Hãy học cách thư giãn khi cơ thể và tâm trí bạn cần nghỉ ngơi. Có thể bạn sẽ cảm thấy khá mệt mỏi trong tháng đầu tiên của thai kỳ và có khá nhiều cảm xúc. Nếu công việc của bạn khá căng thẳng, bạn còn phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề của gia đình, điều này sẽ làm bạn cảm thấy kiệt sức vào cuối tháng đầu tiên. Trong khi chờ những vấn đề rắc rối sẽ qua theo thời gian, bạn cần lập cho mình chiến thuật hiệu quả để vượt qua mọi căng thẳng và khó chịu về thể chất. Những điều này bạn sẽ phải đối mặt trong hai tam cá nguyệt tiếp theo, và khi bước vào vai trò mới đầy quan trọng - một người mẹ.
Ảnh: Getty Images
Tự chăm sóc bản thân khi mang thai là một điều rất quan trọng nhưng có khá nhiều bà mẹ tương lại không lưu tâm đến điều này. Khi phải đối mặt với những căng thẳng, hãy cố quên đi những lo lắng và thay đổi thói quen để giảm bớt những áp lực. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, hãy chuẩn bị sẵn những thức ăn tốt cho sức khỏe và đồ ăn nhẹ, chia thành nhiều phần nhỏ để có thể nạp năng lượng bất cứ lúc nào. Hãy ngâm mình thư giãn trong bồn nước ấm thay vì quay cuồng với công việc nhà. Cuối cùng, hãy chia sẻ với các bà mẹ tương lai khác, thảo luận về những mối quan tâm và gặp gỡ những người cùng chí hướng là cách tốt để giải tỏa những lo âu. Họ có thể sẽ cho bạn những lời động viên quý giá để bạn có thể vượt qua giai đoạn cam go này.
Chăm sóc y tế
Giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai có thể mang lại những thay đổi đáng ngạc nhiên. Và nếu đây là đứa con đầu lòng của bạn thì chắc hẳn bạn sẽ bắt đầu lo lắng về tất cả mọi thứ hay bất cứ điều gì. Những lo ngại về sự phát triển của thai nhi, về những đe dọa sẩy thai làm cho nhiều phụ nữ luôn luôn căng thẳng. Để tránh những lo lắng không cần thiết, bà mẹ tương lai nên tìm hiểu về những thay đổi sẽ diễn ra trong ba tháng đầu tiên.
Những dấu hiệu như đau quặn hay có áp lực lên bụng sẽ không có gì phải lo lắng, đó là do dây chằng của bạn đang dãn ra. Việc chảy máu nhẹ cũng là dấu hiệu của việc thụ thai đang diễn ra. Tuy đây là những dấu hiệu phổ biến, nhưng cũng rất tốt nếu bạn để ý đến tất cả các triệu chứng mang thai của tháng đầu tiên và nói với bác sĩ của mình.
Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng như đau bụng dữ dội hay chảy máu rất nhiều, cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Ví dụ như đau bụng dữ dội kết hợp với buồn nôn hoặc nôn, chảy máu hoặc bị phù đột ngột là dấu hiệu bất thường. Tiêu chảy kéo dài, ngất xỉu, tầm nhìn xáo trộn và sốt trên 38˚C là những dấu hiệu cần quan tâm. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ những triệu chứng này.
Chọn dịch vụ y tế và đặt lịch khám thai. Để chuẩn bị, bạn hãy ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối (để có thể xác định ngày dự sinh) và bắt đầu lập danh sách bất cứ câu hỏi nào nảy ra trong đầu. Cũng hãy nói chuyện với người thân, họ hàng ở cả hai bên gia đình để biết được về tiền sử bệnh, vì bác sĩ sẽ muốn biết liệu trong gia đình bạn có bị bệnh mãn tính hoặc bất thường di truyền nào hay không đấy.
Lời khuyên cho ba của bé
Cũng như các bà mẹ tương lai, các ông bố tương lai ngay từ những ngày đầu của thời kỳ mang thai cũng cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Hãy làm tất cả những gì có thể để giúp người bạn đời của mình được an ủi và quẳng gánh lo đi. Người bố tương lai cần phải mạnh mẽ, kiên nhẫn và thông cảm ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Hãy giúp cô ấy thoát khỏi stress, giúp cô ấy hít thở sâu và điều chỉnh những cường độ công việc hàng ngày cho hợp lý. Hãy tìm hiểu về những gì sẽ xảy ra từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tìm kiếm thông tin từ các chuyên gia. Chắc chắn rằng bạn sẽ chuẩn bị đầy đủ kiến thức về quá trình mang thai để có thể giải tỏa những lo lắng của cô ấy.
Nguồn: ebe.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét