Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 35

Bạn đã tiến đến rất gần ngày hạnh phúc đó rồi. Chỉ có bốn tuần nữa em bé sẽ sinh ra đời, và em bé vẫn đang dần hoàn thiện mình để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Giờ thì nếu có bị sinh non thì cũng gần như không còn vấn đề gì nguy hiểm với em bé nữa rồi.

Nhiều bà bầu đợi vào quý thai thứ 3 khá lâu rồi mới bắt đầu mua áo quần và các vật dụng cần thiết. Họ muốn chắc chắn mọi chuyện suôn sẻ, không muốn chuẩn bị sớm vì sợ “xúi quẩy”. Nếu điều này nghe có vẻ quen quen với bạn, thì bạn cần biết rằng khi thai nhi đã được 35 tuần tuổi, bạn có thể yên tâm là em bé không việc gì nữa rồi. Thường xuyên đến bác sĩ hoặc người hộ sinh của bạn để kiểm tra sẽ giúp bạn theo dõi được sát sao quá trình trưởng thành và phát triển của em bé. Bạn sẽ quen thuộc và nắm rõ được những thay đổi của cơ thể mình từ khi có em bé đến mức không nhớ nổi mình đã như thế nào trước khi mang thai.

Mình chưa sẵn sàng đâu
Có thể những tuần cuối này bạn sẽ không hề cảm thấy dễ chịu, nhưng bạn vẫn có chút gì đó thất vọng vì mình sắp không còn mang thai nữa. Bạn đã quen có em bé luôn ở bên trong mình, cảm nhận được từng cử động dù nhỏ nhất của bé, và có một mối dây liên hệ vô cùng thân thiết và đặc biệt với bé. Các bà mẹ mang thai có thể lo lắng rằng nhỡ đâu họ không thích con mình lắm sau khi bé ra đời, hoặc có thể không thực sự gần gũi bé được. Những nỗi sợ này cũng là thường tình, và dù không phải bà mẹ nào cũng nói về chuyện này thì việc có những hoài nghi như vậy cũng là bình thường. Hãy nhắc mình nhớ rằng, em bé luôn rất giỏi trong việc khiến ba mẹ mê tít mình, và hai bạn và bé sẽ là một bộ ba trời sinh.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Lưng của bạn đau, xương chậu thì kêu răng rắc, và bàng quang thì chẳng thể chứa quá được vài mi-li-lít nước. Chào mừng bạn đến với những tuần cuối cùng của thai kỳ. Không mấy may mắn cho bạn là, những tuần cuối này của thai kỳ chỉ giúp ích cho bé chứ không có tác dụng gì với mẹ bé. Em bé của bạn thì đang ung dung tận hưởng cuộc sống ấm áp bên trong bụng mẹ, và bạn thì có chút gì đó cảm giác như mình là “phận tôi đày” vậy. Nếu bạn có cảm thấy như thế thì cứ yên tâm nhé, bạn cũng có quyền cảm giác vậy đấy.
  • Dịch âm hộ ra nhiều hơn vào thời gian này, và bạn nên mang băng vệ sinh hàng ngày để cảm thấy thoải mái hơn. Điều này cũng bình thường, bạn đừng quá để ý trừ phi bạn ra dịch quá nhiều, cảm thấy ngứa ngáy, dịch có mùi hôi bất thường hoặc nó khiến bạn rất khó chịu. Đây là kết quả tất yếu của sự ứ đọng và chèn ép đang diễn ra ở vùng xương chậu, và hoạt động của nội tiết tố.
  • Từ tuần này trở đi, thi thoảng bạn sẽ có một cảm giác thình lình như điện giật ở bàng quang của bạn. Bạn sẽ bị giật mình, và cảm tưởng như mình sắp són ra tới nơi. Chừng nào bạn không có các triệu chứng khác thể hiện có thể bị viêm nhiễm đường tiểu, thì bạn không nên lo lắng. Bởi nếu đây là con đầu lòng của bạn, em bé có thể đang chúi vào xương chậu của bạn và cái đầu bé xương xẩu kia ở cách cái bàng quang nhạy cảm của bạn không mấy xa đâu. Bạn có thể thay đổi tư thế một chút để cảm thấy khá hơn, nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là vì dạ con của bạn đang trở nên quá chật chội mà thôi.
Thay đổi tâm lý
  • Cả hai bạn đều đang rất phấn khích. Đầu óc bạn sẽ thường xuyên mơ mộng, tưởng tượng em bé trông sẽ như thế nào, bạn sẽ bế bé ra sao, và tự hỏi bé sẽ bước vào cuộc đời mình như thế nào đây. Có thể bạn sẽ lo lắng và sợ hãi, không biết mọi chuyện có ổn với em bé không, mình sẽ phải sống ra sao nếu bé xảy ra chuyện gì.
  • Bạn có thể cũng sẽ lo lắng không biết mình sẽ sinh nở như thế nào. Khi sợ hãi những điều không lường trước được, chúng ta có xu hướng cứ nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất, và tưởng tượng ra hệ quả thảm thiết nhất. Đa phần các bà bầu sẽ tìm đến những nguồn an ủi của mình, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Giữ khư khư nỗi sợ hãi trong lòng chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn, vậy nên bạn hãy tìm ai đó để giãi bày.
  • Nếu bạn đã đặt ngày sinh với bệnh viện, hãy đánh dấu trong nhật ký hoặc lịch của bạn. Hãy dành vài ngày tịnh tâm trước khi vào cuộc để bạn có thể ung dung tiến đến sát ngày quan trọng này. Những ngày cuối cùng của thai kỳ là một trò chơi chờ đợi, và ngay cả khi kiên nhẫn không phải là đức tính của bạn, thì bạn cũng hãy cứ bình tĩnh. Ung dung tự tại, để mọi việc thuận theo tự nhiên sẽ tiết kiệm được cho bạn những cơn nóng giận, lo lắng vốn không tốt cho bạn chút nào.
Những thay đổi của thai nhi trong tuần này


