước ối dễ dàng rò rỉ hoặc vỡ hẳn. Chất nhầy này thường có màu hồng đỏ. Chính vì vậy, trong khoảng 1 tuần trước ngày lâm bồn, chị em thường thấy âm đạo xuất hiện dịch màu hồng đỏ.

Khi thấy xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mở và quá trình sinh nở diễn ra trong 1-2 ngày tới hoặc cũng có thể lên đến 1 tuần.

Cơn co thắt thường xuyên
Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể làdấu hiệu chuẩn bị lâm bồn đấy. Tuy nhiên, những cơn có thắt này có thể xuất hiện trong suốt 3 tháng cuối thai kỳ, được gọi là những cơn đau giả (Braxton Hicks).

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ còn cách ngày dự sinh từ 1-2 tuần thì cần đặc biệt chú ý dấu hiệu này. Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây)và thường xuyên hơn thì ca sinh nở đã sắp bắt đầu rồi. Thông thường, những cơn đau đẻ sẽ ở mức độ nhẹ, ngắn cho đến mạnh mẽ và thường xuyên hơn.

Khi các cơn co thắt xuất hiện, bụng bạn thường sẽ cứng lên và bạn dễ dàng nhận ra nếu đặt nhẹ bàn tay lên bụng. Các cơn co thắt này sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.

Thông thường, bác sĩ khoa sản sẽ khuyên bạn nên ở nhà cho đến khi các cơn co thắt kéo dài từ 30-60 giây và khoảng cách giữa các cơn co là 15-20 phút thì hãy đến bệnh viện (trong trường hợp nhà xa bệnh viện, sản phụ cần được đưa đến sớm hơn).

Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu PHẢI biết - 3

Khi nhận thấy những cơn co thắt mạnh ở tử cung (dạ con) trong giai đoạn cuối thai kỳ thì đó có thể là dấu hiệu chuẩn bị lâm bồn. (ảnh minh họa)

Dễ thở hơn
Khi thai đã tụt xuống thì áp lực của thai lên cơ hoành và dạ dày mẹ được giảm thiểu, khiến những nhịp thở của mẹ dễ dàng hơn. Thời điểm này, chứng ợ nóng cũng đột nhiên biến mất. Tuy nhiên, nếu dấu này làm bạn dễ chịu hơn thì bạn lại phải đối mặt với áp lực gia tăng ở phía bụng dưới, việc đứng và đi lại cũng trở nên khó khăn hơn. Khi bé càng dịch chuyển xuống phía dưới tử cung, bạn sẽ càng khó ngủ hơn, đồng thời đây cũng là thời gian bạn khá vất vả khi chọn được tư thế ngủ thích hợp.

Sút cân
Một vài thai phụ bị giảm tới ½-1kg cân nặng một ngày trước khi lâm bồn. Đó là do nội tiết tố làm giảm lượng chất lỏng giữ trong cơ thể mẹ.

Dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu PHẢI biết - 4
Bầu sẽ giảm từ 1/2 - 1kg (ảnh minh họa)
Tiêu chảy
Kích thích tố khi sinh nở sẽ tác động lên ruột và gây ra đau lụng + đi phân lỏng và đi thường xuyên. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, những kích thích tố này là thuốc sổ tự nhiên đào thải cặn bã trong ruột để thai nhi thoải mái trong bụng mẹ. Những hormone này cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.

Vỡ ối
Chỉ có 10% các ca sinh nở có túi ối bị vỡ trước khi xuất hiện những cơn đau. Khi thấy nước ối tràn ra ào ạt, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện vì có thể em bé sẽ chào đời sau 1-2 giờ nữa. Thông thường chị em sẽ thấy hiện tượng vỡ ối trong quá trình đau đẻ.
Nguồn: eva.vn

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Mang thai, lên bao nhiêu cân là đủ?

Mỗi người phụ nữ là một cá thể riêng biệt và duy nhất. Các yếu tố gen, giới tính, tuổi tác, môi trường, chế độ ăn uống, nghề nghiệp, lối sống cũng như đặc điểm hệ tiêu hóa của mỗi người đều có tác động đến cân nặng của người đó trong suốt cuộc đời. 

Thông thường, một người phụ nữ chỉ nên tăng 10-15 kg trong suốt 40 tuần của thai kỳ. Trong trường hợp mang đa thai hoặc có các biến chứng thai kỳ thì có thể sẽ tăng hơn. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều bà bầu sẽ tăng cân nhẹ, nhưng cũng có người bị sụt cân. Ốm nghén cộng với việc thay đổi trong khẩu phần ăn có thể sẽ làm sụt một vài kg. Tuy nhiên, 2 tam cá nguyệt tiếp theo, hầu hết các bà bầu đều dần dần lấy lại cân nặng ban đầu và bắt đầu tăng cân.

mang thai lên bao nhiêu cân là đủ

Ăn cho hai người???
Quan niệm cho rằng bà bầu cần ăn cho hai người hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào cả. Trên thực tế, việc tăng gấp đôi khẩu phần ăn và lượng thực phẩm vào cơ thể không những không cần thiết mà còn gây những rắc rối cho cả mẹ và con. Thay vì chú trọng tăng lượng thức ăn, hãy quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng vào cơ thể

Hầu hết các bà bầu chỉ cần tăng khoảng 10% lượng calorie nạp vào cơ thể. Điều này có nghĩa là mẹ phải bổ sung 420 calorie/ngày (tương đương với 1 cốc sữa gầy) trong tam cá nguyệt đầu tiên ; 1050 calorie/ngày (tương đương với một chút các loại hạt khô và vài lát hoa quả) trong tam cá nguyệt thứ 2; 1255 calorie/ngày (tương đương với vài loại quả và 1 lát bánh mì) trong tam cá nguyệt thứ 3.

Tại sao lại tăng cân?
Tăng cân trong thai kỳ có thể được đánh giá thông qua hai việc: bản thân người mẹ tăng bao nhiêu kg và con tăng bao nhiêu kg. Một bà bầu có thể coi là tăng cân bình thường nếu cơ thể tăng thêm khoảng 3kg trong thời gian mang bầu, tập trung vào phần bắp đùi, hông, mông và cánh tay, là hình thức dự trữ năng lượng cho việc cho con bú sau này.

Cơ thể người mẹ tăng cân trong khi mang thai do:

  • Tăng tuần hoàn máu
  • Tăng cường trữ nước và các chất lỏng nói chung
  • Tăng trọng lượng bầu ngực
  • Tăng kích thước tử cung
  • Xuất hiện túi nước ối và nhau thai
  • Em bé (nặng trung bình khoảng 3.5kg khi mới sinh)

Trong thời kỳ đầu mang thai, nguyên nhân dẫn đến tăng cân chủ yếu là do những thay đổi bên trong cơ thể người mẹ. Cơ thể phải tạo ra nhiều máu để nuôi dưỡng bào thai, cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng để bào thai có thể phát triển bình thường.

