Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Mang thai tuần thứ 04

Thời điểm này có sự thay đổi lớn trong tử cung của bạn, mặc dù bạn sẽ không nhận thấy điều gì khác khi nhìn mình trong gương. Bạn đã mang thai một tháng, nhưng có thể bạn chưa tăng cân và tử cung của bạn cũng không lớn hơn so với tháng trước. Tuy nhiên bạn có thể có những triệu chứng đầu thai kì như căng ở hai bầu vú, nhức đầu, đau lưng hoặc những thứ khác. Bạn nên biết rằng những triệu chứng này tương tự như những triệu chứng mà bạn có thể có trước kì kinh. Một số phụ nữ khác thì chẳng có triệu chứng nào cả ngoại trừ trễ kinh hoặc kinh nguyệt bất thường.
         Mang thai tuần thứ 04 - Phôi thai bắt đầu phát triển
Túi phôi đã vùi sâu vào lớp nội mạc tử cung, phôi thai bắt đầu phát triển và nhau thai bắt đầu hình thành. Nhau thai của bạn sẽ chịu trách nhiệm sản xuất hocmon progesterone cần thiết cho thời kỳ mang thai. Mẹ đã có thể cảm nhận một số khó chịu liên quan đến thai kỳ. Việc tăng kích thích tố khi mang thai có thể làm cho bạn buồn nôn, mặc dù triệu chứng này thường gặp hơn ở vài tuần sau. Một số mẹ có thể cảm thấy ốm nghén ở giai đoạn đầu khi kích thích tố tăng vọt một cách nhanh chóng.
Thời điểm này có thể bạn sẽ muốn thử thai ngay lập tức, tuy nhiên nếu kết quả không như ý muốn bạn có thể thử lại vào cuối tuần này. Cơ thể bạn sẽ cần tạo đủ hormone mang thai hCG để que thử thai có thể hiện lên 2 vạch màu hồng. 
Nguồn: ebe.vn
xem tiếp tuần thứ 5