  • Tuần này em bé sẽ lên cân đáng kể đấy, khoảng chừng 500gr. Nếu bạn thấy đói, thì hãy cứ chiều theo cơ thể mình và cứ ăn. Năng lượng từ thức ăn bạn ăn vào sẽ được truyền thẳng đến cho em bé, giúp em bé dự trữ chất béo và đầy đặn ra.
  • Em bé giờ không còn nhiều không gian để xoay trở trong bụng mẹ nữa, nhưng vẫn có thể tìm cho mình vài tư thế dễ chịu. Bạn có thể cảm nhận thấy bé tỏ thái độ phản đối mỗi khi thấy chật chội quá. Một cú hích vào xương sườn hay xương chậu thường là một lời nhắc nhở rằng mẹ phải đứng lên, di chuyển một chút, hoặc thậm chí là lắc hông vài cái.
  • Lớp lông tơ mềm mại vốn đang phủ quanh cơ thể bé giờ sẽ lại thụt vào trong. Phần lớn sẽ chui lại vào trong ruột bé, trộn lẫn vào trong đám chất thải và sẽ được trút ra ngoài qua lần đi đại tiện đầu đời của bé sau khi ra khỏi cơ thể mẹ. Lớp màng mỡ Vernix Caseosa màu trắng bọc quanh da bé giờ đây cũng sẽ rút vào trong.
Lời khuyên cho bạn
  • Hãy chụp ảnh lưu lại kỷ niệm của những tuần cuối thai kỳ này để sắp xếp tất cả theo trình tự thời gian. Bạn rồi sẽ nhìn lại những bức ảnh này, và tự hỏi da mình còn có thể kéo căng đến mức nào. Hãy đo vòng bụng bằng một cái thước dây và đo đường kính đi ngang qua rốn của bạn. Hãy xem xem vòng bụng đã lớn nhanh như thế nào chỉ trong vòng vài tuần. Hãy ghi chép đánh dấu trong lịch của bạn và theo dõi sự tăng trưởng của bụng bầu.
  • Hãy siêng năng đọc tài liệu về việc sinh con để có một cuộc sinh nở chủ động và suôn sẻ. Những bậc cha mẹ đã có chuẩn bị về kiến thức sinh con thường sẽ thấy mình trở thành một phần trong cuộc sinh nở đó, chứ không giống như người ngoài cuộc, chỉ biết đứng nhìn. Nếu bạn dự định sinh ở nhà, hãy nói cho hộ sinh biết bạn đang cần những gì. Hãy lập một danh sách những số điện thoại cần gọi khi khẩn cấp, và đặt ngay cạnh điện thoại của mình là tiện nhất.
  • Hãy gói ghém sẵn túi đồ đạc gồm những vật dụng thiết yếu để bạn đi sinh ở bệnh viện. Hãy nhớ các thứ sau: những vật dụng để tắm rửa và vệ sinh cá nhân, áo quần cho bạn và cho em bé, tã lót, thuốc men, thẻ bảo hiểm, chi tiết về gói bảo hiểm y tế, danh sách các số điện thoại của gia đình, bạn bè thân thiết; và quan trọng hơn cả: chiếc gối của bạn. Hãy nhớ là bạn không cần soạn đồ như thể bạn đang chuẩn bị leo lên tàu viễn dương thám hiểm biển Ca-ri-bê. Và nếu bạn có quên thứ gì thì bố em bé vẫn có thể mang vào bệnh viện cho bạn cơ mà.
Theo huggies
<<tuần 34                                                                                                                                Tuần 36>>

