Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Những cách bổ sung sắt trước khi mang thai

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy do tình trạng mất máu theo các kỳ kinh nguyệt. Trong thai kỳ, thiếu sắt gây thiếu máu và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi: Thai nhẹ cân; các kỹ năng ngôn ngữ và vận động ở tuổi đi học kém… Để đáp ứng đủ nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ cần dự trữ ít nhất 300mg.
Có 2 cách để các chị em bổ sung sắt trước khi mang thai là qua dinh dưỡng và qua viên (dung dịch) uống bổ sung.
Có thể bổ sung sắt qua viên uống. Ảnh minh họa: Getty Images
Bổ sung sắt bằng dinh dưỡng
Nếu bạn muốn thụ thai, dưới đây là các món ăn giàu sắt bạn không nên bỏ lỡ.
Thịt bò
Mỗi phần thịt bò chứa 2,5-3mg sắt. Sắt từ động vật được coi là heme-sắt (cơ thể dễ hấp thu hơn). Phần nạc của thịt bò thường giàu sắt hơn phần chứa gân hoặc chất béo. Vì thế, bạn nên loại bỏ gân – mỡ bò trước khi chế biến.
Ngũ cốc tăng cường sắt
Nếu bạn muốn một bữa ăn nhẹ giàu sắt, đừng bỏ qua những loại ngũ cốc được bổ sung sắt. Lượng sắt trong ngũ cốc khác nhau tùy nhãn hiệu nhưng một phần ngũ cốc chứa tới 21mg sắt. Ngoài ra, ngũ cốc bổ sung sắt thường có thêm canxi, axit folic, rất thích hợp ngay cả với những người chuẩn bị mang thai.
Khoai tây
Khoai tây không chứa chất béo, cholesterol; nhưng giàu kali, vitamin C và vitamin B6 - rất tốt cho người ăn kiêng. Một củ khoai tây cỡ vừa chứa 2,7mg sắt.
Mận sấy khô
100g mận sấy khô chứa 1,2mg sắt. Ngoài ra, mận khô (hay nước ép mận) còn giàu chất xơ, giúp phòng tránh táo bón – một chứng phiền toái khá phổ biến trong thai kỳ.
Súp nghêu
100g súp nghêu có tới 23mg sắt. Do đó, soup ngao được nấu chín kỹ là món an toàn và bổ dưỡng cho bà bầu.
Đỗ trắng
Đỗ đỏ, đỗ đen… đều rất giàu sắt nhưng đỗ trắng dồi dào sắt hơn cả. Nửa bát đỗ trắng chứa khoảng 4mg sắt. Ngoài ra, đỗ trắng còn giàu kali, giúp cân bằng các chất điện giải trong cơ thể.
Rau chân bịt (bina)
Một nửa bát rau bina nấu chín có 3,2mg sắt. Ngoài ra, rau bina còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích cho thai kỳ như axit folic, canxi, vitamin C, beta-carotene.
Hạt bí ngô
Nhân bên trong của hạt bí ngô rất dồi dào chất sắt (khoảng 4,2mg sắt trong một túi nhỏ hạt bí).
Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ chất sắt có trong thực phẩm dễ dàng hơn. Vì vậy, bạn nên uống nước cam để cơ thể dễ hấp thu sắt.

Protein có trong động vật cũng khiến cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt. Do đó, bạn nên ăn thịt, cá trong các bữa cơm hàng ngày.

Trà, cafe, coca và các loại đồ uống có gas có thể cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên hạn chế hoặc kiêng những loại đồ uống này.
Viên (hoặc dung dịch) bổ sung sắt
Trước khi muốn bổ sung sắt theo dạng viên hay dạng nước, bạn cần được sự tư vấn của bác sĩ.

Có 2 phương pháp chính: Sử dụng một tuần liên tục (trong nhiều tháng) hoặc bổ sung hàng ngày (mỗi đợt từ 2 đến 4 tháng). Việc dùng viên sắt (60mg) kết hợp thêm với axit folic (250mg) theo cách thứ nhất giúp phụ nữ cải thiện dự trữ sắt trong cơ thể, giảm đáng kể nguy cơ thiếu máu do thiếu sẳt trong thời kỳ mang thai, đồng thời giảm tỷ lệ tác dụng phụ gây ra do các chế phẩm sắt, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài. Thông thường, sau 3 tháng, tình trạng thiếu máu sẽ chấm dứt, và sau 7 tháng, dự trữ sắt được cải thiện.

Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp thứ nhất (tức là bổ sung sắt mỗi tuần một lần) thì tác dụng phụ của sắt cũng chỉ xảy ra mỗi tuần một lần. Nếu sử dụng phương pháp thứ hai (bổ sung hàng ngày) sẽ giúp giảm nguy cơ gây thừa sắt và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu. Thông thường, phương pháp thứ nhất được sử dụng với mục đích dự phòng thiếu sắt, còn phương pháp thứ hai mang tính điều trị là chủ yếu.
Sử dụng viên sắt sao cho đúng
Uống viên sắt có thể gây táo bón. Do đó, bạn nên tăng cường rau xanh, hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày. Nếu chứng táo bón có dấu hiệu trầm trọng, bạn nên trao
đổi với bác sĩ để chọn cách bổ sung sắt hợp lý.
Với những phụ nữ có lượng hồng cầu cao thì việc bổ sung sắt cần được bác sĩ chỉ định nghiêm ngặt.
Không bổ sung sắt cùng lúc với sữa hoặc canxi vì chúng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể. Tốt nhất, bạn nên uống sắt trước khoảng một giờ đồng hồ mới nên uống sữa.
Bạn có thể uống viên sắt khoảng 1-2 tiếng đồng hồ sau bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Vi chất sắt sẽ được cơ thể hấp thu tốt nhất khi dạ dày trống rỗng; tuy nhiên, bạn không nên đợi đến khi bị đói thì mới uống sắt vì sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.

Nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bạn nên uống cách quãng: Sau bữa sáng, bạn uống canxi; sau bữa trưa, bạn nên uống sắt. Hoặc bạn có thể uống sắt sau bữa sáng; sau đó khoảng 1-2 giờ đồng hồ, bạn mới uống tiếp canxi.

Bạn nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ; bởi vì, chúng có thể gây nóng người khiến bạn khó ngủ ngon.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Nhật ký thai kỳ - Tuần 5 đến tuần 9

Nhật ký thai kỳ - Tuần 5 đến tuần 9
Tuần 6 - 7
Bạn sẽ phải thích nghi dần với các triệu chứng có thai, giai đoạn này, phôi thai sẽ ngày càng hoàn thiện dần. Các bộ phận của thai nhi đang bắt đầu hình thành. Thận, gan, phổi cũng đang phát triển, và xuất hiện nhịp tim. Các tế bào não của thai nhi phát triển nhanh, chiều dài phôi thai khoảng 1 cm ở tuần 6 và tăng 2 – 3 cm vào tuần lễ thứ 7.
Cơ thể của bạn có thể chưa thay đổi nhiều ở bên ngoài, tuy nhiên bên trong có nhiều thay đổi.
Hình ảnh phôi thai từ 6-7 tuần tuổi
Tiểu nhiều lần: Hormon thai kỳ (hCG) làm gia tăng lưu lượng máu đến vùng chậu, do đó làm tăng độ lọc của cầu thận. Mặt khác, sự phát triển của tử cung gây đè ép vùng bàng quang khiến bạn luôn có cảm giác mắc tiểu.
Buồn nôn ngày càng gia tăng. Triệu chứng này xuất hiện do ảnh hưởng của hormone sinh dục hCG. Đừng quá lo lắng vì hiện tượng nghén nhé, điều này cho biết em bé của bạn khỏe. Chứng ợ nóng và cảm giác đầy hơi cũng gia tăng.
Tăng cảm giác về mùi: một vài trường hợp phụ nữ có thai cảm thấy khó chịu khi ngửi mùi thức ăn. Có thể khắc phục điều này bằng việc ngửi các mùi làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn như bạc hà, gừng, chanh…
Ngực phát triển: do tuyến vú phát triển chuẩn bị cho việc tiết sữa sau này. Núm vú và quầng vú sẫm màu hơn, hệ thống tĩnh mạch nổi rõ.
Mệt mỏi: do cơ thể phải làm việc gấp đôi. Đi bộ hoặc những luyện tập vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe, tất nhiên, không nên quá lạm dụng điều này.
Quan hệ vợ chồng trong giai đoạn này phải thận trọng vì có khả năng gây sẩy thai.
Khám thai: Từ thời điểm này bạn nên bắt đầu đi khám thai. Bạn sẽ được xét nghiệm máu để biết nhóm máu, yếu tố Rh; kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thử nước tiểu để tìm đường, đạm và cặn lắng.
Bạn sẽ được hỏi các thông tin hành chánh như tên họ, tuổi và địa chỉ của bạn. Nhớ điền thông tin của bạn thật chính xác vì việc này rất quan trọng để làm giấy khai sinh cho bé sau này.
Tuần 8 – 9
Hình ảnh phôi thai từ 8 - 9 tuần tuổi
Thai nhi phát triển nhanh, chiều dài thai nhi tăng 1mm mỗi ngày. Các cơ quan dần hình thành, bắt đầu hình thành mầm tay, chân và nhịp tim nhanh hơn (150 nhịp/phút).
Triệu chứng nghén ngày càng tăng chứng tỏ lượng hormone được tiết ra nhiều hơn. Bạn có cảm giác mập hơn, cảm giác chật chội khi mặc các bộ quần áo trước đây.
Các loại trái cây, hoa quả sẽ rất tốt cho bạn trong giai đoạn này. Chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch, cung cấp năng lượng, nước trong giai đoạn bạn đang thiếu hụt dinh dưỡng do tình trạng nghén. Các loại hoa quả có màu sẫm sẽ cung cấp cho bạn nhiều vitamin và khoáng chất, ví dụ như táo đỏ, bông cải xanh…
Các loại trái cây, hoa quả sẽ rất tốt cho bạn trong giai đoạn này
Các loại trái cây, hoa quả sẽ rất tốt cho bạn trong giai đoạn này. Ảnh: Getty Images
Cảm giác thèm ăn: bên cạnh các triệu chứng như buôn nôn và nôn, bạn có thể có cảm giác thèm ăn một vài món ăn nào đó. Việc thèm ăn chứng tỏ cơ thể bạn đang có sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng; ví dụ như thiếu sắt. Do vậy, bạn cần bù đắp cho cơ thể để khắc phục những thiếu hụt đó. Làm thế nào để bạn có thể tiếp tục tăng cân? Bạn nên nhớ bạn đang ăn cho hai người, tuy nhiên điều này không có nghĩa là cần phải tăng gấp đôi lượng calo do thực phẩm mang lại. Thực tế, bạn chỉ cần ăn thêm khoảng 300 calo mỗi ngày và chú ý các món ăn vừa cung cấp năng lượng, vừa đảm bảo dinh dưỡng. Cố gắng kết hợp protein và chất xơ trong mỗi bữa ăn, ví dụ bánh mì (bánh mì ngũ cốc càng tốt) và phô mai; dâu tây và và yogust, sữa. Ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, ợ nóng khi mang thai.
Lữ Thị Trúc Mai

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Tránh đầy bụng khi mang thai