Hầu hêt các bà đỡ hay bác sĩ thường theo dõi cân nặng của bà bầu rất cẩn thận vì việc cân nặng của mẹ tăng giảm hay thay đổi là bình thường  nhưng nếu thay đổi quá đột ngột cũng có thể là nguyên nhân của một vài biến chứng thai nghén. Nhiều bà bầu tự kiểm soát cân nặng của mình bằng cách lập bảng theo dõi cân nặng của mình vào một thời điểm nhất định trong ngày. Tốt nhất là nên tăng cân một cách từ từ và ổn định.

Bạn nên đến bác sĩ kiểm tra nếu tăng quá 1.5kg/tuần trong tam cá nguyệt thứ hai, hoặc quá 900gr/tuần trong tam cá nguyệt thứ 3.

Mức tăng cân lý tưởng trong suốt thai kỳ sẽ là:

  • Tam cá nguyệt đầu tiên: 900gr – 1.8kg
  • Tam Cá nguyệt thứ hai: 500gr/ tuần, tương đương với 5-6kg trong 3 tháng
  • Tam cá nguyệt thứ ba: Khoảng 500gr/ tuần, tương đương với 3-5kg trong 3 tháng
  • Chỉ số BMI là gì?
  • Một số bác sĩ hay bà đỡ sẽ dùng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) làm tiêu chí đánh giá mức tăng cân lí tưởng. BMI được đo bằng công thức Trong lượng cơ thể/bình phương chiều cao (tính bằng m). Chỉ số BMI khỏe mạnh là từ 18.5-26. Bà bầu có chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp cần phải được tư vấn về chế độ ăn hàng ngày để cải thiện tình hình.

Mất bao lâu để giảm cân?
Rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng nếu mất 9 tháng để tăng cân thì cũng cần từng ấy thời gian để giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế thì có rất nhiều bà mẹ giảm cân rất nhanh và lại trở về hình dáng thon gọn ban đầu chỉ trong vài tuần sau sinh trong khi có những người phải mất nhiều thời gian hơn.

Nguyên tắc giảm cân trước và sau sinh đều giống nhau, đó là ăn vào càng nhiều thì càng phải hoạt động nhiều để tiêu hao năng lượng. Cần phải chú ý đến khẩu phần ăn và tập thể dục hàng ngày để tiêu hao phần cân nặng dư thừa.

Có nên ăn kiêng?
Thời gian mang thai không phải là thời điểm lí tưởng để ăn kiêng. Việc hạn chế lượng calorie vào cơ thể mẹ sẽ dẫn đến thiếu/suy dinh dưỡng cho thai nhi, và tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con. Việc mẹ ăn kiêng trong thời gian mang thai cũng làm tăng nguy cơ tử vong hoặc nhẹ cân của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc giảm cân quá nhanh sau sinh cũng ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa và mất nguồn năng lượng cần cho cơ thể.

  • Hậu quả của tăng cân quá ít trong thai kỳ
  • Sinh trẻ thiếu cân
  • Sinh non
  • Ảnh hưởng quá trình tiết sữa và không đủ sữa cho con bú
  • Một  chu kỳ kinh nguyệt bình thường phụ thuộc vào  tỉ lệ tương xứng giữa lượng mỡ và cơ trong cơ thể, cũng như lượng thức ăn hợp lý hàng ngày. Do đó, chỉ số BMI quá thấp hoặc quá nhẹ cân cũng gây sẩy thai. 
  • Hậu quả của tăng cân quá nhiều khi mang thai
  • Khó sinh
  • Sinh con quá to
  • Trẻ nặng cân dễ có vấn đề tiểu đường
  • Trĩ, rạn bụng, các vấn đề với vùng xương chậu, són đái
  • Khó chịu và nóng hơn những bà bầu khác
  • Đau lưng, đau chân, phù chân và khó khăn trong đi lại
  • Tăng huyết áp và nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai nghén
  • Chèn ép lên các bộ phận khác như tim, gan và thận
  • Nguy cơ kháng insulin và tiểu đường cấp độ 2
  • Khi mang thai, tốt nhất hãy quan tâm đến chất lượng của thức ăn, chứ không phải số lượng thức ăn. Mẹ chính là nguồn cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cho con khi con còn trong bào thai, vì vậy hãy cung cấp cho con đủ dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình phát triển của con.

Hãy lắng nghe cơ thể mình và dừng lại khi cảm thấy đủ.
Hãy nghĩ rằng cơn đói đã được thỏa mãn và bạn không cần phải ăn thêm quá nhiều nữa. Tránh không bỏ bữa, đừng để cơ thể rơi vào trạng thái đói ngấu nghiến, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và mất năng lượng.

Biến chứng thai kỳ

Đa số bà bầu trải qua thai kì không gặp tai biến gì. Nhưng một số phụ nữ khác thì không may mắn như vậy. Biến chứng có thể xảy ra trong bất kì giai đoạn nào của thai kì và có ảnh hưởng nghiêm trọng ở các mức độ khác nhau đến sức khoẻ và cơ thể của thai phụ và thai nhi. Nếu được kiểm soát tốt, những nguy cơ này có thể giảm đi.
Nếu bạn gặp phải biến chứng thai kì ở các lần trước, hoặc gia đình bạn có tiền sử biến chứng khi mang thai, v.v… thì bạn có sẽ có nguy cơ mắc phải biến chứng cao hơn.

biến chứng thai kỳ
Ảnh minh họa
Biến chứng thai kì giai đoạn sớm

Thai ngoài tử cung
Biến chứng này xảy ra khi trứng thụ thai làm tổ ở ngoài tử cung. Khả năng xảy ra thường khoảng 1/200. Nếu đã từng bị thai ngoài tử cung trước đây hoặc từng phẫu thuật vòi trứng, xác suất này sẽ cao hơn. Đây là biến chứng bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để lấy phôi thai và nếu không phát hiện kịp thời có thể sẽ phải mổ cấp cứu nếu thai làm tổ ở vòi trứng gây bể vòi trứng.

Sẩy thai

Sẩy thai là biến chứng thai kì thường gặp nhất chiếm tần suất khoảng 15% thai kì giai đoạn sớm. Nguyên nhân sẩy thai thường do có sự gián đoạn trong quá trình phát triển nhiễm sắc thể của phôi ở giai đoạn rất sớm sau khi thụ thai, làm cho phôi thai không tương thích được với cuộc sống. Đa số phụ nữ đều có thể thụ thai lại và có một thai kì khoẻ mạnh sau lần sẩy thai trước đó. Bạn có thể tham khảo thêm website của nhóm SANDS là một nhóm hỗ trợ cho những người phụ nữ có tiền sử sẩy thai.

Nghén
Nghén là biến chứng thường gặp do buồn nôn và nôn. Nôn là triệu chứng rất thường gặp trong 3 tháng đầu thai kì, xảy ra với tần suất 1:200. Tình trạng này cũng thường gặp ở phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, mẹ mang thai lần đầu, phụ nữ có mẹ khi mang thai cũng bị nghén hoặc những phụ nữ mang đa thai. Khi gặp tình trạng này, có thể điều trị bằng thuốc uống nhưng nếu nôn ói quá nhiều có thể dẫn đến mất nước, phải nhập viện và truyền dịch.

