Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Những điều thú vị về thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ

Thai nhi uống và sau đó đi tiểu ra nước ối, sự bài tiết này đều đặn mỗi 3 tiếng một lần. Vì thế, bạn cần uống đủ nước để thai nhi phát triển tốt.

Những điều thú vị về thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ 1

Tới tuần 27, thai nhi mở to mắt, phân biệt ánh sáng với bóng tối cho dù sau khi sinh, bé chỉ nhìn được những vật cách 15cm.
  • Tuần 28-32, bé có thể tăng khoảng 500g mỗi tuần. Đó là lý do giải thích vì sao bạn đột nhiên thấy quần áo bầu chật chội từ giai đoạn này.
  • Nhiệt độ nước ối khoảng 37,5ºC, ấm hơn một chút so với thân nhiệt, giúp bé ấm áp trong khi các mô mỡ dần hình thành.
  • Đến tuần 35, hầu hết các bé ở nguyên một vị trí cho đến khi chào đời.
  • Bởi vì môi trường trong bụng mẹ không có mùi nên bé chưa thể ngửi thấy gì. Tuy nhiên, khứu giác phát triển ở tuần 32.
  • Từ tuần 32 đến tuần 35, bé có thể tăng 250g mỗi tuần. Bộ não phát triển nhanh đến mức chu vi vòng đầu của bé tăng khoảng 2,5cm mỗi tuần tại thời điểm này.
  • Phổi cũng phát triển rất nhanh, bé sinh ở tuần thứ 34 thì cần hỗ trợ thở nhưng nếu chào đời ở tuần 36, bé có thể tự thở tốt.
Những điều thú vị về thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ 2
  • 2,46kg là trọng lượng trung bình ở tuần thứ 35. Đừng ngạc nhiên vì mẹ thấy đau lưng.
  • Bào thai được bao phủ một lớp chất nhầy, giúp bé trơn và tuột ra ngoài dễ dàng khi sinh thường.
  • Chụp não cho thấy, bé có giai đoạn ngủ lơ mơ (REM) từ tháng thứ 8.
  • Từ tuần 35, thính giác hoàn thiện. Do đó, hãy trò chuyện thường xuyên hơn với bé.
  • Trong những tuần cuối cùng, hệ tiêu hóa của bé chứa đầy meconium (chất màu xanh đen, do các tế bào chết, lông tơ và chất bài tiết trong ruột, gan của bé). Đây cũng là kiểu phân đầu tiên sau khi bé chào đời.
  • Hệ xương vững chắc, trong khi xương sọ khá mềm và linh hoạt, giúp bé ra ngoài qua đường sinh thường.
  • Bé có 99% là cơ hội sống sót nếu chào đời ở tuần 35.
  • Ở tuần 36, phần lớn bé lọt đầu xuống xương chậu mẹ.
  • Bào thai hoàn thiện ở tuần 37, hệ tim và hô hấp trưởng thành đủ để bé thích ứng với thế giới bên ngoài.
  • Ở tuần 40, nhau thai có chiều rộng như một chiếc đĩa lớn, dày 2-3cm và nặng 650g.
  • Cuối thai kỳ, tử cung của mẹ rộng hơn 500-1000 lần kích thước trung bình.
  • Chỉ 5% bé chào đời đúng ngày sinh dự kiến.
Nguồn: afamily

Lịch khám thai

Dưới đây là lịch khám thai theo từng tuần kể từ khi mẹ phát hiện trễ kinh, các xét nghiệm và tầm soát nhằm giúp mẹ dễ theo dõi lịch trình khám thai của mình.

Xét nghiệm

LẦN ĐẦU
Nước tiểu 10 thông số
Máu: BW, HBsHg, HIV, đường huyết, huyết đồ, nhóm máu… và các xét nghiệm khác theo yêu cầu của bác sĩ.
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ với các đối tượng nguy cơ cao.
Siêu âm xác định tình trạng thai : Vị trí thai, xác định tuổi thai, đo độ mờ da gáy (thai 11-12 tuần) , hình thái học thai (13 tuần- 14 tuần).
Nếu Da gáy dầy ≥ 3mm thì làm Double test – Sinh thiết gai nhau

NHỮNG LẦN KHÁM THAI SAU

Từ 15 tuần – 18 tuần :Triple test
Kết quả Triple test nguy cơ cao: Tham vấn chọc ối lm FISH, nhiễm sắc đồ.
Nếu thai có bất thường nhiễm sắc thể: Chấm dứt thai kỳ.
Từ 20-22 tuần: Siêu âm 4D.
Chủng ngừa VAT nếu siêu âm 4D bình thường (Lịch chủng theo qui định ).
Tuần 28 – 30: Tầm soát đái tháo đường thai kỳ với test 75g đường, siêu âm thai.
Tuần 28-34 : Siêu âm Doppler màu nếu thai kỳ nguy cơ cao : mẹ có bệnh lý cao HA, tim, tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng, thiểu ối, đa ối…
Lập sổ theo dõi các thai kỳ có vết mổ cũ.
Tháng cuối: Khám thai mỗi tuần – Đo NST nếu thai kỳ nguy cơ cao. Siêu âm lần cuối trước dự sanh 1 tuần.

lịch khám thai
Nguồn: ebe.vn

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Mang thai, lên bao nhiêu cân là đủ?

Mỗi người phụ nữ là một cá thể riêng biệt và duy nhất. Các yếu tố gen, giới tính, tuổi tác, môi trường, chế độ ăn uống, nghề nghiệp, lối sống cũng như đặc điểm hệ tiêu hóa của mỗi người đều có tác động đến cân nặng của người đó trong suốt cuộc đời. 