Bà bầu ăn gì để tránh đầy bụng

Chị em khi mang thai bị đau bụng trên, đau ngực có thể đó là một trong những dấu hiệu của đầy bụng khi mang thai. Hãy tham khảo 6 cách chữa chứng đầy bụng khi mang thai dưới đây nhé!
Tìm ra nguyên nhân gây đầy bụng
Cà phê, nước hoa quả đóng hộp, nước có ga, thức ăn có quá nhiều gia vị, thức ăn nhiều chất béo … chính là những nguyên nhân chính gây ra chứng này các mẹ nhé. Hãy hạn chế đến mức tối thiểu, tốt nhất là nên tránh tuyệt đối những loại thức ăn trên, chứng đầy bụng trong thai kỳ sẽ giảm đáng kể.
Chữa đầy bụng bằng kẹo dẻo
Kẹo dẻo vị đu đủ là kinh nghiệm được nhiều mẹ bầu chia sẻ thời gian gần đây để trị chứng đầy bụng khi mang thai.
Lưu ý khi ngủ
Khi ngủ, các mẹ nhớ kê đầu cao hơn bình thường một chút, phần lưng cũng vậy, kê cao khi ngủ sẽ ít gặp chứng đầy bụng khi mang thai hơn.
Tránh xa thuốc lá
Khói thuốc lá gây đảo lộn dịch vị dạ dày làm mẹ bầu có cảm giác đầy bụng ngay khi gặp mùi này.
Nên chia nhỏ bữa ăn
Chia nhỏ bữa ăn để giảm chứng đầy hơi thai kỳ. Ảnh: Getty Images
Không nên dồn vào 3 bữa mỗi ngày; chia nhỏ bữa ăn để giảm chứng đầy hơi thai kỳ là lời khuyên từ các chuyên gia. Mọi thức ăn đều phải nhai thật kỹ, chậm rãi, khi ăn nên ngồi một chỗ yên tĩnh. Vừa ăn, vừa uống cũng không tốt cho dạ dày của mẹ; nên uống nước trước hoặc sau khi ăn mới khoa học.
Nên đi bộ để kích thích tiêu hóa
Sau khi ăn 1 tiếng, hãy đi bộ để kích thích tiêu hóa; chỉ đi nằm sau khi ăn được khoảng 2 tiếng. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày của mẹ bầu cũng như chứng đầy bụng thai kỳ.
Nếu đã áp dụng tất cả những cách này mà không có tác dụng với chứng đầy bụng khi mang thai thì bạn nên đi khám bác sĩ để có lời khuyên phù hợp.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Có bầu nên ăn gì để con phát triển tốt?

Có bầu nên ăn gì để con phát triển tốt?
Nhiều phụ nữ khi mang thai, do sợ mất thân hình thon thả nên tự ý ăn kiêng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời làm tăng nguy cơ sinh non. Nếu người mẹ ăn uống không hợp lý trong thời gian mang thai, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu và thiếu sắt.
Vậy có bầu nên ăn gì để con phát triển tốt?
Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý trong thai kỳ (Ảnh minh họa: Internet)
Nguy cơ khi thai nhi thiếu dinh dưỡng
Những trẻ suy dinh dưỡng trong bụng mẹ khi sinh ra đều nhẹ cân, có chiều cao dưới trung bình và khi lớn lên có nguy cơ bị mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa và nội tiết như tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… Những trẻ này cũng dễ ốm ở năm đầu đời vì khả năng miễn dịch kém.
Dinh dưỡng trong quá trình mang thai
3 tháng đầu là giai đoạn hình thành thai nhi nên chị em hay có biểu hiện bị ốm nghén như: nôn nhiều, mệt mỏi, nhạt miệng, sợ mùi thức ăn… Điều này làm cho bà bầu thường không ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị. Có những người không tăng cân, có người bị tụt 1-2 kg. Tuy nhiên, thông thường hết giai đoạn này chị em sẽ ăn uống trở lại bình thường.
Trong thời gian này, bà bầu nên chú ý ăn nhiều bữa trong ngày, số lượng mỗi bữa ít, chọn những loại không gây khó chịu, không kích thích gây nôn, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Sau khi ăn bị nôn thì khoảng 5-10 phút lại ăn trả lại nhưng số lượng ít hơn lần trước. Chú ý uống bổ sung axít folic, vitamin và muối khoáng, bù đủ nước.
3 tháng giữa và 3 tháng cuối là giai đoạn rất quan trọng vì thai nhi phát triển cho đến khi chào đời. Nếu người mẹ bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, bà bầu cần ăn nhiều để bù lại giai đoạn trên do nghén
Thai kỳ cần tăng bao nhiêu kg là đủ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi có thai cần tăng trung bình 9-12 kg là đủ. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước khi có thai mà sự tăng cân là khác nhau. Cụ thể, với người đã dư cân thì chỉ cần tăng 7-8 kg, người cân nặng trung bình cần tăng 11,5-16 kg, người mảnh khảnh cần tăng 12-18 kg.