Những điều nên làm trong tuần thứ 04 - Học cách thư giãn cơ thể

Hãy học cách thư giãn khi cơ thể và tâm trí bạn cần nghỉ ngơi. Có thể bạn sẽ cảm thấy khá mệt mỏi trong tháng đầu tiên của thai kỳ và có khá nhiều cảm xúc. Nếu công việc của bạn khá căng thẳng, bạn còn phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề của gia đình, điều này sẽ làm bạn cảm thấy kiệt sức vào cuối tháng đầu tiên. Trong khi chờ những vấn đề rắc rối sẽ qua theo thời gian, bạn cần lập cho mình chiến thuật hiệu quả để vượt qua mọi căng thẳng và khó chịu về thể chất. Những điều này bạn sẽ phải đối mặt trong hai tam cá nguyệt tiếp theo, và khi bước vào vai trò mới đầy quan trọng - một người mẹ.
Ảnh: Getty Images
Tự chăm sóc bản thân khi mang thai là một điều rất quan trọng nhưng có khá nhiều bà mẹ tương lại không lưu tâm đến điều này. Khi phải đối mặt với những căng thẳng, hãy cố quên đi những lo lắng và thay đổi thói quen để giảm bớt những áp lực. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, hãy chuẩn bị sẵn những thức ăn tốt cho sức khỏe và đồ ăn nhẹ, chia thành nhiều phần nhỏ để có thể nạp năng lượng bất cứ lúc nào. Hãy ngâm mình thư giãn trong bồn nước ấm thay vì quay cuồng với công việc nhà. Cuối cùng, hãy chia sẻ với các bà mẹ tương lai khác, thảo luận về những mối quan tâm và gặp gỡ những người cùng chí hướng là cách tốt để giải tỏa những lo âu. Họ có thể sẽ cho bạn những lời động viên quý giá để bạn có thể vượt qua giai đoạn cam go này.
Chăm sóc y tế
Giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai có thể mang lại những thay đổi đáng ngạc nhiên. Và nếu đây là đứa con đầu lòng của bạn thì chắc hẳn bạn sẽ bắt đầu lo lắng về tất cả mọi thứ hay bất cứ điều gì. Những lo ngại về sự phát triển của thai nhi, về những đe dọa sẩy thai làm cho nhiều phụ nữ luôn luôn căng thẳng. Để tránh những lo lắng không cần thiết, bà mẹ tương lai nên tìm hiểu về những thay đổi sẽ diễn ra trong ba tháng đầu tiên.
Những dấu hiệu như đau quặn hay có áp lực lên bụng sẽ không có gì phải lo lắng, đó là do dây chằng của bạn đang dãn ra. Việc chảy máu nhẹ cũng là dấu hiệu của việc thụ thai đang diễn ra. Tuy đây là những dấu hiệu phổ biến, nhưng cũng rất tốt nếu bạn để ý đến tất cả các triệu chứng mang thai của tháng đầu tiên và nói với bác sĩ của mình.
Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng như đau bụng dữ dội hay chảy máu rất nhiều, cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Ví dụ như đau bụng dữ dội kết hợp với buồn nôn hoặc nôn, chảy máu hoặc bị phù đột ngột là dấu hiệu bất thường. Tiêu chảy kéo dài, ngất xỉu, tầm nhìn xáo trộn và sốt trên 38˚C là những dấu hiệu cần quan tâm. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ những triệu chứng này.
Chọn dịch vụ y tế và đặt lịch khám thai. Để chuẩn bị, bạn hãy ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối (để có thể xác định ngày dự sinh) và bắt đầu lập danh sách bất cứ câu hỏi nào nảy ra trong đầu. Cũng hãy nói chuyện với người thân, họ hàng ở cả hai bên gia đình để biết được về tiền sử bệnh, vì bác sĩ sẽ muốn biết liệu trong gia đình bạn có bị bệnh mãn tính hoặc bất thường di truyền nào hay không đấy.
Lời khuyên cho ba của bé
Cũng như các bà mẹ tương lai, các ông bố tương lai ngay từ những ngày đầu của thời kỳ mang thai cũng cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Hãy làm tất cả những gì có thể để giúp người bạn đời của mình được an ủi và quẳng gánh lo đi. Người bố tương lai cần phải mạnh mẽ, kiên nhẫn và thông cảm ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Hãy giúp cô ấy thoát khỏi stress, giúp cô ấy hít thở sâu và điều chỉnh những cường độ công việc hàng ngày cho hợp lý. Hãy tìm hiểu về những gì sẽ xảy ra từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia. Chắc chắn rằng bạn sẽ chuẩn bị đầy đủ kiến thức về quá trình mang thai để có thể giải tỏa những lo lắng của cô ấy.
Nguồn: ebe.vn

Mang thai tuần thứ 3

Như đã nói, tuổi thai thật sự được tính từ khi thụ tinh. Tuy nhiên, thời gian từ lúc bắt đầu của kỳ kinh cuối (KKC) đến khi thụ tinh khác nhau ở mỗi người, trung bình là 2 tuần. Do không biết chính xác thời điểm thụ tinh nên tuổi thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày sanh dự kiến là 40 tuần. Như vậy, tuần lễ đầu tiên của thai chính là tuần thứ 3 của thai kỳ.
Đây chính là tuần lễ mà bạn mong chờ.Trứng đã được thụ tinh vào đầu tuần, và cơ thể bạn vừa mới bắt đầu sự chuyển đổi tuyệt vời. Đây là tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai, nhưng tuần thứ 3 mới thật sự là những ngày đầu tiên của cuộc sống của bé. Lúc này, bé thật sự chỉ là một nhóm các tế bào, và có lẽ bạn cũng chưa biết đến sự tồn tại của bé đâu.
               