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 34

Bạn đã sắp đến đích rồi. Chỉ còn 6 tuần nữa thôi là bé sẽ ra đời, và em bé thì vẫn đang tiếp tục tự hoàn thiện để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài tử cung. Bạn sẽ có một cảm giác giống như sự bình yên trước cơn bão ở tuần thai này. Đã sắp đến ngày bạn có thể ôm con mình vào lòng, nhưng ngày đó cũng không thực sự quá gần đến mức nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Với nhiều bà mẹ thì đây là thời gian suy ngẫm và tận hưởng những tuần cuối của thai kì. Bạn có thể cảm thấy cơ thể mình thật kì diệu, có thể thích ứng với mọi sự thay đổi. Hoặc là bạn có thể cảm thấy ước gì mình đã mang thai được 40 tuần rồi, và chỉ muốn mấy tuần cuối cùng này biến quách đi.

Thời kỳ “làm tổ”
Đừng ngạc nhiên nếu một buổi sáng bạn thức dậy và cảm thấy như vừa bỏ được tấm màn che mắt mình. Bụi bẩn khắp mọi nơi và bạn không hiểu vì sao trước đây mình lại không nhận ra như thế. Chào mừng bạn đến với thời kì “làm tổ”. Nếu bạn từng cảm thấy rất mệt mỏi thì giờ đây bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tràn đầy năng lượng. Bạn muốn sắp xếp và phân loại lại tất cả mọi thứ, dỡ cái đống thùng hộp kia và lôi các thứ ra ngoài. Sau khi bé chào đời, bạn sẽ rất vui vì mình đã kịp dọn dẹp đồ đạc. Trong vài tuần đầu sau khi sinh bạn sẽ thấy mình không thể dành chút thời gian nào cho việc nhà. Cần nhớ rằng một số bà bầu sẽ hơi trái tính và đặt rất nhiều áp lực lên bản thân họ và người bạn đời. Hãy cố gắng tập trung vào chỉ một việc tại một thời điểm và hoàn thành nó trước khi chuyển sang việc tiếp theo. Nếu gia đình và bạn bè ngỏ lời giúp đỡ thì đừng từ chối. Đây sẽ là thời gian của những mối quan hệ thực sự, và các bạn sẽ cùng nhau khiến cho việc chuẩn bị cho sự ra đời của bé càng thêm phần hào hứng.

Có thể giải thích theo cơ sở sinh học cho việc những bà mẹ ở cuối thai kỳ cảm thấy họ cần phải sắp xếp lại “ổ” của mình. Bản năng tự nhiên của người mẹ là như vậy.