Chế độ ăn cho phụ nữ mang thai
- Chị em cần tăng thêm 15 g chất đạm/ngày. Trong đó, đạm động vật gồm: sữa, thịt, trứng, thủy sản như tôm, cua, cá, ốc… Chất đạm thực vật gồm: đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc. Đây là những thức ăn giá rẻ hơn thịt, có lượng đạm cao, lượng chất béo nhiều giúp tăng nhiệt lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong chất béo.
Để đáp ứng số năng lượng và chất đạm trên bà bầu cần ăn thêm tương đương 1 bát cơm, 30 g thịt hoặc 1 quả trứng và 3 bánh bích quy dinh dưỡng có tăng cường đa vi chất dinh dưỡng hoặc một cốc sữa mỗi ngày.
- Cần ăn thêm bữa và tăng lượng thức ăn, chú ý tăng cường thực phẩm giàu đạm, kẽm, sắt, vitamin A, vitamin C và canxi. Ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm theo 4 nhóm.
Một số thực phẩm giàu sắt như: thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò), rau dền, các loại rau có màu xanh đậm… Một số thực phẩm giàu canxi: sữa, tôm, cá nhỏ (ăn cả xương), cua, ốc, hạt vừng… Mỗi tuần nên ăn cá ít nhất 3-4 lần để bổ sung các axít béo thiết yếu giúp phát triển trí não thai nhi. Chú ý ăn đủ rau xanh, ngày 400-600g để tránh táo bón. Bổ sung quả chín để cung cấp vitamin.
- Không nên dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, chè đặc, ớt, hạt tiêu, giấm… Nên ăn nhạt, bớt muối nhất là những bà mẹ bị phù thận để giảm phù và tai biến khi đẻ. Trung bình ăn 6 g bột canh/ngày.
- Uống thêm viên sắt hàm lượng 60 mg/ngày để phòng thiếu máu thiếu sắt, uống cho đến sau khi sinh 1 tháng. Chú ý khi uống sắt phải bổ sung thêm vitamin C giúp hấp thu sắt 100%.
- Lượng canxi cần bổ sung trong suốt thời gian mang thai là 800-1.000 mg một ngày.
- Bên cạnh đó, cần bổ sung các loại vitamin: A; D; B1,2,6; C… Vitamin D giúp hấp thu các khoáng chất như canxi, phospho. Phụ nữ có thai nên có thời gian hoạt động ngoài trời càng nhiều càng tốt hoặc bổ sung vitamin D hàng ngày.
Ngoài việc ăn uống hợp lý, những chị em bầu có sức khỏe kém cần tạo cho mình cuộc sống vui vẻ, không bực tức, lo lắng để tránh stress. Chú ý nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhất là 3 tháng đầu. Cần phải vận động, đi lại, tránh nằm một chỗ (trừ trường hợp bác sĩ chỉ định), không thức quá khuya.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Mẹ nên ăn gì lúc chuyển dạ?