Biến chứng giữa thai kì

Hở eo cổ tử cung
Xảy ra khi cổ tử cung không thể đóng kín. Thay vì cổ tử cung phải đóng và được bít kín lại bằng một nút nhầy khá đặc thì cổ tử cung lại ngắn và dãn. Tình huống này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc vỡ màng ối sớm. Một trong các cách xử trí là khâu lại cổ tử cung trong thai kì. Một vài tuần trước ngày dự sinh, phần chỉ khâu sẽ được gỡ bỏ.

Thiếu máu
Có thể gặp trong suốt thai kì do thiếu huyết sắc tố. Tình trạng tích nước ở bà bầu có thể làm máu bị pha loãng, khiến cho tỉ lệ huyết sắc tố trong máu bị giảm. Do huyết sắc tố giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đến thai nhi, các bà bầu nên làm xét nghiệm máu định kì để kiểm tra nồng độ huyết sắc tố. Có nhiều cách xử trí từ đơn giản nhất là bổ sung sắt trong thức ăn hoặc trực tiếp bằng cách uống viên sắt, cho đến phức tạp hơn là truyền máu.

Bất tương đồng nhóm máu ABO
Tình trạng này có thể xảy ra ở thai nhi có nhóm máu A, B hoặc AB trong khi mẹ mang nhóm O. Nguyên nhân là do hồng cầu của thai nhi khi đi vào vòng tuần hoàn của mẹ, cơ thể mẹ sẽ xem như là vật thể lạ xâm nhập nên tự tạo ra kháng thể tấn công hồng cầu của thai nhi. Điều trị thích hợp bằng liệu pháp ánh sáng cho bé bị vàng da khi sinh hoặc truyền máu nếu nặng hơn.

Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai nằm khá thấp trong tử cung, che chắn một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung, thường gây chảy máu và có thể cản trở lối ra của thai nhi khi sinh. Có thể phải sinh mổ tuỳ thuộc mức độ nhau tiền đạo.

Chậm tăng trưởng trong tử cung
Tần suất xảy ra khoảng 10% thai kì. Khả năng gặp cao hơn ở các trường hợp sinh con đầu lòng, hoặc mẹ lớn tuổi mang thai hoặc bà mẹ có hơn 4 con trước đó. Kích thước thai nhi được ước lượng khi thăm khám bụng bằng tay, nếu có nghi ngờ, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đề nghị thêm siêu âm cho bạn. Siêu âm sẽ giúp ước lượng chính xác kích thước thai nhi khi so sánh với tuổi thai và biểu đồ tăng trưởng bình thường.

Sinh non
Sinh non xuất hiện trong khoảng 7% trường hợp mang thai. Thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai từng bị biến chứng, có tiền sử sinh non trước đó, hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng thuốc hoặc có bệnh răng miệng. Nếu việc sinh nở không thể trì hoãn được khi em bé chưa trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định dùng steroids để giúp phổi thai phát triển hơn. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin ở website của National Premmie Foundation.

Biến chứng muộn trong thai kì

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Xảy ra ở tĩnh mạch chân, thỉnh thoảng có thể xảy ra ở tĩnh mạch chậu trong thai kì. Huyết khối là một cục máu đông, thường thấy ở phụ nữ thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử gia đình bị huyết khối hoặc phụ nữ mang thai ít vận động. Cục huyết khối này có thể di chuyển đến các mạch máu lớn ở tim và phổi gây tắc nghẽn. Biến chứng này có thể điều trị bằng thuốc kháng đông máu.

Tăng huyết áp
Có thể xảy ra trong suốt thai kì và là một trong các triệu chứng của tiền sản giật. Thường gặp hơn ở mẹ sinh con đầu lòng và mẹ có tiền sử gia đình tăng huyết áp. Huyết áp tăng khi mang thai có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu tới nhau thai và làm giảm lượng oxy cho em bé. Điều này lý giải vì sao luôn phải kiểm tra huyết áp trong quá trình mang thai.

Rhesus
Khi mẹ mang nhóm máu Rh (- ) có thai con lại mang nhóm máu Rh (+), cơ thể người mẹ sẽ sinh ra kháng thể tấn công hồng cầu thai nhi. Thường ít gặp ở lần mang thai đầu tiên nhưng có nguy cơ ở lần mang thai tiếp theo. Điều trị bằng cách tiêm Anti-D thường xuyên cho phụ nữ có Rh (-) sau khi sinh hoặc trong thai kì nếu cần thiết.

Đa ối(nhiều nước ối) – Thiểu ối(thiếu nước ối)
Lượng dịch bao quanh thai nhi có thể phản ánh tổng trạng chung và chức năng phổi-thận của thai nhi. Bụng to lên nhanh đột ngột hoặc da bụng căng bóng là một dấu hiệu báo động có thể có bất thường. Nên làm siêu âm để ước lượng chính xác lượng nước ối và phát hiện những bất thường liên quan.

Tiểu đường khi mang thai
Là một biến chứng xảy ra khoảng 1-3% ở phụ nữ mang thai. Nhau thai có thể tạo ra nội tiết tố làm thay đổi tác động của insulin trong cơ thể. Trường hợp nhẹ, tiểu đường thai kì có thể kiểm soát bằng chế độ ăn phù hợp, có khi cần chích thêm insulin. Tiểu đường thai kì có thể làm tăng khả năng bịcao huyết áp hoặc tiểu đường thật sự về sau.

Bong nhau thai
Đây là một trường hợp cấp cứu sản khoa khi mà nhau thai bong ra khỏi thành tử cung của mẹ làm cho thai nhi bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Mẹ sẽ cảm thấy đau bụng dù là không thấy chảy máu âm đạo, đặc biệt nếu có máu đông tạo thành giữa thành tử cung và nhau thai nơi bị bong ra. Ngoài ra, cũng có thể gặp trường hợp chảy máu âm đạo rất nhiều. Biến chứng này cần thiết phải mổ lấy thai cấp cứu.

Thai chết lưu
Có thể gặp ở bất kì giai đoạn nào của thai kì khi bà mẹ để ý thấy có thay đổi trong cơ thể hoặc em bé ngừng cử động. Cần làm siêu âm để chẩn đoán chắc chắn. Đôi khi không thể tìm ra nguyên nhân hay lý do rõ ràng giải thích vì sao thai tử vong trong tử cung, điều này cũng khiến cho ba mẹ và gia đình rất khó chấp nhận.

Ứ mật trong thai kì
Khi các men tiêu hoá, mật được tích tụ trong gan của bà mẹ mang thai thẩm thấu vào máu có thể dẫn đến chứng ứ mật thai kì. Tình trạng này có thể ảnh hưởng 1-2/1000 phụ nữ mang thai và xu hướng do di truyền. Triệu chứng thường gặp là rất ngứa, nhất là ở tay và chân. Nếu ngứa không thể chịu đựng được và không thể kiểm soát bằng các loại thuốc uống và kem thoa, bà bầu có thể phải sinh em bé sớm.