Những thay đổi sinh lý của bạn trong tuần này
  • Ngủ không phải là một việc lấy gì làm dễ chịu trong thời kì này. Bạn gần như là không thể nằm sấp và lại không nên nằm ngửa, vì thế lựa chọn duy nhất là nằm nghiêng một bên. Vấn đề là bạn chỉ có hai bên để thay đổi vì thế bạn sẽ cảm thấy đau ở hông và đùi. Hãy chất những chiếc gối êm ái xung quanh mình, và nên tìm mua một chiếc chăn độn bông để lót dưới ga trải giường. Cách này khá hữu hiệu đấy bạn à.
  • Hãy làm quen với việc đi vệ sinh vài lần một đêm đi bạn nhé. Tử cung của bạn bây giờ lớn đến nỗi bàng quan không kịp chứa nhiều nước đã vội giục bạn phải giải quyết rồi. Tránh việc ngồi bật dậy đột ngột khi đang nằm, phải để cho huyết áp bạn có thời gian tự điều chỉnh. Khi đi ngủ hãy để đèn phòng vệ sinh để bạn nhìn rõ mà đi. Khi bạn mang thai được 34 tuần thì bạn sẽ không thể nào khéo léo uyển chuyển được nữa đâu, và bạn phải tìm mọi cách để hạn chế hết sức nguy cơ bị ngã nhào trong bóng tối.
  • Từ giờ cho đến khi sinh, hộ sinh hay bác sĩ của bạn sẽ khuyên bạn khám thai hàng tuần. Bạn sẽ được kiểm tra nước tiểu, huyết áp, cân nặng, và kích thước tử cung. Đáy tử cung sẽ được đo để xem kết quả có thể hiện phù hợp với sự phát triển của thai và ngày dự sinh của bạn không. Nếu có gì không nhất quán, bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra kích thước em bé, lượng nước ối và kích thước nhau thai.
  • Hãy dành cho mình những khoảng tĩnh lặng trong ngày, và trong những lúc này, bạn hãy vén áo lên và ngắm nhìn những chuyển động trong bụng mình. Bạn sẽ thấy đường viền của một bàn chân bé xíu, một cái cùi chỏ, hoặc một cái đầu gối xinh xinh. Nếu bạn gẩy nhẹ vào đấy, bạn sẽ thấy bé đáp trả bằng cách đạp hay hích lại. Hãy rủ bạn đời của mình cùng tận hưởng những giây phút đó, để anh ấy thấy mình cũng thật sự là một phần của quãng thời gian mang thai này. Nếu anh ấy nói chuyện với bé, bé thường sẽ “trả lời” lại bằng những chuyển động của mình.
  • Xương chậu của bạn bắt đầu tách và hở hơn ra trong những tuần cuối này, khiến bạn cảm thấy rất đau nhức. Bạn thường vô thức đặt tay lên lưng dưới, lên bụng, lên hông, và còn nhăn nhó nữa. Những bà bầu khác sẽ nhìn bạn đầy thông cảm bởi họ đã quá hiểu những cảm giác đó. Tắm nước ấm, xoa bóp, nghỉ ngơi và đối xử thật tốt với bản thân mình là những cách để bạn đi hết những tuần cuối cùng này.
  • Nếu hiện tại em bé đã chúi đầu xuống xương chậu thì bạn sẽ thấy dễ thở hơn. Phổi và cơ hoành của bạn đã có thể giãn nở ra một chút và dịch chuyển dần về vị trí cũ. Chà, thực ra thì cũng gần gần như thế thôi.
Những thay đổi tâm lý
  • Thực sự là bạn đã ở rất gần ngày đón em bé ra đời rồi đấy, thế nhưng bạn cảm giác lê thê như thể ngày đó sẽ không bao giờ đến. Tháng thứ chín thường kéo dài vô tận, nhất là với những bà bầu phải chịu nhiều khó chịu và tưởng chừng như mình không thể chịu thêm được nữa.
  • Nếu bạn đã có con, thì có khi bạn lại thầm thấy hài lòng vì vẫn còn đến vài tuần nữa. Bạn vẫn còn quá nhiều thứ để sắp xếp, và cứ nhẩm đếm số việc mà mình phải trực tiếp làm. Khi có một thời hạn cụ thể thì chúng ta sẽ phải ngạc nhiên với những gì mà chúng ta có thể làm. Nhưng nhớ một điều rằng, bạn không cần phải làm tất cả mọi thứ. Hãy phân công mấy việc vặt cho mấy đứa lớn nhà bạn, và chia thật nhiều việc cho bạn đời của mình đủ để khiến anh ấy bận rộn nhé. Hãy nhớ rằng, đa phần đàn ông thích được giao những việc cụ thể, thế nên hãy thử làm một danh sách những việc mà cả hai bạn sẽ cùng làm trong những tuần cuối này.
  • Có thể bạn đã bắt đầu nghỉ sinh từ tuần này rồi, nghĩa là bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý cho việc mình không cần làm việc nữa. Có thể nó khiến bạn nhẹ cả người, mà cũng có thể bạn sẽ buồn một chút, nhất là khi bạn yêu thích công việc của mình và cảm thấy nó có ý nghĩa. Trở thành một người bố, người mẹ có nghĩa là chúng ta sẽ phải thay đổi cách mình nhìn nhận chính bản thân mình, và cách ta nhìn thấy mình đang ở đâu trong thế giới này. Bạn sẽ cần chút thời gian để quen với những thay đổi này đấy.
Những thay đổi của em bé trong tuần này
  • Bé đã nặng khoảng 2.2 kg và dài khoảng 45 cm ở tuần này. Nếu bây giờ bé ra đời, bé sẽ không cần chăm sóc đặc biệt nữa và đã có thể tự hô hấp rồi. Tuy nhiên, có khả năng bé sẽ có chút vấn đề với việc bú sữa.
  • Ruột của bé chứa đầy phân, một hợp chất dinh dính như nhựa, màu đen, và chất này sẽ khiến ruột hoạt động lần đầu tiên trong đời. Một số em bé sẽ thải số phân này ngay trong bụng mẹ, và điều này có nghĩa là bé có chút vấn đề. Nếu tình huống này xảy ra, nước ối sẽ bị bẩn và chuyển từ màu trong sang màu pha xanh. Nếu bạn bị vỡ ối và bạn biết được điều này, bạn cần báo ngay cho bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn.
  • Khung xương của em bé là một kết cấu phức tạp, và sẽ không hợp nhất lại khi chưa đủ tuần tuổi. Khi em bé sinh ra, khung xương bé nhất thiết phải xốp và uốn theo hình dáng ống dẫn thai của người mẹ. Nếu bạn mang thai lần đầu, thì lúc này đầu của em bé có thể đã bắt đầu chúi xuống vùng xương chậu của bạn.
  • Ở tuần 34 này, em bé sẽ dịch chuyển vào tư thế sẵn sàng để chui ra. Không còn đủ không gian trong tử cung để xoay trở nhiều, và cử động của em bé bị hạn chế. Nếu đến giờ mà em bé vẫn chưa chịu nằm chúc đầu xuống, thì bạn cần phải hỏi ý kiến bác sỹ hoặc hộ sinh của bạn.
mang thai tuần thứ 34