Thông thường, một người phụ nữ chỉ nên tăng 10-15 kg trong suốt 40 tuần của thai kỳ. Trong trường hợp mang đa thai hoặc có các biến chứng thai kỳ thì có thể sẽ tăng hơn. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều bà bầu sẽ tăng cân nhẹ, nhưng cũng có người bị sụt cân. Ốm nghén cộng với việc thay đổi trong khẩu phần ăn có thể sẽ làm sụt một vài kg. Tuy nhiên, 2 tam cá nguyệt tiếp theo, hầu hết các bà bầu đều dần dần lấy lại cân nặng ban đầu và bắt đầu tăng cân.

mang thai lên bao nhiêu cân là đủ

Ăn cho hai người???
Quan niệm cho rằng bà bầu cần ăn cho hai người hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào cả. Trên thực tế, việc tăng gấp đôi khẩu phần ăn và lượng thực phẩm vào cơ thể không những không cần thiết mà còn gây những rắc rối cho cả mẹ và con. Thay vì chú trọng tăng lượng thức ăn, hãy quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng vào cơ thể

Hầu hết các bà bầu chỉ cần tăng khoảng 10% lượng calorie nạp vào cơ thể. Điều này có nghĩa là mẹ phải bổ sung 420 calorie/ngày (tương đương với 1 cốc sữa gầy) trong tam cá nguyệt đầu tiên ; 1050 calorie/ngày (tương đương với một chút các loại hạt khô và vài lát hoa quả) trong tam cá nguyệt thứ 2; 1255 calorie/ngày (tương đương với vài loại quả và 1 lát bánh mì) trong tam cá nguyệt thứ 3.

Tại sao lại tăng cân?
Tăng cân trong thai kỳ có thể được đánh giá thông qua hai việc: bản thân người mẹ tăng bao nhiêu kg và con tăng bao nhiêu kg. Một bà bầu có thể coi là tăng cân bình thường nếu cơ thể tăng thêm khoảng 3kg trong thời gian mang bầu, tập trung vào phần bắp đùi, hông, mông và cánh tay, là hình thức dự trữ năng lượng cho việc cho con bú sau này.

Cơ thể người mẹ tăng cân trong khi mang thai do:

  • Tăng tuần hoàn máu
  • Tăng cường trữ nước và các chất lỏng nói chung
  • Tăng trọng lượng bầu ngực
  • Tăng kích thước tử cung
  • Xuất hiện túi nước ối và nhau thai
  • Em bé (nặng trung bình khoảng 3.5kg khi mới sinh)

Trong thời kỳ đầu mang thai, nguyên nhân dẫn đến tăng cân chủ yếu là do những thay đổi bên trong cơ thể người mẹ. Cơ thể phải tạo ra nhiều máu để nuôi dưỡng bào thai, cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng để bào thai có thể phát triển bình thường.

Hầu hêt các bà đỡ hay bác sĩ thường theo dõi cân nặng của bà bầu rất cẩn thận vì việc cân nặng của mẹ tăng giảm hay thay đổi là bình thường  nhưng nếu thay đổi quá đột ngột cũng có thể là nguyên nhân của một vài biến chứng thai nghén. Nhiều bà bầu tự kiểm soát cân nặng của mình bằng cách lập bảng theo dõi cân nặng của mình vào một thời điểm nhất định trong ngày. Tốt nhất là nên tăng cân một cách từ từ và ổn định.

Bạn nên đến bác sĩ kiểm tra nếu tăng quá 1.5kg/tuần trong tam cá nguyệt thứ hai, hoặc quá 900gr/tuần trong tam cá nguyệt thứ 3.

Mức tăng cân lý tưởng trong suốt thai kỳ sẽ là:

  • Tam cá nguyệt đầu tiên: 900gr – 1.8kg
  • Tam Cá nguyệt thứ hai: 500gr/ tuần, tương đương với 5-6kg trong 3 tháng
  • Tam cá nguyệt thứ ba: Khoảng 500gr/ tuần, tương đương với 3-5kg trong 3 tháng
  • Chỉ số BMI là gì?
  • Một số bác sĩ hay bà đỡ sẽ dùng chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) làm tiêu chí đánh giá mức tăng cân lí tưởng. BMI được đo bằng công thức Trong lượng cơ thể/bình phương chiều cao (tính bằng m). Chỉ số BMI khỏe mạnh là từ 18.5-26. Bà bầu có chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp cần phải được tư vấn về chế độ ăn hàng ngày để cải thiện tình hình.

Mất bao lâu để giảm cân?
Rất nhiều chuyên gia đồng ý rằng nếu mất 9 tháng để tăng cân thì cũng cần từng ấy thời gian để giảm cân. Tuy nhiên, trên thực tế thì có rất nhiều bà mẹ giảm cân rất nhanh và lại trở về hình dáng thon gọn ban đầu chỉ trong vài tuần sau sinh trong khi có những người phải mất nhiều thời gian hơn.

Nguyên tắc giảm cân trước và sau sinh đều giống nhau, đó là ăn vào càng nhiều thì càng phải hoạt động nhiều để tiêu hao năng lượng. Cần phải chú ý đến khẩu phần ăn và tập thể dục hàng ngày để tiêu hao phần cân nặng dư thừa.

Có nên ăn kiêng?
Thời gian mang thai không phải là thời điểm lí tưởng để ăn kiêng. Việc hạn chế lượng calorie vào cơ thể mẹ sẽ dẫn đến thiếu/suy dinh dưỡng cho thai nhi, và tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con. Việc mẹ ăn kiêng trong thời gian mang thai cũng làm tăng nguy cơ tử vong hoặc nhẹ cân của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc giảm cân quá nhanh sau sinh cũng ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa và mất nguồn năng lượng cần cho cơ thể.