Đau dây chằng mu
Dây chằng mu ở bà bầu có xu hướng dãn ra do ảnh hưởng bởi các nội tiết tố thai kì và chúng không thể giữ khung xương chậu khớp chặt với nhau. Bà bầu có thể cảm thấy không thoải mái, đau khi đi lại, đứng lên và hoạt động thông thường. Sử dụng đai lưng hoặc vật lí trị liệu sẽ giúp giảm khó chịu. Bà bầu nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động nặng.

Nên đến gặp bác sĩ hoặc gọi cấp cứu nếu bạn gặp các tình huống sau đây:
  • Chảy máu âm đạo bất kì lúc nào trong khi mang thai hoặc đột ngột ra nước ào ạt.
  • Đột ngột đau bụng hoặc đau vùng thượng vị(ở vị trí dạ dày).
  • Thai nhi chuyển động bất thường so với hằng ngày.
  • Ngứa hoặc rát da.
  • Cơ thể bị phù nhanh, nhất là các vùng tay, mắt cá và bàn chân.
  • Tăng cân đột ngột cho thấy cơ thể bạn đang tích nước lại rất nhiều, cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể có nguy cơ tiền sản giật.
  • Đau đầu dữ dội và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Cảm giác bất an.
  • Cảm giác hoa mắt, chóng mặt.
  • Cảm giác mờ mắt, ruồi bay trước mắt, chớp sáng hoặc tối mắt.
  • Nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 độ C.
  • Không ăn uống được, nôn ói liên tục. Tiểu ít là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất nước.
  • Tiểu đau, gắt buốt cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng tiểu.
Xét nghiệm nước tiểu mỗi lần khám thai định kì kiểm tra xem có đường hay đạm trong nước tiểu không giúp phát hiện sớm tình trạng tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kì. Nếu có bất thường, bạn sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm liên quan.

Theo huggies

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 17

Chúc mừng bạn, bạn đã vượt qua nửa chặng đường của thai kỳ. Sau 16 tuần, cơ thể bạn và thai nhi đã có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy vậy, một số thai phụ trông vẫn chưa ra dáng bà bầu nhờ sở hữu chiếc bụng thon gọn giúp che bớt phần nào vòng hai đang ngày một lớn lên. Nếu chưa muốn tiết lộ việc bạn đang mang thai, bạn chỉ cần khéo léo chọn trang phục để che đi phần bụng.

Khi mang thai, bạn thường có thói quen so sánh kích thước bụng mình với những thai phụ khác. Bạn nên biết rằng mỗi người sẽ trải qua thời kỳ mang thai không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, đừng lo lắng nếu bụng bạn còn nhỏ và trông bạn vẫn chưa ra dáng một bà bầu. Có thể bạn thường được nghe mẹ chồng và những người hàng xóm chỉ bảo một số kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tế không thể biết chính xác kích thước, sự phát triển và giới tính của thai nhi chỉ dựa vào vẻ bề ngoài của bụng mẹ.

Ví tiền của tôi đâu rồi?
Đã đến lúc bạn cần nghĩ đến việc chuẩn bị chỗ ăn ngủ cho bé. Trong 12 tháng đầu đời, nôi cũi sơ sinh là chỗ ngủ an toàn nhất cho bé. Hãy đặt nó ở cạnh giường bạn để tiện theo dõi và chăm sóc bé. Lúc này, bạn bắt đầu có nhu cầu mua sắm quần áo và các vật dụng cần thiết cho bé. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ để chọn mua những vật dụng thật sự cần thiết cho bé. Nếu tài chính eo hẹp, giải pháp tốt nhất cho bạn là mua hàng trả góp hoặc đồ đã qua sử dụng. Bạn cũng có thể mượn hay xin từ bạn bè và người thân vừa có con nhỏ. Tuy nhiên, nếu bạn dự định sẽ sinh thêm bé nữa, hãy đầu tư mua những đồ dùng tốt nhất ngay từ ban đầu để có thể sử dụng luôn cho những bé còn lại.

Những thay đổi về mặt thể chất
  • Tuần này, bạn hay thở hổn hển và sẽ thấy mệt mỏi hơn. Hệ tuần hoàn phải làm việc tích cực để bơm máu đi nuôi cơ thể và qua cuống nhau vào bé. Vì thế, bạn cần đảm bảo bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin C và sắt có trong thịt bò, rau xanh, ngũ cốc và trái cây tươi.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng lên khiến bạn cảm thấy nóng nực và bị đổ mồ hôi nhiều hơn. Điều này khiến bạn không muốn mặc các loại quần áo dày. Quạt và máy điều hoà có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn cũng nên thường xuyên tắm với nước ấm và tránh mặc các loại vải làm từ sợi tổng hợp.
  • Bạn nên thận trọng với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Niệu đạo của phụ nữ ngắn và ở gần 2 cơ quan âm đạo và lỗ hậu môn nên rất dễ gây viêm nhiễm ngược dòng. Một biện pháp phòng đơn giản nhưng rất có hiệu quả là vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường sinh dục, tiết niệu hàng ngày, trước và sau khi quan hệ tình dục. Đồng thời, luôn rửa và lau sạch vùng kín theo hướng từ trước ra sau mỗi khi đi vệ sinh để tránh hiện tượng đưa vi khuẩn vào niệu đạo gây viêm nhiễm ngược dòng. Ngoài ra, hàng ngày bạn nên tập thói quen uống nhiều nước và không nên cố nhịn khi bạn có nhu cầu đi vệ sinh. Đừng vội vã mà hãy cho bạn đủ thời gian để giải quyết hết mọi thứ trong bụng.
  • Nói tạm biệt với vòng eo của bạn vì lúc này tử cung đã cao ngang rốn. Đừng lo, bạn sẽ lấy lại vóc dáng sau sinh thôi.
  • Tuần này, bạn có thể mắc chứng ợ nóng thai kỳ. Lượng hoóc môn tăng cao trong thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hoá, nghĩa là thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn, khiến cho axit được tiết ra nhiều hơn. Cảm giác nóng rát sau ngực xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị giãn (các cơ này có nhiệm vụ giữ các chất ở trong dạ dày), khiến cho axit ở trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này khiến bạn có cảm giác muốn nôn mửa, nhất là sau khi ăn các thức ăn có vị cay như cà ri. Việc duy trì một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn chặn chứng ợ nóng trong suốt thai kỳ. Bạn cần tăng cường các loại thức ăn có dạng lỏng, loại bỏ ra khỏi bữa ăn những thực phẩm dễ gây ợ nóng như thức ăn cay, các món nướng, chocolate, cà phê, rượu, bia và đồ uống có gas. Ngoài ra, bạn nên kê gối cao hơn bình thường một chút khi ngủ. Nếu các triệu chứng ợ nóng quá khó chịu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc kháng axit.
Những thay đổi về mặt tinh thần
  • Tuần này, bạn háo hức mong chờ những cử động đáng yêu của bé. Bạn thường có thói quen đặt tay lên bụng và chờ đợi những chuyển động nhẹ nhàng của bé để chắc chắn rằng bé của bạn vẫn phát triển khỏe mạnh.
  • Ở giai đoạn này, bạn có xu hướng tập trung mọi sự quan tâm vào thai nhi. Điều này giúp bạn ưu tiên sàng lọc những việc nên và không nên làm trong quá trình mang thai.
  • Tình trạng suy nhược cũng thường xảy ra trong thời kỳ này, đặc biệt là đối với các thai phụ vốn có tiền sử mắc bệnh suy nhược thần kinh. Đừng gặm nhấm nỗi lo một mình, hãy chia sẻ những băn khoăn với bác sĩ và đừng ngần ngại nhờ người thân giúp đỡ bạn khi cần.
Những thay đổi của bé
  • Bé lúc này dài khoảng 13 cm tính từ đỉnh đầu đến mông. Da bé trong suốt đến mức có thể nhìn thấy các mạch máu dưới da. Còn quá sớm để hình thành nên các lớp mỡ dưới da. Tuy nhiên, tuần này xuất hiện một chất đặc biệt giúp bé bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi tác động từ nhiệt độ bên ngoài của môi trường sau khi sinh.
  • Một lớp mỏng màu trắng nhờ, trơn bóng được gọi là gây phủ khắp cơ thể bé, giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn. Đa phần trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục mang chất trắng dinh dính này sau khi sinh.
  • Bé bắt đầu biết nuốt dịch nước ối và thận đã bắt đầu làm việc để sản xuất ra nước tiểu. Nếu bạn có siêu âm trong tuần này, bạn sẽ được nhìn thấy thận cuả bé.
  • Những sợi tóc đầu tiên xuất hiện trên đỉnh đầu và một lớp lông tơ mịn phủ đầy khắp cơ thể. Thông thường, những em bé sinh non khi sinh ra sẽ có nhiều lông tơ trên lưng và cánh tay. Một số bé lại có khuynh hướng hói trong vài tháng và có một chỏm tóc mọc trên đầu. Lưu ý là sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Trên đây chỉ là những phát triển chung nhất của thai nhi trong giai đoạn tương ứng.
  • Giai đoạn này, bé sẽ ngủ nhiều và tích luỹ năng lượng cho sự hình thành và phát triển cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra những hoạt động của bé khi bé chuyển động xoay người và máy đạp bụng mẹ, nhất là khi bạn đang ngủ.