Lời khuyên cho bạn
  • Đừng quên đánh răng đấy! Viêm lợi có thể gây ra sinh non, thế nên việc đánh răng ít nhất hai lần một ngày, xỉa răng bằng chỉ nha khoa, và khám răng thường xuyên là rất quan trọng. Nếu suốt thai kỳ bạn vẫn chưa đi nha sỹ lần nào, thì hãy đặt hẹn ngay. Vi khuẩn gây sâu răng lây rất nhanh, và người mẹ sẽ dễ dàng truyền vi khuẩn đường miệng sang con thông qua nước bọt và hơi thở khi miệng em bé đang bị khô.
  • Bạn cần phải nghỉ trưa, nhưng chớ nên ngủ nhiều hơn một tiếng. Ngủ trưa quá nhiều có thể gây ra chứng mất ngủ về đêm, vậy nên hãy cẩn thận với lượng thời gian bạn ngủ trưa cho dù bạn có mệt đến đâu.
  • Hãy tham khảo trang www.sidsandkids.org để có những thông tin hay, chuẩn xác, có cơ sở về việc chuẩn bị cũi em bé. Hãy làm theo hướng dẫn của họ về việc cho em bé ngủ một cách an toàn, và làm tất cả mọi thứ để giảm thiểu nguy cơ của chứng SUDI (Đột tử không thể giải thích ở trẻ nhỏ). Chuẩn bị sẵn đầy đủ thông tin luôn luôn rất quan trọng.
Nguồn: huggies
<<tuần thứ 33                                                                                                                     Tuần 35>>

Mang thai tuần thứ 33

Bạn đã ở rất gần tháng mang thai cuối cùng của mình rồi. Cũng đã sắp đến lúc bạn đếm ngược từng ngày, và có vẻ như chẳng mấy chốc mà bạn sẽ chạm đến cái đích của 40 tuần mang thai. Nếu bạn vẫn đang đi làm, thì đây là lúc bạn thu dọn để kết thúc công việc, vì thường thời gian nghỉ sinh bắt đầu từ trước khi sinh khoảng 4 đến 6 tuần.

Những ngày làm việc cuối cùng dường như trôi qua rất chậm chạp, bạn tưởng như chúng chẳng bao giờ kết thúc cả. Ngoài em bé ra, tập trung vào thứ gì bây giờ cũng quá khó khăn, và bạn thấy mình như cứ trôi dạt vào những miền mông lung tưởng tượng nào vào đúng những lúc không nên nhất. Đây là cách mà tạo hóa chuẩn bị tâm lý cho bạn để bạn bước vào một trong những sự kiện đặc biệt nhất trong đời. Vậy nên, ít nhất cũng hãy cố gắng tỏ ra mình rất quan tâm chăm chú đến cuộc họp, cho dù thực ra bạn đang bận rộn nhẩm tính từng cái quần cái bỉm trong tủ áo quần của em bé!