  • Hậu quả của tăng cân quá ít trong thai kỳ
  • Sinh trẻ thiếu cân
  • Sinh non
  • Ảnh hưởng quá trình tiết sữa và không đủ sữa cho con bú
  • Một  chu kỳ kinh nguyệt bình thường phụ thuộc vào  tỉ lệ tương xứng giữa lượng mỡ và cơ trong cơ thể, cũng như lượng thức ăn hợp lý hàng ngày. Do đó, chỉ số BMI quá thấp hoặc quá nhẹ cân cũng gây sẩy thai. 
  • Hậu quả của tăng cân quá nhiều khi mang thai
  • Khó sinh
  • Sinh con quá to
  • Trẻ nặng cân dễ có vấn đề tiểu đường
  • Trĩ, rạn bụng, các vấn đề với vùng xương chậu, són đái
  • Khó chịu và nóng hơn những bà bầu khác
  • Đau lưng, đau chân, phù chân và khó khăn trong đi lại
  • Tăng huyết áp và nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai nghén
  • Chèn ép lên các bộ phận khác như tim, gan và thận
  • Nguy cơ kháng insulin và tiểu đường cấp độ 2
  • Khi mang thai, tốt nhất hãy quan tâm đến chất lượng của thức ăn, chứ không phải số lượng thức ăn. Mẹ chính là nguồn cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cho con khi con còn trong bào thai, vì vậy hãy cung cấp cho con đủ dinh dưỡng thiết yếu cho quá trình phát triển của con.

Hãy lắng nghe cơ thể mình và dừng lại khi cảm thấy đủ.
Hãy nghĩ rằng cơn đói đã được thỏa mãn và bạn không cần phải ăn thêm quá nhiều nữa. Tránh không bỏ bữa, đừng để cơ thể rơi vào trạng thái đói ngấu nghiến, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và mất năng lượng.

Biến chứng thai kỳ

Đa số bà bầu trải qua thai kì không gặp tai biến gì. Nhưng một số phụ nữ khác thì không may mắn như vậy. Biến chứng có thể xảy ra trong bất kì giai đoạn nào của thai kì và có ảnh hưởng nghiêm trọng ở các mức độ khác nhau đến sức khoẻ và cơ thể của thai phụ và thai nhi. Nếu được kiểm soát tốt, những nguy cơ này có thể giảm đi.
Nếu bạn gặp phải biến chứng thai kì ở các lần trước, hoặc gia đình bạn có tiền sử biến chứng khi mang thai, v.v… thì bạn có sẽ có nguy cơ mắc phải biến chứng cao hơn.

biến chứng thai kỳ
Ảnh minh họa
Biến chứng thai kì giai đoạn sớm

Thai ngoài tử cung
Biến chứng này xảy ra khi trứng thụ thai làm tổ ở ngoài tử cung. Khả năng xảy ra thường khoảng 1/200. Nếu đã từng bị thai ngoài tử cung trước đây hoặc từng phẫu thuật vòi trứng, xác suất này sẽ cao hơn. Đây là biến chứng bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để lấy phôi thai và nếu không phát hiện kịp thời có thể sẽ phải mổ cấp cứu nếu thai làm tổ ở vòi trứng gây bể vòi trứng.

Sẩy thai

Sẩy thai là biến chứng thai kì thường gặp nhất chiếm tần suất khoảng 15% thai kì giai đoạn sớm. Nguyên nhân sẩy thai thường do có sự gián đoạn trong quá trình phát triển nhiễm sắc thể của phôi ở giai đoạn rất sớm sau khi thụ thai, làm cho phôi thai không tương thích được với cuộc sống. Đa số phụ nữ đều có thể thụ thai lại và có một thai kì khoẻ mạnh sau lần sẩy thai trước đó. Bạn có thể tham khảo thêm website của nhóm SANDS là một nhóm hỗ trợ cho những người phụ nữ có tiền sử sẩy thai.

Nghén
Nghén là biến chứng thường gặp do buồn nôn và nôn. Nôn là triệu chứng rất thường gặp trong 3 tháng đầu thai kì, xảy ra với tần suất 1:200. Tình trạng này cũng thường gặp ở phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, mẹ mang thai lần đầu, phụ nữ có mẹ khi mang thai cũng bị nghén hoặc những phụ nữ mang đa thai. Khi gặp tình trạng này, có thể điều trị bằng thuốc uống nhưng nếu nôn ói quá nhiều có thể dẫn đến mất nước, phải nhập viện và truyền dịch.

Biến chứng giữa thai kì

Hở eo cổ tử cung
Xảy ra khi cổ tử cung không thể đóng kín. Thay vì cổ tử cung phải đóng và được bít kín lại bằng một nút nhầy khá đặc thì cổ tử cung lại ngắn và dãn. Tình huống này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc vỡ màng ối sớm. Một trong các cách xử trí là khâu lại cổ tử cung trong thai kì. Một vài tuần trước ngày dự sinh, phần chỉ khâu sẽ được gỡ bỏ.

Thiếu máu
Có thể gặp trong suốt thai kì do thiếu huyết sắc tố. Tình trạng tích nước ở bà bầu có thể làm máu bị pha loãng, khiến cho tỉ lệ huyết sắc tố trong máu bị giảm. Do huyết sắc tố giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đến thai nhi, các bà bầu nên làm xét nghiệm máu định kì để kiểm tra nồng độ huyết sắc tố. Có nhiều cách xử trí từ đơn giản nhất là bổ sung sắt trong thức ăn hoặc trực tiếp bằng cách uống viên sắt, cho đến phức tạp hơn là truyền máu.

Bất tương đồng nhóm máu ABO
Tình trạng này có thể xảy ra ở thai nhi có nhóm máu A, B hoặc AB trong khi mẹ mang nhóm O. Nguyên nhân là do hồng cầu của thai nhi khi đi vào vòng tuần hoàn của mẹ, cơ thể mẹ sẽ xem như là vật thể lạ xâm nhập nên tự tạo ra kháng thể tấn công hồng cầu của thai nhi. Điều trị thích hợp bằng liệu pháp ánh sáng cho bé bị vàng da khi sinh hoặc truyền máu nếu nặng hơn.

Nhau tiền đạo
Nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai nằm khá thấp trong tử cung, che chắn một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung, thường gây chảy máu và có thể cản trở lối ra của thai nhi khi sinh. Có thể phải sinh mổ tuỳ thuộc mức độ nhau tiền đạo.