Những gợi ý trong tuần này
  • Nếu bạn chưa hẹn lịch siêu âm thì đây là thời điểm rất thích hợp. Siêu âm giữa thai kỳ có thể diễn ra từ tuần 18 đến tuần 22 để kiểm tra sự phát triển của thai nhi bao gồm sự hình thành và phát triển bộ não, tim, cột sống, gan, thận, và các cơ quan nội tạng khác. Lúc này, bạn đã có thể biết chính xác giới tính của bé qua máy siêu âm do cơ quan sinh dục ngoài đã phát triển đầy đủ. Nếu bạn muốn dành một sự ngạc nhiên cho bạn và gia đình, hãy dặn bác sĩ siêu âm không tiết lộ giới tính thai nhi cho đến ngày bạn sinh bé.
  • Hãy thường xuyên trò chuyện với bé từ lúc còn trong bụng mẹ. Từ tuần thứ 17, bé đã có thể nghe và phân biệt được giọng nói của bạn. Hãy rủ ông xã cùng tận hưởng cảm giác sung sướng khi nhận thấy những chuyển động cuả bé.
  • Tập thể dục và vận động vừa phải để đảm bảo cân nặng hợp lý trong thời kỳ mang thai, đồng thời cũng giúp bạn giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Bạn nên tham gia các lớp thai giáo, luyện tập các bài tập hữu ích, trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm mang thai với các bà bầu khác.
Nguồn: huggies
Xem tiếp tuần thứ 18>>

Mang thai tuần thứ 16

Khi thai nhi được 16 tuần tuổi, một trong những thời điểm thú vị nhất của giai đoạn mang thai đang rất gần: đó là thời khắc bạn cảm nhận được sự có mặt của bé yêu qua những cử động đầu tiên. Thông thường hầu hết các bà mẹ đều cảm nhận được những cử động đáng yêu này từ tuần thứ 16. Nếu đây không phải là bé đầu lòng, bạn sẽ cảm nhận được chuyện này sớm hơn nữa.

Cho đến lúc này, nước ối vẫn hoạt động như một lớp đệm nâng đỡ mọi hoạt động cuả bé. Dây thần kinh nối với thành tử cung còn quá nhỏ và chưa thể trực tiếp liên lạc với bé. Lúc này bé của bạn đủ lớn để kích thích các mạch dẫn truyền dây thần kinh, não bạn bắt đầu ghi nhận những cử động nhẹ nhàng cuả bé.

 Những cảm nhận đầu tiên về bé
Thật khó diễn đạt chính xác cảm giác lần đầu tiên bạn cảm nhận được những di chuyển của bé yêu trong bụng mình. Nhiều bà bầu cho hay những cử động đầu tiên này giống như một chiếc bong bóng nhỏ đang hân hoan nhảy múa. Những cử động của bé sẽ dễ nhận biết hơn khi bạn nằm hoặc ngồi. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười khi biết rằng những cử động chòi đạp nhẹ trong bụng là cách bé thông báo cho mẹ biết bé đang khoẻ mạnh.

Lưu ý rằng sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Mỗi bà bầu sẽ có cảm nhận riêng về sự phát triển của con mình. Những ngày đầu, bạn thường không chắc chắn về những chuyển động của bé và dễ cho rằng mình đang tưởng tượng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và bạn sẽ sớm nhận ra những chuyển động đáng yêu này sớm thôi