Ồ, bạn sắp sinh rồi à?
Những tuần cuối cùng này là lúc bạn nên dành thời gian để thư giãn và cảm thấy tự hào về những gì mà cơ thể bạn đang làm để nuôi dưỡng em bé. Cho dù đáng ra bạn phải cảm thấy rất mệt mỏi ở tuần thứ 33 này, thì vẫn có những điều dễ chịu để bạn tận hưởng. Thường thì mọi người sẽ đối xử rất tử tế với bạn, và luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu họ thấy bạn đang cần. Mọi người thường tò mò và quan tâm một cách chân thành về bạn, về em bé; và bạn sẽ thường được hỏi rằng bao giờ thì sinh, bạn có biết em bé là con trai hay con gái chưa, đây có phải là con đầu lòng của bạn hay không, v.v… Sự quan tâm, thích thú của mọi người thường dễ được lan tỏa, và điều này thường khiến bạn càng cảm nhận được rõ ràng rằng bạn sắp đón nhận một sự kiện rất trọng đại trong đời. Mọi người cũng rất dễ thông cảm với bạn, nên bạn không cần phải mất sức giải thích gì nhiều mỗi khi bạn muốn nghỉ ngơi thay vì tham gia một vụ tiệc tùng hay tụ tập nào đó. Và sự thật là bạn sẽ muốn làm như vậy, nhất là nếu bạn mang thai vào mùa hè, khi mà việc phải ì ạch mang vác một chiếc bụng bầu bự quả là một thử thách.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Nếu em bé của bạn đến giờ vẫn còn đang nằm ngôi ngược, thì hy vọng tuần này bé sẽ chuyển sang ngôi thuận. Điều này sẽ khiến cho bạn thở phào nhẹ nhõm, vì cái đầu nhỏ mà cứng và đầy xương kia sẽ không còn thúc vào ngay dưới mạng sườn của bạn nữa. Nằm ngôi thuận là tư thế thuận lợi nhất để em bé ra đời.
  • Lúc này, có thể hai đầu vú của bạn đã bắt đầu rỉ ra một chút sữa non. Bạn sẽ thấy sữa đóng khô lại ở trên đầu vú mỗi khi cởi áo ngực ra. Ngực bạn càng trở nên nặng nề hơn và vằn vện những đường gân máu xanh. Hãy nhớ mặc áo ngực dành cho thai phụ, và cỡ loại vừa vặn, phù hợp với mình. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực mà hai bầu ngực nặng nề đang đặt lên vai và lồng ngực của bạn.
  • Khối nước ối bao bọc em bé đang đạt khối lượng lớn nhất, và từ giờ nó sẽ chỉ giảm dần đi. Dịch ối có mùi rất đặc trưng, và không hề giống mùi nước tiểu. Ở giai đoạn này, các bà mẹ mang thai thường hay nhầm lẫn, không biết họ đang bị đái rắt hay rò nước ối. Nếu bạn nghi ngờ màng ối của bạn bị vỡ, hãy nhờ bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn kiểm tra. Họ sẽ xét nghiệm dịch này để biết nó thực chất là gì.
  • Bạn sẽ có thể cảm giác như tim mình đang đập loạn nhịp, hoặc đập nhanh hơn trong thời gian này. Bởi vì có nhiều thay đổi trong việc phân bổ các mạch máu chủ và vì cái khối lượng đang đè lên tim, việc tim đập nhanh là rất bình thường. Nhưng nếu bạn bị đau ngực và khó thở, thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay. 
Những thay đổi tâm lý
  • Một cảm giác nóng ruột thiếu kiên nhẫn bắt đầu len lỏi vào trong bạn. Bạn cảm thấy chờ đợi như vậy là quá đủ rồi. Bạn đã tưởng tượng hình dáng và khuôn mặt của con lâu nay, và giờ bạn chỉ muốn xem xem tưởng tượng của mình đúng đến đâu. Con mình liệu có cái mũi giống mình không? Liệu nó trông có giống bố chồng mình không? Liệu có phải là con trai (hoặc con gái) giống như mình mong muốn hay không? Có hàng triệu câu hỏi nhảy nhót trong đầu bạn. Hãy kiên nhẫn. Em bé vẫn đang lớn, và sẽ ra đời khi em bé đã sẵn sàng.
  • Bạn sẽ hơi ủy mị một chút, và dễ bị xuống tinh thần trong tuần này. Chân và lưng đau nhức cứ rút hết sức lực của bạn, và bạn giờ chẳng muốn làm gì nữa cả. Hãy chiều theo những gì mà cơ thể đang cố gắng nói với bạn: nghỉ ngơi một chút, và hãy thư giãn, đừng bắt bản thân mình phải cố gắng quá khi không cần thiết. Hãy bỏ ra hẳn mấy ngày để thư giãn nếu bạn có điều kiện làm vậy. Bạn vẫn chưa đến lúc sinh, thế nên hãy chăm sóc, nuôi dưỡng bản thân mình cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Thật là khó để nhớ đến thai kỳ như một quãng thời gian khỏe mạnh bình thường trong đời. Đôi khi nó trở thành một gánh nặng, nhưng đối với phụ nữ mạnh khỏe và đầy đủ khả năng sinh sản, thì mang thai là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Hãy bình thường hóa nó, đừng nhìn nó như thể một cái gì đó bất bình thường và cần được chữa trị.
Những thay đổi của em bé trong tuần này