                                                     Trứng được thụ tinh - Ảnh: Getty I mages
Mặt khác, một số phụ nữ có thể cảm nhận được mình đã mang thai ngay sau khi thụ thai, đó là trực giác làm mẹ. Một số nhận thấy dấu hiệu xuất huyết nhẹ khi trứng bám vào các mô tử cung. Thời điểm này vẫn còn quá sớm để có thể phát hiện nhiều thay đổi bên ngoài, và hầu hết phụ nữ đều không nhận thấy bất kỳ thay đổi thể chất  nào của việc thụ thai. Tuy nhiên cho dù bạn có hay không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc mang thai 3 tuần, bạn có thể yên tâm rằng sự thụ tinh đã xảy ra, và tất cả quá trình trong cơ thể bạn đang tham gia vào sự phát triển  của một cuộc sống mới.
Một số mẹ cũng đã có thể biết mình có thai bằng dụng cụ thử thai tại nhà. Tuy nhiên kết quả lúc này chưa thật sự chính xác, bạn có thể đợi đến cuối tuần khi kỳ kinh tiếp theo đã thật sự “trễ”.
Nếu kết quả thử thai là dương tính, nghĩa là “2 vạch”, bạn nên tìm một dịch vụ y tế, hoặc một bác sĩ tin cậy để đặt hẹn khám thai. Hầu hết các thai phụ chỉ cần khám thai từ tuần thứ 8 trở đi trừ khi bạn đã từng gặp khó khăn khi mang thai trước đó, hoặc có triệu chứng bất thường cần kiểm tra lại. Nếu mẹ đang sử dụng thuốc – dù là loại kê toa hoặc không cần toa – hãy tham vấn bác sĩ ngay để biết chúng có an toàn cho bé hay không.
Trong trường hợp kết quả thử thai là âm tính nhưng bạn vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại, hãy kiên nhẫn chờ đợi và thử lại vào tuần sau. Bạn đừng vội thất vọng vì tuần lễ này cũng còn là quá sớm, và một số que thử nước tiểu chưa đủ nhạy để bắt được tín hiệu thai kỳ ở tuần này mà thôi
Nguồn: ebe.vn

Những điều nên làm trong tuần thứ 03 - Bắt đầu thói quen tập thể dục

Đây là một tuần tuyệt vời để bạn bắt đầu thói quen tập thể dục dành cho thời kỳ mang thai. Các hoạt động hiệu quả và nhẹ nhàng như tập yoga dành cho phụ nữ mang thai, đi bộ hoặc tập aerobic nhẹ. Loại hình và cường độ tập luyện phụ thuộc vào mức độ thể lực của bạn trước khi mang thai.
Luyện tập khi mang thai - Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên trước khi bắt đầu chế độ tập luyện, hoặc tiếp tục tập luyện với cường độ cao, bạn cần phải hỏi ý kiến bác sĩ. Sự gia tăng đột ngột trong hoạt động có thể ảnh hưởng đến cả hai mẹ con, đặc biệt khi nhịp tim của bạn vượt quá 140 nhịp/phút. Nếu bạn đang có chế độ tập luyện quá mức, bạn cần phải cắt giảm cường độ và thời gian tập luyện ít nhất là 20%.
Chăm sóc y tế
Ngay từ khi có kế hoạch sinh con, mẹ đã cần phải bổ sung vitamin tiền thai kỳ chứa ít nhất 400mcg axit folic mỗi ngày; đến khi có thai, lượng axit folic cần tăng gấp rưỡi – vào khoảng 600mcg/ngày. Ngoài ra bạn cần phải chú ý đến chế độ ăn uống của mình, đảm bảo những gì bạn ăn vào là tốt nhất cho hai mẹ con.
Nếu bạn đã cố gắng thụ thai cả năm rồi hoặc lâu hơn (lâu hơn 6 tháng nếu bạn trên 35 tuổi) mà không thành công, hãy đề nghị cơ sở y tế thực hiện các xét nghiệm khả năng sinh sản ở cả hai vợ chồng. Kết quả của các xét nghiệm này đôi khi không dễ chấp nhận, nhưng dù sao hiểu rõ vấn đề của mình cũng sẽ giúp các bạn tìm phương án điều trị phù hợp, để kết quả cuối cùng là có được một đứa con xinh đẹp và khỏe mạnh.
Lời khuyên cho ba của bé
Đây sẽ là một tuần thú vị và nhiều cảm xúc. Một chút lo lắng, một chút vui mừng, lúc vui lúc buồn khi bạn cũng cùng cảm giác trông chờ sự có mặt của bé. Hãy chia sẻ những suy nghĩ, những lo lắng của mình với cô ấy, và hãy tặng hoa cho cô ấy nhé.
Việc chia sẻ cảm xúc với cô ấy sẽ khiến cô ấy cảm thấy an ủi khi biết rằng bạn đang có những suy nghĩ tương tự. Chia sẻ những mối quan tâm về thụ thai, dấu hiệu mang thai sẽ khiến cô ấy vui vẻ hơn và không cảm thấy bị cô lập hay lẻ loi trong hành trình kỳ diệu này.
Nguồn: ebe.vn