 Sự thay đổi cuả mẹ
  • Vào tuần thai thứ 16, bạn nhận thấy đỉnh của tử cung lúc này đã gần tiếp cận với rốn. Sờ vào bụng bạn sẽ chạm được vào đỉnh tử cung. Khi khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung để kiểm tra và so sánh sự phát triển của bé với những lần khám thai trước đó. 
  • Lúc này, tử cung của bạn có kích thước bằng một quả dưa lưới nhỏ, vì vậy bụng dưới sẽ nặng hơn và chèn lên khung chậu. 
  • Nếu bạn tăng lên vài cân, các vết rạn da ở vùng bụng, háng và vú bắt đầu xuất hiện. Da bạn sẽ khô hơn vì vậy bạn nên dùng sữa dưỡng thể để dưỡng cho da mềm mại hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ trước khi tốn tiền cho các loại kem chống rạn quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Hầu hết phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này và không có cách nào thật sự hiệu quả để ngăn chặn nó diễn ra. 
  • Đây là thời điểm mà hầu hết các thai phụ đều bắt đầu ngáy nhiều đến mức kinh khủng. Nguyên nhân là do mũi bị nghẹt. Để ngủ tốt hơn, bạn không nên cố nằm ngửa hay nằm sấp. Nằm ngủ nghiêng 1 bên và đặt một cái gối dưới chân sẽ giúp bạn dễ chịu và cũng giúp cho máu đến thai nhi được dễ dàng, tình trạng ngủ ngáy sẽ giảm bớt. Nếu mũi bạn bị khô, thuốc xịt thông mũi với công dụng hóa lỏng các chất nhầy, đồng thời giúp làm ẩm và thông mũi sẽ hữu ích cho bạn. 
  • Thời kỳ này, bé của bạn phát triển rất nhanh, bạn có thể dễ bị đói bụng. Bạn nên chuẩn bị một số thức ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ trong tủ lạnh và ngăn chứa thực phẩm để có thể dùng khi cần. Tìm mua những thực phẩm có hàm lượng đường thấp để thỏa mãn cơn đói bụng của bạn mà vẫn không làm bạn tăng cân quá nhiều. 
  • Tim bạn phải làm việc tích cực hơn gấp 50% bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể. Hầu hết các mẹ đều trải qua cảm giác này. Nếu tim bạn đập thình thịch sau khi tập thể dục hoặc leo lên cầu thang thì bạn nhớ giảm tốc độ, vận động chậm và nhẹ nhàng để cho cơ thể bắt nhịp từ từ, tránh trường hợp dừng đột ngột. Triệu chứng này có thể kéo dài suốt thai kỳ, tuy nhiên bạn đừng lo lắng nhé vì trái tim bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường sau khi sinh bé. Nếu bạn hút thuốc lá thì thời điểm này chính là lúc đấu tranh tư tưởng để bỏ nó. Vì con và vì chính bạn nữa, hãy thay thế thuốc lá bằng các món khác bổ dưỡng hơn như sữa chua không béo, hỗn hợp nước trái cây tươi.
Những thay đổi về cảm xúc
  • Nếu có chút bất an về quá trình mang thai trước đây thì có lẽ bạn sẽ thấy dễ chịu hơn trong tuần này. Bạn sẽ cảm nhận rõ những cử động của con bạn. Nhiều thai phụ cho rằng họ cảm nhận được sợi dây liên kết vô hình giữa họ và con, một mối liên hệ đặc biệt chưa từng có trước đó. Vì vậy, họ muốn giữ bí mật về những cử động của con cho riêng mình. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy vậy, bạn nên chia sẻ những thông tin thú vị đó với ông xã để cả hai cùng cảm nhận được niềm vui sắp được làm cha mẹ.
  • Tuần này bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh bé. Bụng của bạn ngày càng to và nặng hơn vì bé đang di chuyển xuống dưới. Hãy cùng người thân bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời.
mang thai tuần thứ 16 (1)

Sự thay đổi cuả bé
  • Tử cung của bạn trở nên chật chội vì nó chứa cả bé, nước ối, bánh nhau, màng nhầy và dây rốn, chưa kể đến không gian cho bé cử động khi bé cuộn tròn, búng, lật, uốn lưng, co, duỗi chân tay. Nhưng bạn đừng lo, thật may, tử cung của chúng ta được thiết kế đặc biệt để có thể co giãn và lớn lên nhiều lần so với kích thước và hình dạng gốc sao cho phù hợp với bé.
  • Bé bắt đầu biết mút ngón tay. Siêu âm ở tuần thứ 16 cho thấy nhiều bé đã biết cho tay vào miệng ngậm và rất thích thú với hành động này. Một số bé sinh ra với những vết phồng da trên các ngón tay
  • Cơ thể bé tăng trưởng rất đáng kể. Bộ xương dần chuyển từ sụn dẻo thành xương cứng, điều này có nghĩa là con bạn đang phát triển tốt. Đó là lý do bạn cần bổ sung canxi và có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp bạn và thai nhi khoẻ manh. Dù không có thói quen uống sữa, bạn cũng nên dùng thêm một số thực phẩm giàu canxi như các loại đậu, đậu nành, đậu hũ, nước cam, phômai, sữa chua, bánh trứng, kem, xương cá mòi, cá ngừ và hạnh nhân. Những loại rau lá xanh đậm chứa nhiều canxi, giúp tạo cơ, xương và tạo máu cũng rất có ích, bạn nên dùng hàng ngày.
mang thai tuần thứ 16 (2)

Những gợi ý trong tuần này
  • Hầu hết các bà mẹ mang thai đều nên siêu âm từ tuần thứ 16. Hãy hẹn với bác sĩ một ngày mà chồng bạn có thể đi cùng bạn. Và đừng quên lưu lại những hình ảnh đầu tiên của thai nhi để khi lớn lên, bé càng cảm nhận thêm tình yêu của mẹ và bố dành cho bé từ những ngày còn trong bụng mẹ.
  • Thời kỳ này, bạn có thể sẽ mắc chứng đãng trí, hay quên. Vì vậy, hãy ghi chú vào giấy những thắc mắc bạn muốn hỏi bác sĩ và việc cần làm là mang theo nó khi đi khám. 
  • Bia, rượu và các chất có cồn không tốt cho phụ nữ mang thai và cách an toàn nhất là bạn hãy kiêng tất cả những thứ độc hại này. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước hoa quả, nước khoáng và soda, hoặc nước đun sôi để nguội với một ít chanh.
Nguồn: webtretho.vn
Xem tiếp tuần thứ 17

Mang thai tuần thứ 14

Tuần này, nhiễm sắc thể và mã gen di truyền đã hình thành rõ rệt. Qua hình ảnh siêu âm, có thể nhận biết giới tính của bé và tầm soát một số bệnh nguy hiểm. Lượng máu tăng lên khiến da dẻ mẹ hồng hào hơn nhưng cũng tăng lượng dầu nhiều hơn.

Nhật ký bé trong bụng mẹ - Tuần thứ 14

Ngày thứ 92: Hầu hết các bé con sẽ được bao bọc trong một túi ối ấm áp. Trong chiếc “tổ”ấy, có thể xác định được tính dị thường của gen (đặc điểm di truyền) và sự bất thường của các nhiễm sắc thể.

Mẹ làm cho bé: Nếu thai kỳ của mẹ được xem xét là có nguy cơ rủi ro cao, bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối trong khoảng thời gian này. Thủ tục khá đơn giản, họ sẽ lấy một ít dung dịch ối từ túi thai của mẹ để đem đi giám định. Phương pháp này đưa lại kết quả chuẩn xác trong việc đo độ mờ da gáy để tầm soát hội chứng Down, phát hiện sự dư thừa của nhiễm sắc thể thứ 21, khuyết tật ống thần kinh và xơ hóa gai cột sống.

Ngày thứ 93:
Hệ thống nhiễm sắc thể của bé đã đi vào hoạt động, dù vậy bé vẫn cần những kháng thể để bảo vệ bé chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể.

Mẹ làm cho bé: Tránh xa các loại động vật, súc vật nuôi trong nhà để tránh một số bệnh truyền nhiễm.

Ngày thứ 94: Mẹ đã có thể thấy tất cả sự chuyển động và những cú đá, huých, thúc của bé…Mẹ thấy đó, bé đã biết phối hợp cơ thể nhiều hơn rồi.

Mẹ làm cho bé: Hãy bổ sung cho cơ thể những thức ăn hoàn hảo như là: quả hạnh, hạt hướng dương, hạt bí và trái cây khô. Những chất béo này không chứa cholesterol và giúp bé con trong bụng có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết.

Ngày thứ 95: Tay, chân của bé dài hơn, các ngón bắt đầu mảnh hơn và chiếc bụng nhỏ của bé cũng tròn lên rõ rệt.