Mẹ bầu nên ăn gì lúc chuyển dạ?
Mẹ cảm thấy những cơn đau bụng dồn dập báo hiệu bé yêu muốn chào đời. Lúc này cảm giác hồi hộp, những cơn đau khiến mẹ không màng gì đến chuyện ăn uống. Tuy nhiên, việc cung cấp dinh dưỡng trong lúc chuyển dạ lại rất cần thiết. Nên ăn ít hơn, nhiều hơn, hay không ăn gì cả? Cùng tham khảo những ý kiến của chuyên gia dưới đây.
Mẹ có thể ăn uống bình thường
Lúc trước, khi có dấu hiệu chuyển dạ, một số thai phụ hạn chế ăn uống do lo thức ăn từ dạ dày tràn vào phổi nếu bị gây mê. Ngày nay với tiến bộ về y khoa, rất ít trường hợp phải gây mê. Đồng thời tiến bộ về gây tê, gây mê đã làm giảm nguy cơ bị nôn cho sản phụ.
Trong suốt quá trình chuyển dạ, hầu hết thai phụ thấy đói và khát, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Ăn nhẹ không nguy hại gì cho thai phụ và thai nhi, thậm chí có thể giúp bạn đối phó tốt hơn với cơn đau. Nếu bạn không ăn uống đủ, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy mỡ dự trữ để tạo năng lượng cho hoạt động sống (quá trình ketosis).
Ketosis có thể gây buồn nôn, nôn, đau đầu hay kiệt sức. Trong chuyển dạ, tử cung ngày càng co bóp mạnh và nhiều để đưa thai nhi ra nhưng không làm co thắt dạ dày. Vì thế mẹ vẫn có thể ăn uống bình thường mà không sợ bị nôn.
Mẹ nên ăn gì lúc chuyển dạ?
Cung cấp ít nhất 1 lít nước mỗi 2 – 3 giờ lúc mới bắt đầu chuyển dạ. Ảnh: Getty Images
Uống gì khi chuyển dạ
Việc chuyển dạ khiến mẹ đổ nhiều mồ hôi nên cần phải cung cấp thêm nước. Đây là cách tuyệt vời để chuyển động thúc đẩy chuyển dạ, mẹ đừng lo chuyện đi tiểu. Vào thời điểm này, nước khoáng, nước lọc hay nước ép trái cây loãng, sinh tố là lựa chọn tốt cho mẹ. Không nên uống nước chanh, nước ngọt.
Ăn gì khi chuyển dạ
Hãy ăn những gì mẹ muốn. Ở giai đoạn đầu của chuyển dạ, carbohydrate là lựa chọn tốt vì chúng dễ tiêu hóa và phóng thích năng lượng chậm. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua các cơn co thắt của tử cung. Mẹ có thể ăn bánh mì, ngũ cốc, mì, khoai tây, chuối, sữa chua, bánh quy và súp.
Ở giai đoạn sau, nhấp ít nước có chứa đường vừa nhanh làm đầy dạ dày vừa cung cấp năng lượng. Tránh thực phẩm có nhiều chất béo.
Có được ăn nếu mẹ sinh mổ
Khoảng 9 – 10 trường hợp mổ lấy thai đều có gây tê ngoài màng cứng, tê tủy sống. Việc ăn uống sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh nở. Song nếu có những biến chứng kèm theo yêu cầu phải gây mê, tốt nhất bạn cần thận trọng trong ăn uống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu mẹ thấy nghi ngờ.
Nếu đã lỡ ăn và sẽ phải gây mê để mổ mẹ cũng đừng quá lo lắng. Hãy cho bác sĩ gây mê biết điều đó. Bác sĩ sẽ giúp mẹ không phải hít thức ăn từ dạ dày vào đường hô hấp.
Cách duy trì dinh dưỡng trong khi chuyển dạ
- Ăn sớm để dự trữ năng lượng trong khi vượt cạn.
- Ăn thường xuyên, chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần.
- Một số sản phụ bị nôn và ăn uống không ngon miệng trong lúc chuyển dạ, dù vậy họ vẫn cần ăn. Vì vậy hãy mang theo thức ăn khoái khẩu để khi cần dùng ngay.
- Đừng để cơ thể bị mất nước. Như vậy sẽ làm mẹ mất năng lượng, xáo trộn sinh lý cơ thể và làm chậm quá trình chuyển dạ. Cung cấp ít nhất 1 lít nước mỗi 2 – 3 giờ lúc mới bắt đầu chuyển dạ. Giữa những cơn gò tử cung hãy nhấp một ít nước.
- Nếu mẹ nôn nặng khi ăn hoặc uống và được đánh giá là mất nước, y tá có thể sẽ truyền dịch cho mẹ. Việc truyền dịch sẽ giúp cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh hơn hay hồi phục sức lực cho thai phụ đang kiệt sức.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng cuối