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Mang thai tuần thứ 2

Cho tới thời điểm này bạn vẫn chưa thật sự mang thai, vì vậy bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc mang thai trong 2 tuần đầu tiên. Tuần thứ hai của thai kỳ cũng tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối hơn là ngày chính xác của thời điểm thụ tinh. Vì vậy tuần thứ hai của thai kỳ đánh dấu việc bạn chuyển vào thời kỳ mang thai, chứ không phải là tuần thứ hai của cuộc sống em bé trong bụng bạn.
Trong thực tế, vào tuần thứ 2, nàng trứng của bạn vẫn đang chín và sẽ rụng vào cuối tuần này (hoặc vào khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu chu kỳ tiếp theo) để chờ đợi một tinh trùng thật đẹp trai và khỏe mạnh. Và một chú tinh trùng may mắn sẽ đánh bại hơn một triệu tinh trùng khác trong cuộc tranh đua cao để gặp trứng và bắt đầu một cuộc sống mới. Mặc dù bạn chưa thật sự mang thai vào thời điểm này, nhưng bác sĩ sẽ tính đây là tuần thứ hai của thai kỳ.    
Điều cần làm trong tuần này, bên cạnh việc tham khảo ý kiến bác sĩ, bạn cần chú ý quan tâm đến lối sống, chế độ dinh dưỡng và thói quen của mình. Nếu bạn hút thuốc lá và uống rượu cần phải ngưng ngay lập tức, cắt giảm caffeine và nên đưa thêm 300 calo vào chế độ ăn mỗi ngày.Có một chế độ ăn lành mạnh, bổ sung thêm trái cây, rau quả, sữa, ngũ cốc mỗi ngày… nhưng cũng đừng nên có chế độ ăn quá nhiều muối và chất béo. Thêm vào đó, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn chống lại những triệu chứng ốm nghén và mệt mỏi khi mang thai.
Nguồn: ebe.vn

Bạn cần làm gì trong tuần thứ 2

Đây là thời gian để bạn giải quyết vấn đề lối sống. Bỏ thuốc lá, ngừng uống rượu, cắt giảm cafein và bắt đầu đưa thêm 300 calo vào chế độ ăn uống của bạn mỗi ngày. Bắt đầu một thói quen ăn uống lành mạnh với nhiều rau quả, trái cây, sữa ít béo, ngũ cốc. Một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn chống lại những triệu chứng mang thai không mong muốn như ốm nghén, chán ăn và mệt mỏi.
   