Chậm tăng trưởng trong tử cung
Tần suất xảy ra khoảng 10% thai kì. Khả năng gặp cao hơn ở các trường hợp sinh con đầu lòng, hoặc mẹ lớn tuổi mang thai hoặc bà mẹ có hơn 4 con trước đó. Kích thước thai nhi được ước lượng khi thăm khám bụng bằng tay, nếu có nghi ngờ, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đề nghị thêm siêu âm cho bạn. Siêu âm sẽ giúp ước lượng chính xác kích thước thai nhi khi so sánh với tuổi thai và biểu đồ tăng trưởng bình thường.

Sinh non
Sinh non xuất hiện trong khoảng 7% trường hợp mang thai. Thường gặp hơn ở phụ nữ mang thai từng bị biến chứng, có tiền sử sinh non trước đó, hút thuốc lá, uống rượu, lạm dụng thuốc hoặc có bệnh răng miệng. Nếu việc sinh nở không thể trì hoãn được khi em bé chưa trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định dùng steroids để giúp phổi thai phát triển hơn. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin ở website của National Premmie Foundation.

Biến chứng muộn trong thai kì

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Xảy ra ở tĩnh mạch chân, thỉnh thoảng có thể xảy ra ở tĩnh mạch chậu trong thai kì. Huyết khối là một cục máu đông, thường thấy ở phụ nữ thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử gia đình bị huyết khối hoặc phụ nữ mang thai ít vận động. Cục huyết khối này có thể di chuyển đến các mạch máu lớn ở tim và phổi gây tắc nghẽn. Biến chứng này có thể điều trị bằng thuốc kháng đông máu.

Tăng huyết áp
Có thể xảy ra trong suốt thai kì và là một trong các triệu chứng của tiền sản giật. Thường gặp hơn ở mẹ sinh con đầu lòng và mẹ có tiền sử gia đình tăng huyết áp. Huyết áp tăng khi mang thai có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu tới nhau thai và làm giảm lượng oxy cho em bé. Điều này lý giải vì sao luôn phải kiểm tra huyết áp trong quá trình mang thai.

Rhesus
Khi mẹ mang nhóm máu Rh (- ) có thai con lại mang nhóm máu Rh (+), cơ thể người mẹ sẽ sinh ra kháng thể tấn công hồng cầu thai nhi. Thường ít gặp ở lần mang thai đầu tiên nhưng có nguy cơ ở lần mang thai tiếp theo. Điều trị bằng cách tiêm Anti-D thường xuyên cho phụ nữ có Rh (-) sau khi sinh hoặc trong thai kì nếu cần thiết.

Đa ối(nhiều nước ối) – Thiểu ối(thiếu nước ối)
Lượng dịch bao quanh thai nhi có thể phản ánh tổng trạng chung và chức năng phổi-thận của thai nhi. Bụng to lên nhanh đột ngột hoặc da bụng căng bóng là một dấu hiệu báo động có thể có bất thường. Nên làm siêu âm để ước lượng chính xác lượng nước ối và phát hiện những bất thường liên quan.

Tiểu đường khi mang thai
Là một biến chứng xảy ra khoảng 1-3% ở phụ nữ mang thai. Nhau thai có thể tạo ra nội tiết tố làm thay đổi tác động của insulin trong cơ thể. Trường hợp nhẹ, tiểu đường thai kì có thể kiểm soát bằng chế độ ăn phù hợp, có khi cần chích thêm insulin. Tiểu đường thai kì có thể làm tăng khả năng bịcao huyết áp hoặc tiểu đường thật sự về sau.

Bong nhau thai
Đây là một trường hợp cấp cứu sản khoa khi mà nhau thai bong ra khỏi thành tử cung của mẹ làm cho thai nhi bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Mẹ sẽ cảm thấy đau bụng dù là không thấy chảy máu âm đạo, đặc biệt nếu có máu đông tạo thành giữa thành tử cung và nhau thai nơi bị bong ra. Ngoài ra, cũng có thể gặp trường hợp chảy máu âm đạo rất nhiều. Biến chứng này cần thiết phải mổ lấy thai cấp cứu.

Thai chết lưu
Có thể gặp ở bất kì giai đoạn nào của thai kì khi bà mẹ để ý thấy có thay đổi trong cơ thể hoặc em bé ngừng cử động. Cần làm siêu âm để chẩn đoán chắc chắn. Đôi khi không thể tìm ra nguyên nhân hay lý do rõ ràng giải thích vì sao thai tử vong trong tử cung, điều này cũng khiến cho ba mẹ và gia đình rất khó chấp nhận.

Ứ mật trong thai kì
Khi các men tiêu hoá, mật được tích tụ trong gan của bà mẹ mang thai thẩm thấu vào máu có thể dẫn đến chứng ứ mật thai kì. Tình trạng này có thể ảnh hưởng 1-2/1000 phụ nữ mang thai và xu hướng do di truyền. Triệu chứng thường gặp là rất ngứa, nhất là ở tay và chân. Nếu ngứa không thể chịu đựng được và không thể kiểm soát bằng các loại thuốc uống và kem thoa, bà bầu có thể phải sinh em bé sớm.

Đau dây chằng mu
Dây chằng mu ở bà bầu có xu hướng dãn ra do ảnh hưởng bởi các nội tiết tố thai kì và chúng không thể giữ khung xương chậu khớp chặt với nhau. Bà bầu có thể cảm thấy không thoải mái, đau khi đi lại, đứng lên và hoạt động thông thường. Sử dụng đai lưng hoặc vật lí trị liệu sẽ giúp giảm khó chịu. Bà bầu nên nghỉ ngơi và hạn chế vận động nặng.