Mẹ làm cho bé: Đi du lịch bằng máy bay ở thời điểm này sẽ an toàn cho cả mẹ và bé. Bởi vì máy bay vốn là phương tiện bay trên áp suất không khí cao nên nguồn oxy của bé bị hạn chế hẳn. Trong khi đó hầu hết các hãng hàng không đều quy định thai phụ dưới 36 tuần thì có thể bay. Những chuyến du lịch hay những chuyến công tác nên được thực hiện trước tam cá nguyệt thứ 2 thì sẽ thích hợp hơn. Nếu mẹ buộc phải bay, hãy đứng lên đi vòng quanh vài giờ trước khi máy bay cất cánh để gia tăng việc lưu thông máu.

mang thai tuần thứ 14 (1)

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 14 - Ảnh: Babycenter

Ngày thứ 96: Bé đã có thể nuốt và đi “tè” cũng như nấc cụt trong bụng mẹ rồi.

Mẹ làm cho bé: Bây giờ bé cần rất nhiều chất đạm và sắt để phát triển. Hai chất này có nhiều trong trứng gà và cải bó xôi. Một nguồn khác cũng rất dồi dào chính là thịt, cá và ngũ cốc. Tăng cường thêm vitamin C với các loại trái cây vì chúng giúp hấp thu sắt cho cơ thể bé và mẹ.

Ngày thứ 97: Cần gia tăng lượng canxi trong khẩu phần ăn để giúp xương bé chắc khỏe hơn.

Mẹ làm cho bé: Mẹ sẽ muốn tìm hiểu về những vật dụng cho bé sau khi bé ra đời như giường cũi, xe tập đ, đồ chơi…điều này là hoàn toàn có thể.

Ngày thứ 98: Giới tính của bé sẽ được khám phá nhờ kỹ thuật siêu âm.

Mẹ làm cho bé: Đừng đợi đến lúc biết được giới tính mới mua áo quần cho bé. Hãy chuẩn bị cho bé một tủ đồ rực rỡ màu sắc nhé.

Nhật ký mẹ mang thai - Tuần thứ 14

Ngày thứ 92: Bởi có quá nhiều các triệu chứng thai kỳ dồn dập, nó khiến mẹ cảm thấy hoang mang để đi đến quyết định làm những xét nghiệm nào là đúng và phù hợp với mình.

Mẹ làm cho mẹ: Trình bày với bác sĩ về những rủi ro (nếu có), kết hợp với kết quả xét nghiệm trước đó. Điều này có thể giúp định hướng được phương cách thông minh hơn và tốt nhất cho bé. Mẹ cũng có thể bàn bạc với ông xã mua bảo hiểm để bảo vệ cho các kế hoạch xét nghiệm thai kỳ của mình.

Ngày thứ 93: Mẹ đã có thể cảm nhận được những cơn đau rõ rệt ở dưới bụng và chân nếu xoay người, cười lớn hoặc ngừng hoạt động đột ngột. Điều này được biết là triệu chứng giãn dây chằng thai kỳ.

Mẹ làm cho mẹ: Tử cung lớn lên là nguyên nhân đẩy dạ dày co thắt và trải dài ra theo một lối khác. Nếu mẹ từng trải nghiệm triệu chứng đau dây chằng, tốt nhất hãy tìm kiếm một vị trí nằm thư giãn nghỉ ngơi thích hợp cho đến khi cơn đau lắng dịu. Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, hãy tắm nước ấm. Nếu cơn đau dai dẳng, không dứt, nên gọi cho bác sĩ sản khoa.

Ngày thứ 94: Bởi vì chiếc bụng của mẹ lớn lên mỗi ngày nên trọng lượng liên tục thay đổi và mất cân bằng, hơn nữa mẹ cũng sẽ bị đau lưng nhiều ở thời điểm này.

Mẹ làm cho mẹ: Tránh đứng và ngồi lâu một chỗ, nếu ngồi trước máy tính quá lâu, hãy giúp cơ thể thoải mái hơn bằng cách đi dạo vòng quanh phòng. Tham gia những lớp học tiền sản với các bài tập yoga và thể dục nhẹ, nó giúp mẹ chống chọi với những cơn co thắt và những cơn đau nhức thai kỳ rất hiệu quả.

Ngày thứ 95: Thực tế hiển nhiên là cơ thể mẹ vẫn có thể thèm một vài thứ nữa cho đến khi bé chào đời. Giờ là dịp để ăn mừng có bé rồi đây.

mang thai tuần thứ 14 (2)

Mẹ có thể uống một chút rượu ở tuần này. Ảnh: Inmagine.


Mẹ làm cho mẹ: Mẹ có thể uống một chút rượu, bia nhưng tốt nhất là nên dùng nước ngọt nước trái cây hoặc xiro, hạn chế dùng thức uống có cồn.

Ngày thứ 96: Mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, bải hoải, đầy bụng và khó tiêu sau mỗi bữa ăn bởi vì thức ăn nạp vào tiêu hóa rất chậm.

Mẹ làm cho mẹ: Với cảm giác lạ trên, tốt nhất mẹ đừng uống bất kỳ thứ gì sau bữa ăn mà nên uống xen giữa bữa để hạn chế chứng ợ nóng và khó tiêu đáng ghét này nhé.

Ngày thứ 97: Sự phấn khởi với cảm xúc làm mẹ khiến hầu hết gương mặt các thai phụ đều trở nên hồng hào và rạng rỡ hơn, đặc biệt là ở kỳ tam cá nguyệt thứ 2 bởi lượng máu được gia tăng hơn. Tuy nhiên đi kèm với điều ấy là lượng dầu trên mặt cũng tăng theo.

Mẹ làm cho mẹ: Tận hưởng những lời chúc mừng và sự quan tâm săn sóc của người thân bởi mang thai là một việc không hề dễ dàng.

Ngày thứ 98: Nhờ siêu âm, mẹ có thể nhìn thấy các chuyển động bên trọng cơ thể của mình, háo hức nhìn ngắm bé yêu của mình và khám phá giới tính của con xem đó là một hoàng tử hay một nàng công chúa.

Mẹ làm cho mẹ: Cũng có khi kỹ thuật viên đọc sai kết quả giới tính của bé do chân bé khép lại khiến qua lớp cắt siêu âm, giới tính bé hiển thị không được rõ ràng lắm.

Nguồn: webtretho.com

Mang thai tuần thứ 13

Vào tuần này, em bé có cân nặng ít hơn 40 gram, vẫn còn rất nhỏ, nhưng đã bắt đầu cựa quậy và di chuyển thường xuyên những khi không ở trạng thái ngủ. Hai mắt bé giờ đây đã ở vị trí bình thường, không còn cách xa ra hai bên như trước nữa. Các cử động thở, bú, và nuốt nhẹ nhàng đã có thể được nhìn thấy rõ ràng trên màn hình siêu âm. Việc thực hành sớm những kỹ năng phức tạp này ngay từ bây giờ sẽ giúp bé thành thạo hơn khi ra đời và bắt đầu tự sống.