Ảnh: Getty Images
Chăm sóc sức khỏe
Lúc này bạn nên chọn trước cho mình một bệnh viện và bác sĩ mà bạn có thể tin tưởng để kiểm tra sức khỏe của mình. Bác sĩ gia đình hay nữ hộ sinh, bác sĩ nam hay nữ, quan trọng đó phải là một người bạn có thể tin cậy. Bạn muốn loại hình chăm sóc như thế nào, có muốn tham gia lớp học tiền sản không? Bạn có thể tham khảo ý kiến  bạn bè của mình, những người đã có kinh nghiệm đi sinh trước đó, từ đó có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân về một dịch vụ tốt nhất và hợp với mình. Khi chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, yên tâm về dịch vụ, bạn sẽ sẵn sàng cho một giai đoạn mang thai và sinh nở tốt đẹp.
Nếu bạn đã có trải nghiệm về một thai kỳ có nguy cơ cao, điều cần làm là hãy tìm cho mình một bác sĩ có thể theo sát bạn suốt thai kỳ. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về việc khám thai sớm cùng những hướng dẫn chăm sóc có lợi cho thai kỳ của bạn.
Dành cho ba của bé
Lời khuyên lúc này cho người quan trọng không kém đó là hãy sẵn sàng cho sự thay đổi. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi rất nhiều với sự ra đời của một em bé. Có rất nhiều thứ để học cách làm cha mẹ, và bạn cần có thời gian để học từ từ. Tuy nhiên, lúc này đây, bạn hãy cố gắng đối diện với những đang diễn ra trước mắt: những thay đổi tích cực sẽ diễn ra trong cuộc sống của bạn, một người phụ nữ đang lo lắng và cần được ôm ấp, vuốt ve, một trải nghiệm hoàn toàn mới. An ủi và trấn an là nhiệm vụ quan trọng nhất của tuần này và trong vài tuần tới. Và nếu hai bạn đang cố gắng để có thai tự nhiên, bạn sẽ có vai trò rất quan trọng trên giường ngủ nữa đấy. 
Nguồn: ebe.vn

Mang thai tuần đầu tiên

Những gì xảy ra trong cơ thể bạn
Tuổi thai thật sự được tính từ khi thụ tinh. Tuy nhiên, thời gian từ lúc bắt đầu của kỳ kinh cuối (KKC) đến khi thụ tinh khác nhau ở mỗi người, trung bình là 2 tuần. Do không biết chính xác thời điểm thụ tinh nên tuổi thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên cuả kỳ kinh cuối cùng đến ngày sanh dự kiến là 40 tuần.Về mặt kỹ thuật, bạn không mang thai ngay thời điểm này, nhưng đây là mốc thời gian để từ đó bạn dễ dàng theo dõi thai kỳ của mình.
  
Tinh trùng có thể sống đến 72 tiếng - Ảnh: Getty Images
Vào thời điểm này, cơ thể đang trải qua quá trình tương tự như hàng tháng và bạn đang cảm thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Nếu bạn đang cố gắng để mang thai, vài tuần tới sẽ là thời điểm rất quan trọng để bạn có thể tập trung cải thiện khả năng thụ thai của mình.
Bạn có thể theo dõi biểu đồ chu kỳ của mình để xác định thời điểm rụng trứng, từ đó có thể tính toán thời gian quan hệ để tăng khả năng thụ thai. Một chu kỳ trung bình là 28 ngày, bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh, và sự rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày thứ 14. Tuy nhiên điều này là không giống nhau cho tất cả mọi người, một số phụ nữ sẽ có chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn. Vì vậy bạn hãy linh động, tùy thuộc vào chu kỳ kinh của mình để tính toán ngày rụng trứng nhằm tăng khả năng thụ thai. Bạn nên quan hệ vào khoảng thời gian 72 tiếng trước và 24 tiếng sau khi rụng trứng, vì tinh trùng có thể sống đến 72 tiếng sau khi được phóng ra khỏi cơ thể và trứng sống không hơn 24 tiếng sau khi rụng.
Vài điều bạn cần biết về sự rụng trứng: 
+ Một trứng sống được 12-24 giờ sau khi rụng. 
+ Thường chỉ một trứng rụng vào mỗi chu kỳ rụng trứng. 
+ Sự rụng trứng có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng, bệnh tật, hay bất cứ sự thay đổi nào. 
+ Một số phụ nữ có thể thấy những đốm nhạt màu trong giai đoạn rụng trứng.
Nguồn: ebe.vn