Nên đến gặp bác sĩ hoặc gọi cấp cứu nếu bạn gặp các tình huống sau đây:
  • Chảy máu âm đạo bất kì lúc nào trong khi mang thai hoặc đột ngột ra nước ào ạt.
  • Đột ngột đau bụng hoặc đau vùng thượng vị(ở vị trí dạ dày).
  • Thai nhi chuyển động bất thường so với hằng ngày.
  • Ngứa hoặc rát da.
  • Cơ thể bị phù nhanh, nhất là các vùng tay, mắt cá và bàn chân.
  • Tăng cân đột ngột cho thấy cơ thể bạn đang tích nước lại rất nhiều, cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể có nguy cơ tiền sản giật.
  • Đau đầu dữ dội và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Cảm giác bất an.
  • Cảm giác hoa mắt, chóng mặt.
  • Cảm giác mờ mắt, ruồi bay trước mắt, chớp sáng hoặc tối mắt.
  • Nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 độ C.
  • Không ăn uống được, nôn ói liên tục. Tiểu ít là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất nước.
  • Tiểu đau, gắt buốt cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng tiểu.
Xét nghiệm nước tiểu mỗi lần khám thai định kì kiểm tra xem có đường hay đạm trong nước tiểu không giúp phát hiện sớm tình trạng tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kì. Nếu có bất thường, bạn sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm liên quan.

Theo huggies

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 40

<<tuần thứ 39

  Chỉ trong tuần này thôi, bác sĩ sẽ quyết định cho mẹ sinh bé ngay cả khi mẹ không tự chuyển dạ. Đã đến lúc bé phải dứt khoát từ giã không gian ấm áp nhưng đã chật chội trong bụng mẹ để cất tiếng khóc chào đời rồi.

Em bé của bạn phát triển như thế nào?

mang thai tuần thứ 40 (1)
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 40. Ảnh: Babycenter.

Em bé của mẹ giờ dài hơn 51cm một chút và vẫn tiếp tục lớn lên, có thể đã nặng gần 3.6kg. Dù không gian trong bụng mẹ rất ấm cúng nhưng bé không thể ở trong đó hoài được. Vì sự an toàn của bé, bác sĩ sẽ nói chuyện với mẹ về việc kích thích chuyển dạ nếu trong tuần sau bé vẫn chưa chịu ra đời – hoặc sớm hơn nếu có bất cứ vấn đề nào khác. Hầu hết các bác sĩ đều sẽ không để mẹ chờ đến hơn 2 tuần sau ngày dự sinh, vì như thế sẽ khiến cho cả mẹ và con đều tăng nguy cơ gặp biến chứng. Khoảng 5-6% phụ nữ mang thai kéo dài hơn 3 tuần trở lên so với ngày dự sinh. Trẻ sinh ra ở tuần 42 hoặc sau đó có thể bị da khô như giấy, và thường thừa cân. Chờ đợi lâu hơn cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng trong tử cung, gây nguy hiểm cho bé hoặc gây thai chết lưu. Thêm nữa, khi việc sinh nở kéo dài hoặc bị đình trệ lại, cả mẹ và bé đều có nguy cơ bị chấn thương trong quá trình sinh, và khi đó bắt buộc phải dùng cách mổ lấy thai.

Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?

  • Thật khó để không lo lắng khi ngày dự sinh đã đến và đi, và mẹ vẫn còn cái bụng to đùng (đặc biệt khi gia đình và mẹ bè có ý tốt cứ gọi điện hoài để hỏi tình trạng của mẹ!) Nhưng đừng băn khoăn – mẹ sẽ không thể mang thai mãi được. Có khả năng mẹ sẽ tự chuyển dạ trong tuần này, và nếu không, mẹ sẽ được kích để vào tuần 42, hoặc sớm hơn nếu có bất cứ vấn đề gì.
  • Phương pháp mà bác sĩ của mẹ dùng để kích thích sinh sẽ tùy thuộc vào tình trạng cổ tử cung của mẹ. Nếu cổ tử cung của mẹ vẫn chưa mềm, mờ hoặc mở, tức là nó chưa sẵn sàng. Trong trường hợp đó, bác sĩ của mẹ sẽ hoặc là dùng hormone, hoặc là dùng phương pháp "cơ khí" để giúp cổ tử cung của mẹ sẵn sàng trước khi kích thích sinh. Đôi khi những biện pháp này cũng sẽ khiến cho quá trình chuyển dạ của mẹ bắt đầu liền. Tùy thuộc vào tình hình mà các thủ tục có thể bao gồm tước màng, hoặc dùng các thuốc như oxytocin (Pitocin) để bắt đầu cơn co thắt. Nếu những phương pháp như trên không có kết quả, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ.
  • Trong lúc đó, hãy chắc chắn thông báo ngay với bác sĩ nếu những chuyển động của con mẹ chậm lại hoặc có nước ối rỉ ra từ âm đạo.

Thông tin cho mẹ: Hiểu thuật ngữ "đỡ đẻ" của bác sĩ

mang thai tuần thứ 40 (2)
Y bác sĩ sẽ dùng một số thuật ngữ để xác định tình trạng của mẹ đã sẵn sàng sinh con chưa. Ảnh: Inmagine

  • Trừ khi mẹ được chỉ định sinh mổ ngay từ trước khi chuyển dạ và bắt đầu ca sinh, bác sĩ và các y tá sẽ kiểm tra một số dấu hiệu cho biết mẹ đã sẵn sàng để lên bàn đẻ. Mẹ có thể sẽ nghe thấy họ nói những thuật ngữ chuyên môn. Và mẹ có muốn biết họ đang nói gì về tình trạng của mình không? Dưới đây là 3 trong số đó:
  • Độ mở cổ tử cung: Trong thai kỳ của bạn, cổ tử cung của bạn được chặn lại bởi một nút nhầy để ngăn vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào tử cung. Những cơn co thắt trước và trong quá trình chuyển dạ có tác dụng làm lỏng nút nhầy này (tạo nên một màn trình diễn máu me) và mở rộng cổ tử cung của bạn từ 0 đến 10 cm nhắm giúp bé con của bạn có thể qua được đường sinh.
  • Độ xóa (mờ) cổ tử cung: Tức việc mô cổ tử cung mỏng hoặc mềm đi, được đo bằng tỷ lệ phần trăm, trong đó 0% có nghĩa chưa xóa chút nào, và 100% có nghĩa đã xóa hoàn toàn. Một khi cổ tử cung của bạn đã xóa 100%, con bạn đã sẵn sàng được sinh ra.
  • Độ lọt của ngôi thai: Vị trí đầu của con so với các xương chậu của bạn, được tính từ -5 cho đến 5. Số 0 có nghĩa đầu của bé đã thẳng hàng với các xương chậu của bạn; số dương có nghĩa bé đang trượt xuống và đã chuẩn bị chui ra (số dương là tốt!).