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng cuối

Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn bé yêu phát triển nhanh nhất, các cơ quan của cơ thể cũng dần hoàn thiện. Do vậy, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Dinh dưỡng cơ bản
Với tâm lý “ăn càng nhiều càng tốt”, nên trong giai đoạn này, các mẹ thường cố gắng “nhồi nhét” để tăng cân cho em bé trong bụng. Tuy nhiên, dù ăn gì, thì theo các chuyên gia, thai phụ vẫn cần tập trung vào các loại ngũ cốc nguyên chất, trái cây và rau củ sạch, protein từ các loại thịt, hải sản, cùng các chế phẩm từ sữa đã tách béo.
Dưỡng chất cần tăng cường
Trong giai đoạn nhạy cảm này, não bộ và hệ thần kinh của thai nhi phát triển nhanh và đi vào hoàn thiện, nên sẽ rất tốt nếu mẹ chịu khó bổ sung các thực phẩm giàu acid béo omega 3 và choline. Các loại cá như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi; các loại hải sản như tôm,cua, sò, hế… là nguồn cung cấp sắt và omega 3 dồi dào. Mẹ lưu ý chọn loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp để tránh độc hại (các loại hải sản kể trên đều có hàm lượng thủy ngân thấp).
Đồng thời lúc này, hệ xương cũng hoàn thiện và đòi hỏi được bổ sung đầy đủ canxi. Chất này có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa tươi, sữa chua, bơ… mẹ nên chọn các sản phẩm từ sữa đã tách béo.
Trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung thêm 450kcl vào tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày. Ảnh minh họa: Internet
Lượng calo cần thiết
Giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần tăng từ 11 – 16kg là hợp lý, chủ yếu tập trung tăng vào 3 tháng cuối. Các chuyên gia khuyên rằng, trong giai đoạn này, mẹ cần bổ sung thêm 450kcl vào tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày. Nghĩa là, nếu bình thường mẹ cần 1500kcal/ngày thì trong 3 tháng cuối, con sốn này sẽ là 1950kcal/ngày.
Các nhóm thực phẩm cần thiết trong ngày
Dù ăn gì, thì khẩu phần ăn một ngày của bà bầu trong 3 tháng cuối nhất thiết phải có: 2 cốc (20ml) hoa quả, 3 cốc eau, 220g ngũ cốc nguyên chất, 180g protein từ các loại thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò, tôm, cua, cá, trứng, đậu phụ… và ít nhất là 3 phần sữa tách béo hoặc sữa chua.
Một số lưu ý
Đây là thời điểm mẹ rất hay bị ợ nóng, cách tốt nhất để giảm tình trạng này là chia nhỏ bữa ăn ra thành 5 – 6 bữa/ngày để hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn. Những thực phẩm nhiều gia vị và chất béo cũng cần được hạn chế, nhẳm giảm áp lực cho dạ dày.
Đây cũng là lúc các mẹ bầu bị xuống máu, khiến chân và tay bị sưng phù, tích nước. Vì vậy mẹ hãy loại bỏ bớt muối trong chế độ ăn, hạn chế những món ăn mặn (đặc biệt là đồ ăn nhanh), uống nhiều nước và tăng cường vận động.
Menu mẫu cho bà bầu 3 tháng cuối
Bữa sáng
- Bông cải xanh và trứng ốp la.
- Năng lượng cung cấp: 400kcal. Các chất cung cấp: protein, calci, chất xơ, chất béo.
Bữa phụ
- Bánh mì đen phết bơ. Năng lượng cung cấp: 125 kcal, cung cấp chất béo, chất xơ và các loại vitamin.
- Nước cam (110ml). Năng lượng cung cấp: 55kcal, các chất vitamin C và canxi.
- Sữa chua (150ml). Cung cấp 90kcal, canxi và chất béo.
Bữa trưa
- Sandwich cá hồi. Cung cấp 400kcal. Các chất protein, vitamin C, canxi, chất xơ, chất béo.
- Salad dưa hấu. Cung cấp 30kcal, các chất vitamin C, chất xơ.
Bữa phụ
- Rau trộn thập cẩm cà rốt, bông cải xanh, súp lơ. Cung cấp 100kcal, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
- Quả óc chó và mơ khô. Cung cấp 100kcal, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
- Bánh mì phết phomai. Cung cấp 80kcal, protein, canxi và chất béo.
Bữa tối
- Thịt bò xào rau củ quả. Năng lượng 300kcal, protein, vitamin, chất xơ, khoáng chất, chất béo…
- Gạo lứt. Cung cấp 200kcal.
- Canh rau củ, ngũ cốc. Cung cấp 100kcal, chất xơ, vitamin, khoáng chất.
Trước khi đi ngủ
- Sữa tách béo. Cung cấp 90kcal, canxi và chất béo.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Tư thế ngồi và nằm tốt khi mang thai