Bước qua tuần này, bạn đã có thể thấy thoải mái hơn vì đã lấy lại được năng lượng. Bạn bắt đầu thấy thích ăn lại như bình thường, và mong chờ đến bữa ăn thay vì cảm thấy sợ hãi. Cố gắng có chế độ dinh dưỡng phong phú để giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng của thai nhi. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ có thai không nên hạn chế ăn uống, và nên ăn những thức ăn có mùi và vị khác nhau. Điều này sẽ có tác động tích cực lên thai nhi, giúp bé dễ chấp nhận các loại thực phẩm khác nhau sau này khi bé bắt đầu ăn dặm. Nếu vị giác của thai nhi đã được “mồi” cho một loạt các mùi vị khác nhau thông qua nước ối, sau này bé sẽ có khuynh hướng thích khám phá, và sành điệu hơn trong việc ăn uống.

mang thai tuần thứ 13 (1)

Mọi thứ không vừa với mình nữa rồi!
 Bạn có thể thấy bụng mình phát triển to hơn một chút, hoặc cũng có thể không, nhưng chắc chắn lúc này bạn đã có cảm giác rõ ràng là mình có thai. Mỗi khi đứng lâu một chút, bạn có thể thấy chân và lưng hơi đau. Chưa đến lúc phải lệt bệt, nhưng bạn cũng đã có thể thay đổi tướng đi một chút so với trước đây.

Bạn cũng cần phải thay đổi thói quen nằm ngủ để có một tư thế thoải mái hơn. Nếu trước đây bạn thường ngủ sấp thì lúc này bạn sẽ thấy khó khăn hơn vì sẽ bị cấn ở bụng. Vì vậy, hãy cân nhắc việc mua một chiếc gối dài để bạn có thể cuộn vòng quanh người và chân. Bạn sẽ thấy nó đáng đồng tiền vì điều này sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon cho đến  những tuần cuối của thai kỳ.

 Những thay đổi về mặt thể chất

  • Không có gì ngạc nhiên nếu giày bạn trở nên chật chội hơn. Không phải bạn đang tưởng tượng đâu, đó là do progesterone, loại hoóc môn quan trọng của thai kỳ, đang tăng lên để giúp làm thư giãn các dây chằng ở vùng xương chậu của bạn, cũng như có những ảnh hưởng tích cực khác. Đến cuối thai kỳ, bạn sẽ thấy kích cỡ giày của mình tăng lên ít nhất là một nửa size, hoặc thậm chí có thể hơn.
  • Hãy chuẩn bị giấy thấm. Đừng lo lắng nếu thấy bị chảy máu mũi mặc dù trước đó bạn chưa từng bị. Các tĩnh mạch căng lên sẽ làm cho bạn dễ bị sổ mũi, nghẹt mũi, và chảy máu mũi. Chảy máu mũi thường sẽ tự hết, nhưng quan trọng là bạn không nên hoảng sợ, hãy ngồi nghỉ cho đến khi nó hết.
  • Bạn có để ý thấy da mình đẹp hơn rồi không? Đám mụn dường như đã đi đâu hết, và da mặt không còn bị lốm đốm nữa. Hãy chú ý vệ sinh mặt sạch sẽ và dưỡng ẩm như bạn vẫn thường làm. Lúc này, bạn có thể thấy da mình hơi nhờn hơn, vì vậy, cần phải thay đổi loại kem dưỡng ẩm cho phù hợp.
  • Ngực có lẽ vẫn là nơi bạn cảm thấy có nhiều thay đổi rõ nhất vào lúc này. Nó dường như thay đổi hoàn toàn, cảm giác nặng hơn, nhạy cảm hơn, và đau nhức hơn. Nếu thấy áo ngực đang sử dụng có vẻ không đủ thoải mái thì bạn nên sắm loại áo dành cho bà bầu phù hợp hơn. Đây là món đồ quan trọng cần thiết trong suốt thai kỳ.
Những thay đổi về mặt cảm xúc
  • Quý hai của thai kỳ là giai đoạn mà cơ thể bạn tràn ngập các hoóc môn và cảm giác dễ chịu với mọi thứ xung quanh. Hãy tận hưởng quãng thời gian đặc biệt này. Thư giãn với các bài tập yoga, massage, thể dục dưới nước, hoặc Thái Cực quyền. Việc kết nối với các luân xa (Chakra trong yoga thiền) bên trong bạn sẽ mang lại bao điều thú vị, ngay cả khi bạn không biết nó trông như thế nào.
  • Có thể cả ngày bạn cứ chăm chăm vào bụng mình, xem nó đã to lên bao nhiêu. Có những lúc bạn còn chắc chắn rằng nhìn mình đã to hơn, mặc dù sau đó không lâu thì lại không còn thấy vậy nữa. Tuy nhiên, thực sự thì điều đó là do những thứ đang diễn ra phía sau tử cung của bạn, chứ không phảitừ bên trong. Nếu ruột của bạn bị phình ra do phân hoặc khí thải, nó sẽ làm cho bụng bạn bị nhô ra trước.
  • Bạn thường cảm thấy giai đoạn này trôi qua chậm chạp vì nghĩ rằng ngày sinh nở vẫn còn quá xa. Dù biết rằng mọi hoạt động vẫn đang diễn ra bên trong bụng của mình, nhưng thực tế bạn vẫn chưa nhìn thấy được gì nhiều. Cố gắng làm gì đó không liên quan đến công việc hoặc em bé mà có thể mang lại niềm vui cho bạn mỗi ngày. Những sở thích và cá tính của chính bạn cũng cần được thể hiện và hâm nóng chứ không nên bị xếp cất vào chỉ vì bạn đang mang thai.
Những thay đổi của em bé
  • Tuần này, bé sẽ có cử động tay chân nhiều hơn mặc dù chưa có được sự phối  hợp nhịp nhàng, và vẫn cần thời gian nghỉ ngơi lâu. Bạn sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của những chuyển động này trong một hoặc hai tuần nữa.
  • Ba xương nhỏ ở tai trong của em bé bắt đầu hình thành trong tuần này, và bé bắt đầu có thể nghe bạn. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian trò chuyện, hát cho bé nghe; hãy tạo sợi dây kết nối tình cảm giữa mẹ và bé ngay từ bây giờ, chúng sẽ phát triển bền chặt cho đến suốt đời.
  • Chân của bé bây giờ đã phát triển dài hơn cánh tay, và cái đầu bé xíu đã không còn là bộ phận to nhất trong cơ thể nữa. Cơ thể của bé cũng dài hơn và không còn uốn cong nhiều như trước.
mang thai tuần thứ 13 (2)

Lời khuyên cho tuần này
Cố gắng tránh để bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là một tình trạng phổ biến trong thai kỳ, và mặc dù không phải là một vấn đề lớn, nó vẫn có thể gây nhiều phiền toái hơn là chỉ khó chịu chút chút. Hãy uống nhiều nước, và sau khi đi tiểu thì nên lau sạch từ từ trước ra sau. Nên làm trống bàng quang trước và sau khi quan hệ tình dục. Trường hợp bạn bị tiểu rát hay có mùi, hãy đi bác sĩ để được kiểm tra sớm.

Theo huggies
Xem tiếp tuần thứ 14