Hoạt động cho mẹ tuần này.
Tiếp tục thư giãn và sẵn sàng sinh con. Đến tuần này, hầu như mẹ đã "tạm trú" ở bệnh viện phụ sản để chờ sinh rồi. Hãy cứ thư giãn và theo chỉ định của bác sĩ. Từ giờ đến lúc mẹ được gặp con chỉ còn tính bằng giờ nữa mà thôi.
Chúc bạn "mẹ tròn con vuông"!
Nguồn: webtretho

Mang thai tuần thứ 39

<<tuần thứ 38

Ngày dự sinh của mẹ đã cận kề, và mẹ đừng vội hoảng hốt khi thấy các bà mẹ mang thai cùng thời điểm với mẹ hình như đã đều đi sinh. Mẹ vẫn chưa được xem là sinh muộn đâu, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tình hình để đảm bảo "mẹ tròn con vuông". Hãy yên tâm nhé!

Em bé của bạn phát triển như thế nào?

Khó mà nói được chắc chắn bây giờ bé đã lớn đến chừng nào, nhưng một trẻ sơ sinh thường có cân nặng trung bình khoảng 3.4kg (một quả bí đỏ) và dài khoảng 51cm. Xương sọ của bé chưa khít lại, cho phép chúng chờm lên nhau một chút để có thể chui lọt qua đường sinh. Hiện tượng thóp trẻ sơ sinh có thể thu hẹp chính là lý do vì sao phần đỉnh đầu của bé mới sinh ra trông hơi giống cái chóp. Hãy yên tâm – tình trạng này là bình thường và chỉ tạm thời thôi.

mang thai tuần thứ 39 (1)
Ảnh: Babycenter.

Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?
  • Sau nhiều tháng hồi hộp, ngày dự sinh của mẹ đã cận kề, và mẹ… vẫn đang mang bầu. Việc này quả thật là dễ nản và bực bội. Mẹ có thể không phải đã muộn như mẹ nghĩ đâu, đặc biệt nếu mẹ chỉ đang dựa trên ngày dự sinh tính từ ngày cuối cùng của chu kỳ, bởi vì đôi khi người phụ nữ rụng trứng muộn hơn dự kiến. Kể cả với ngày dự sinh được tính đáng tin cậy thì cũng có những phụ nữ mang thai kéo dài hơn mà không có lý do rõ ràng.
  • Mẹ vẫn còn vài tuần nữa trước khi “bị coi” là sinh muộn. Nhưng để chắc chắn rằng bé vẫn khỏe mạnh, bác sĩ sẽ làm vài thử nghiệm để kiểm tra và để quyết định xem có nên để mẹ tiếp tục thai kỳ hay không.
  • Mẹ có thể được làm một loạt các xét nghiệm, trong đó bao gồm một siêu âm xem các chuyển động tổng thể của bé, cử động hít thở (chuyển động của các cơ ngực và cơ hoành), trương lực cơ (bé đóng, mở bàn tay hoặc duỗi và gập chân tay lại) cũng như lượng nước ối bao quanh bé (chi tiết này quan trọng vì nó phản ánh nhau thai đang hỗ trợ bé tốt thế nào). Theo dõi nhịp tim thai sẽ được thực hiện – có thể thực hiện riêng lẻ hoặc cùng với các xét nghiệm kể trên.
  • Nếu xét nghiệm bào thai không tốt lắm – chẳng hạn như mức nước ối quá thấp – mẹ sẽ được gây chuyển dạ. Nếu là vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, mẹ có thể được mổ lấy thai ngay lập tức.
  • Bác sĩ của mẹ cũng sẽ kiểm tra cổ tử cung của mẹ xem nó đã sẵn sàng hay chưa. Vị trí của nó, độ mềm, mỏng và giãn nở của nó đều có thể ảnh hưởng đến việc quá trình chuyển dạ của mẹ sẽ được kích thích như thế nào và vào lúc nào. Nếu tự cơ thể mẹ không bắt đầu quá trình chuyển dạ, mẹ sẽ được bác sĩ tác động, thường vào khoảng giữa tuần 41 và 42.
3 câu hỏi về ... giục sinh

Câu hỏi 1: Giục sinh là gì?
Nếu quá trình chuyển dạ của mẹ không tự bắt đầu, bác sĩ sẽ có thể dùng một số thuốc và kỹ thuật nhất định để giúp bắt đầu hoặc “tạo ra” những cơn co thắt. Bác sĩ sẽ làm điều này khi những rủi ro của việc kéo dài thời gian mang thai cao hơn so với nhữn rủi ro do việc giục sinh đem lại. Hầu hết bác sĩ sẽ giục chuyển dạ nếu mẹ vẫn mang thai sau 1-2 tuần sau ngày dự sinh. Việc này là vì nhau thai của mẹ đã có thể trở nên kém hiệu quả trong việc cung cấp chất dinh dưỡng vào khoảng tuần thứ 42, và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác có nhiều khả năng xảy ra sau khi quá ngày dự sinh của mẹ.

mang thai tuần thứ 39 (2)
Bác sĩ sẽ theo sát tình hình của mẹ và thai nhi để có quyết định giục sinh nếu cần thiết. Ảnh: Inmagine.