  • Não của em bé sẽ phát triển rất mạnh vào thời gian này. Tế bào thần kinh và những mối liên hệ thần kinh trong não đang phát triển để đến khi sinh ra, em bé sẽ hoàn toàn đủ khả năng để tiếp nhận và phản ứng với các kích thích từ môi trường. Hãy nhớ ăn các thức ăn giàu Omega 3 và DHA, những thức này rất quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của não. Các loại dầu cá như dầu cá hồi, cá xac-đin và cá ngừ là những nguồn thực phẩm rất tốt có chứa các chất này.
  • Tuần này, em bé sẽ tăng thêm khoảng 450gr nữa. Cơ thể tiếp tục có thêm nhiều mô mỡ để bảo vệ em bé lúc sinh ra. Đa phần các em bé sẽ bị giảm cân trong khoảng một tuần đầu sau khi sinh, hệ quả của việc sử dụng nhiều năng lượng. Tuy nhiên, sau khoảng hai tuần, đa số trẻ sơ sinh sẽ lại lên cân bằng với lúc mới sinh, hoặc cũng trên đà đạt được số cân cũ.
  • Em bé đã dài được khoảng 43.7 cm trong tuần này. Năng lượng được dồn để nuôi dài cơ thể giờ đây sẽ lại được tập trung để tăng số cân nặng. Trong vài tuần trước khi sinh, chiều dài em bé sẽ không tăng đáng kể, chỉ là vài cen-ti-mét mà thôi.
  • Em bé giờ đây sẽ không mấy khi cử động kiểu xoay tròn nữa, đơn giản là bởi vì tử cung đã quá chật chội để bé có thể chuyển động kiểu này. Nếu bạn cảm thấy có sự thay đổi trong cách chuyển động của em bé. 
Lời khuyên cho bạn
  • Nếu bạn định nuôi con bằng sữa mẹ, hãy tham gia một lớp hướng dẫn cho con bú. Đọc sách báo về việc làm sao để áp em bé vào ngực đúng cách khi cho bú sẽ rất khác với lúc quan sát trực tiếp. Đa phần các bà mẹ cho con bú đều gặp khó khăn trong thời gian đầu khi mới bắt đầu tập bú cho bé.
  • Hãy mua một số tấm trải ni-lông để đặt lên chiếu của bạn. Nếu bạn bị vỡ ối khi đang nằm trên giường, bạn sẽ thấy nhẹ cả người vì mình đã chuẩn bị trước. Cũng nên chuẩn bị một cái khăn bông trong xe của bạn nữa, phòng khi bạn cần đến nó. Nếu nước ối bị vỡ khi đầu của em bé vẫn còn nằm cao phía mạng sườn, thì có khả năng nước ối sẽ phun ra nhiều hơn so với khi em bé đã trôi xuống phía dưới, nằm ở phần xương chậu.
  • Nếu bạn vẫn chưa đăng ký gói dịch vụ sinh nở nào, thì bây giờ hãy chuẩn bị cho việc đó. Suy nghĩ xem bạn muốn sinh cách nào, và ai là người ở bên cạnh bạn khi bạn sinh. Hãy nhớ rằng, khi nói đến chuyện sinh con thì không có gì là chắc chắn, và ưu tiên lớn nhất của bạn vẫn phải là sức khỏe và hạnh phúc của bạn và em bé.
  • Hãy nhìn vào danh sách tên mà bạn muốn đặt cho em bé, và chọn lấy những cái nào nổi bật nhất, khiến bạn thích nhất. Có thể có những cái tên vừa tháng trước bạn còn rất thích thú, thì giờ đây đã bị đẩy sang cột “chắc chắn không chọn”. Nếu bạn và bạn đời không thể đồng ý về một cái tên, thì hãy để cho cả hai có thêm thời gian. Đừng đánh giá thấp khả năng của em bé, vốn có thể khiến cho bạn nghĩ tới một cái tên mà bạn chưa từng nghĩ ra. “Trông con mình giống như một…” là câu nói mà các ông bố bà mẹ khắp nơi trên thế giới thường thốt lên.
Theo huggies
<<tuần thứ 32                                                                                                                 Tuần thứ 34>>