Khi mang thai, ngoài chế độ dinh dưỡng, thăm khám định kỳ, thì những tư thế, động tác trong sinh hoạt hàng ngày đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Dưới đây là những tư thế ngồi và nằm tốt khi mang thai để mẹ đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé.
Tư thế ngồi tốt khi mang thai
Ghế dành cho mẹ bầu không được quá cao hay quá thấp, ở mức khoảng 40cm là tốt nhất. Khi chuyển từ đứng sang ngồi, đầu tiên mẹ dùng tay chống đỡ vào đùi hoặc tay vịn gần đó rồi từ từ ngồi xuống. Khi vừa ngồi xuống, hơi nghiêng về phía trước một chút, hai tay đỡ phần lưng rồi tựa chầm chậm vào lưng ghế. Sau đó mới di chuyển phần mông vào trung tâm ghế, duỗi thẳng cột sống, tựa vào ghế ở tư thế dễ chịu nhất, hai chân để mở song song. Ở tư thế ngồi sâu vào bên trong ghế, lưng tựa thẳng vào thành ghế, đùi mở ngang sẽ giúp mẹ ít bị chứng đau lưng hơn.
Tốt nhất mẹ nên chọn ghế có lưng dựa. Tư thế chính xác là để phần lưng tựa sát vào lưng ghế, có thể đặt một chiếc gối nhỏ sau lưng nếu cần thiết. Nếu ngồi làm việc ở cơ quan, mẹ nên thường xuyên đứng lên đi lại một chút, bởi dù ngồi ở tư thế thoải mái thế nào thì cũng hạn chế tuần hoàn máu. Nếu phải làm việc nhiều bằng ghi chép hay dùng máy tính thì cứ cách một giờ nên thả lỏng một chút.
Đi xe trên đoạn đường dài cũng rất có hại cho cơ thể, nên mẹ đừng ngại tìm cho mình một chỗ thích hợp nhất để tránh mất cân bằng hay ngã ngào khi xe thắng gấp.
Tư thế nằm tốt khi mang thai
Trong 16 tuần đầu mang thai, mẹ hãy chọn tư thế nằm ngửa, chân có thể gác trên một chiếc gối để thả lỏng cơ thể. Tuy nhiên, đến giai đoạn gần sinh, cả phần bụng gần như bị tử cung chiếm hết. Nếu mẹ vẫn nằm ngửa thì tử cung sẽ đè lên động mạch chủ sau tử cung, lượng máu cung cấp cho tử cung sẽ giảm rõ rệt và trực tiếp ảnh hưởng đến dinh dưỡng, cũng như sự phát dục của thai nhi.
Ngoài ra khi nằm ngửa, còn có thể tạo thành tĩnh mạch chi dưới bị co phồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Thế nên từ tuần thứ 16 trở đi, mẹ hãy chọn tư thế nằm nghiêng vì vừa có lợi cho cảm giác căng cơ, giải toải mệt mỏi, vừa tránh cho phần bụng to lớn đè lên mạch máu chính.
Mẹ bầu nên nằm nghiêng khi ngủ. Ảnh minh họa: Internet
Nằm nghiêng trái hay nghiêng phải đều được, chỉ cần mẹ cảm thấy thoải mái là ổn, có thể kê chiếc gối nhỏ hay tấm chăn mỏng để chống đỡ phần bụng khi nằm nghiêng, hai chân cũng nên hơi co một chút. Đương nhiên còn một tư thế ngủ nữa mà các bà bầu cần hết sức tránh đó là nằm nghiêng theo kiểu co lưng (còn gọi là lưng tôm).
Tuy nói nằm nghiêng bên nào cũng được, nhưng thường xuyên nằm nghiêng bên phải có thể sẽ bất lợi cho sự phát dục của thai nhi và quá trình sinh nở. Nguyên nhân là do tử cung không ngừng lớn lên, các cơ quan khác trong bụng cũng bị chèn ép. Do vậy nếu mẹ hay nằm nghiêng bên phải có thể khiến niêm mạc tử cung bị căng, mạch máu bị kéo dãn và ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy cho thai nhi, dẫn đến thai nhi bị thiếu oxy mãn tính. Vì vậy tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu vẫn là nằm nghiêng bên trái.