Câu hỏi 2: Quá trình giục sinh thực hiện thế nào?
  • Có nhiều phương pháp khác nhau, bác sĩ của mẹ sẽ có thể sử dụng một trong số đó tùy theo tình trạng của mẹ – dựa vào tình trạng cổ tử cung của mẹ (đã chín hay chưa) và tính khẩn cấp của việc giục sinh.
  • Thông thường, nếu mẹ cần giục sinh nhưng cổ tử cung của mẹ vẫn chưa giãn hoặc mỏng ra, mẹ sẽ được cho nhập viện và người chăm sóc mẹ sẽ bắt đầu giục sinh bằng cách tiêm thuốc có chứa prostaglandins vào trong âm đạo của mẹ. Thuốc này sẽ giúp làm chín cổ tử cung và cũng có thể kích thích sự co bóp đủ để bắt đầu chuyển dạ.
  • Nếu prostaglandins không làm cho mẹ chuyển dạ, bác sĩ sẽ tiêm cho mẹ một loại thuốc gọi là Pitocin (hay còn gọi là oxytocin). Thuốc này được truyền qua IV và được dùng để bắt đầu quá trình chuyển dạ hoặc tăng cường sự co bóp. (Nếu cổ tử cung của mẹ đã chín, bác sĩ sẽ bắt đầu ngay với Pitocin.)
Câu hỏi 3: Có phương pháp kích thích chuyển dạ nào mà tôi có thể tự thử được không?
  • Không có kỹ thuật nào tự mình làm được chứng minh là hiệu quả và an toàn, do đó mẹ đừng thử bất cứ điều gì mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là tin sốt dẻo về một số phương pháp mà mẹ có thể đã nghe nói đến:
  • Quan hệ tình dục: Tinh dịch có chứa prostaglandins và việc đạt cực khoái có thể kích thích tạo ra một số cơn co thắt. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng quan hệ tình dục có thể làm giảm sự cần thiết phải kích thích chuyển dạ, nhưng một số khác cho thấy việc này không có tác dụng gì đối với việc thúc đẩy chuyển dạ cả.
  • Kích thích núm vú: Kích thích núm vú giải phóng oxytocin, và có thể giúp bắt đầu quá trình chuyển dạ, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Bởi vì nó có thể kích thích quá đà tử cung của mẹ, các cơn co thắt và phản ứng của em bé của mẹ cần được theo dõi qua máy nên đừng thử phương pháp này tại nhà.
  • Dầu thầu dầu là một loại thuốc nhuận tràng mạnh, và việc kích thích ruột của mẹ có thể gây ra một số cơn co thắt. Không có bằng chứng dứt khoát nào cho thấy nó giúp tạo ra chuyển dạ dù rất nhiều phụ nữ có thể chứng thực cho các hiệu ứng khó chịu của nó!
  • Các phương pháp thảo dược: Một loạt các loại thảo mộc được chào mời là có ích cho việc giục sinh. Một số rất nguy hiểm vì chúng có thể gây nên những cơn co thắt quá dài hoặc quá mạnh và có thể không an toàn cho em bé của mẹ cũng như nhiều nguyên nhân khác nữa. Với những loại khác, sự an toàn và hiệu quả vẫn chưa biết được.
Hoạt động cho mẹ tuần này
Thư giãn. Thuê vài bộ phim, đọc một cuốn tiểu thuyết, vài tạp chí, nghe một đĩa CD mới, ngủ hoặc chợp mắt bất cứ khi nào có thể. Theo chuyên gia tâm lý Diane Sanford, mẹ đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình mang thai và mẹ xứng đáng được có những khoảng thời gian tĩnh! Nếu mẹ cứ vận động hoài cho đến khi đi đẻ thì mẹ sẽ kiệt sức khi sinh con.

Nguồn: webtretho

Mang thai tuần thứ 38


Chúc mừng bạn đã đi đến tuần thứ 38 của thai kì. Mặc dù có thể bạn đã từng nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ đạt đến mốc này, thì giờ hãy coi đó như một sự khen ngợi dành cho mình. Bạn có thể cảm thấy quá mệt mỏi trong suốt thời kì thai nghén rồi và bây giờ bạn chỉ muốn nó kết thúc mà thôi. Bạn cảm thấy việc đi đứng, sinh hoạt càng ngày càng rất bất tiện và năng lượng của mình đi đâu hết mất. Rất là khó để tập trung lâu vào việc gì đó hoặc là đặt ra các kế hoạch cho em bé. Như thể là cuộc sống của bạn đang bị treo lơ lửng trong thời gian này.

Thời điểm này việc “làm ổ”, đứng, sinh hoạt càng ngày càng rất bất tiện và năng lượng của mình đi đâu hết mất. Rất là khó để tập trung lâu vào việc gì đó hoặc là đặt ra các kế hoạch cho em bé. Như thể là cuộc sống của bạn đang bị treo lơ lửng trong thời gian này.

Tuy nhiên, không phải bà bầu nào cũng coi cái mốc 38 tuần là lúc bắt đầu có thể yên tâm ngơi nghỉ. Một số người sẽ thấy điên đầu về việc dọn dẹp và nhìn thấy bụi bẩn ở mọi góc nhà. Không có phòng nào sạch khuẩn cả và để chuẩn bị một căn nhà sạch tinh tươm chào đón em bé là ưu tiên số một của họ. Các ông chồng có thể cảm thấy điều này có chút gì đó buồn cười. Nhưng hiện tượng “làm ổ” này rất phổ biến và cũng hoàn toàn dễ hiểu khi các bà mẹ muốn có một môi trường sạch và an toàn cho em bé.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Bạn sẽ phải trải qua nhiều cơn co thắt Braxton Hicks, vốn giúp thúc đẩy lưu thông máu đã được oxi hóa vào tử cung và bé. Đôi khi những cơn co bóp này rất mạnh nhưng bạn cũng không cần phải bận tậm trừ khi bạn cảm thấy đau. Nếu thấy khó chịu, bạn có thể tắm nước ấm hoặc thay đổi tư thế, sẽ dễ chịu hơn nhiều.
  • Nếu bé đã chúi xuống khung chậu của bạn thì hình dạng cơ thể bạn sẽ thay đổi và mọi người thường trêu là bạn “đã tụt”. Mặc dù điều này làm cho bạn dễ thở hơn nhưng áp lực lên bàng quang của bạn sẽ lớn hơn. Nhà vệ sinh sẽ là nơi mà bạn viếng thăm nhiều nhất. Hãy tin tưởng rằng mọi thứ đang tiến triển tốt.
  • Nếu nước ối của bạn rỉ ra từ âm đạo, những cơn co bóp đến khoảng 15 phút một lần, hoặc là những cơn đau lưng dồn liên tiếp, hãy nói chuyện với y tá hoặc bác sĩ. Tất cả đều có thể là triệu chứng của một cơn đau đẻ thật sự.
  • Bạn sẽ cảm thấy nặng nề và tắc nghẽn ở khung xương chậu. Nếu bạn đã từng có em bé trước đây, bạn sẽ cảm thấy cơ thể bạn không thể giữ được em bé nữa đặc biệt là khi bạn đứng. Các cơ xương chậu đang phải làm việc hết sức mình để giữ được trọng lượng tập trung của tử cung và giống như cái dây bị căng quá đà, nó vẫn chùng xuống ở những điểm quan trọng. Cố gắng ngồi khi có thể. Hãy tìm một chiếc ghế thoải mái, uống nước, đọc sách và nhớ để điện thoại bên cạnh. Bạn không cần phải giải thích với bất kì ai khi bạn đã ở tuần thứ 38, đây là một trò chơi chờ đợi.
  • Vùng da bụng bị kéo dãn và căng như một cái trống. Rốn của bạn trông như thể nó bị bục ra ngoài và vết rạn da của bạn sẽ có màu tím hoặc màu đỏ đậm. Bạn có cảm giác da bụng của bạn không thể căng hơn được nữa nhưng không phải thế. Nếu bạn vòng tay xung quanh xuống dưới bụng bầu, các ngón tay của bạn thậm chí còn không chạm được vào nhau.
Thay đổi tâm lý
  • Bạn sẽ cảm thấy ruột gan nóng như lửa đốt. Bạn đã mong chờ đến thời điểm này từ rất lâu rồi và nếu vẫn chưa có gì xảy ra, bạn có thể cảm thấy hơi thất vọng. Gia đình và bạn bè thân thiết sẽ thường xuyên hỏi thăm xem bạn đã đẻ chưa. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời cùng một câu hết lần này đến lần khác. Tốt hơn hết là bạn nhắn họ đừng sốt ruột, khi nào có tin mới bạn sẽ báo.
  • Bạn sẽ có một cảm xúc lẫn lộn mong chờ và háo hức, lo lắng và sốt ruột. Đây là một tuần của cảm xúc và nó có thể trở nên tồi tệ nếu bạn cảm thấy bạn không điều khiển được những gì đang xảy ra. Nếu bạn lo lắng bạn sẽ đối phó thế nào với cơn đau khi sinh con, hãy đọc tất cả những gì có thể về các cách giảm đau. Hãy nói với bác sĩ hoặc hộ sinh bạn muốn mọi việc diễn ra thế nào và lên kế hoạch đầy đủ cho việc sinh nở của mình.
Những thay đổi của em bé trong tuần này
  • Mặc dù có thể bạn cảm thấy mình đã mất hết cả kiên nhẫn, thì em bé cũng vẫn cứ ung dung như thường. Mặc dù trong bụng mẹ có ấm áp thế nào thì bé cũng sẽ phải ra ngoài sớm thôi chứ không thể ở lì trong đó được. Bé của bạn gập người một cách hoàn hảo trong tử cung đến nỗi mà sau khi sinh ra, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sao bé có thể nằm vừa khít trong cơ thể bạn. Những ngày ngay sau khi sinh, bé sẽ nằm và uốn người theo đúng tư thế ở trong bụng mẹ trong suốt thai kì.
  • Y tá hoặc bác sĩ sẽ hỏi bạn về những chuyển động của bé, bé có tích cực khua khoắng tay chân hay không, hỏi xem bạn có cảm nhận những thay đổi hoạt động của bé hay không. Họ thậm chí còn yêu cầu bạn ghi lại để mang tới khi đi khám thai. Bạn có thể phải làm CTG (ghi tim thai và cơn gò sản phụ), kiểm tra nhịp tim của bé cũng như các chuyển động trong tử cung. Việc làm này sẽ giúp bé được chăm sóc tốt hơn về sau.


Lời khuyên cho bạn
  • Đừng đợi đến phút cuối mới chuẩn bị đồ dùng để đi viện. Việc phải cố gắng tìm các vật dụng cần thiết vào những phút cuối này sẽ tạo ra quá nhiều áp lực không đáng có. Bạn chỉ cần mang ít đồ thôi vì nếu bạn sinh thường thì bạn phải ở lại bệnh viện nhiều nhất là 3 ngày. Hầu hết bà bầu đều mặc quần áo bình thường của họ chứ không mặc đồ ngủ, vì thế hãy chọn những bộ thoải mái, dễ mở ở phía trên nếu bạn định cho con bú.
  • Nếu bạn không định cho con bú, bạn cần chuẩn bị các vật dụng và công thức riêng. Hãy xác nhận lại với bệnh viện bạn cần sắp xếp những gì có thể để rửa và vệ sinh núm vú cao su cho con bạn.
  • Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi khi mang thai rồi và muốn được kích đẻ, hãy nói chuyện với bác sĩ. Lựa chọn này phụ thuộc vào từng người, tuy nhiên rất nhiều yếu tố cần được cân nhắc trước khi quyết định. Hãy lưu ý rằng đối với những trường hợp kích đẻ thì khả năng phải sử dụng đến dụng cụ sẽ cao hơn là chờ đến cơn đau đẻ tự nhiên.
Nếu bạn đã được chỉ định mổ đẻ thì bạn có thể sẽ được gặp bé vào cuối tuần 38 này.
Theo Huggies
Xem tiếp tuần thứ 39>>