Mang thai tuần thứ 32

Hệ xương của bé bấy giờ sẽ cứng cáp hơn rất nhiều trừ xương hộp sọ, nó phải đủ mềm để trượt qua âm đạo trong khi sinh. Cổ tử cung của mẹ sẽ giãn ra và mỏng dần. Giấc ngủ của mẹ gặp nhiều thử thách hơn vì cơ bụng của mẹ bây giờ bị co rút nhiều hơn.
Nhật ký bé trong bụng mẹ - Tuần thứ 32

Ngày thứ 218: Bé mở miệng rộng hơn một chút và có thể ngáp lớn nữa đấy. Đó là dấu hiệu cho thấy bé biết mỏi mệt khó chịu, buồn tẻ và tất cả được biểu lộ trên cơ mặt của bé.

Mẹ làm cho bé: Hãy bổ sung thêm omega-3 vào khẩu phăn ăn mỗi ngày để giúp não bé phát triển tốt hơn. Chất này có phổ biến trong thịt bò và các loại cá.

Ngày thứ 219
: Hệ miễn dịch của bé đã được trang bị để chống lại các loại bệnh nhiễm khuẩn.

Mẹ làm cho bé: Hãy cho bé sơ sinh tránh ra chỗ công cộng ít nhất là vài tuần sau sinh, bởi vì lúc này hệ miễn dịch của bé còn rất yếu, chưa phát triển toàn diện nên bé rất dễ bị nhiễm bệnh.

Ngày thứ 220: Móng tay bé lúc bấy giờ đã sắc và cứng hơn.

Mẹ làm cho bé: Mẹ sẽ phân vân chưa biết làm gì để bảo vệ an toàn cho bé khi về nhà? Thật ra thì mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề này cho đến khi nào bé có thể tự bò đi vòng quanh được. Tuy thế cũng cần một số kiến thức cơ bản trong việc bảo vệ an toàn cho bé như: Bịt các ổ cắm điện, đóng chặt cửa sổ và ngăn lối cầu thang…

Ngày thứ 221: Hệ xương của bé bấy giờ sẽ cứng cáp hơn rất nhiều trừ xương hộp sọ, nó phải đủ mềm để trượt qua các thứ khác. Độ mềm và đàn hồi của hộp sọ giúp cho bé dễ chào đời hơn. (trượt qua khe sinh dễ dàng hơn).

mang thai tuần thứ 32 (1)

Hình ảnh thai nhi ở tuần thứ 32 - Ảnh: Inmagine

Mẹ làm cho bé: Hầu hết các mẹ đều muốn kết nối với bé ngay khi nhìn thấy bé xuất hiện, đừng lo lắng nếu mẹ cảm thấy tình mẫu tử không xuất hiện trong phút giây đầu hoặc một vài ngày sau sinh. Sự gắn kết ấy sẽ tiếp tục trong tuần tới vì nó là một mối liên kết sâu nặng.

Ngày thứ 222: Cơ thể bé bây giờ đang nằm gọn giữa tử cung mẹ, dĩ nhiên là có vài bộ phận bị chệch ra ngoài một chút.

Mẹ làm cho bé: Bởi vì bé có đến 266 ngày để đá, quẫy đạp trong tử cung của mẹ nên chắc chắn là mẹ cảm nhận được các chuyển động liên tiếp của bé. Bé có thể sẽ đá hoặc lắc lư…và khi ra đời, mẹ cũng nên cho bé được lắc lư trong xe nôi như thế.

Ngày thứ 223: Bé không còn tự do trôi nổi trong môi trường nước ối nữa nhưng dĩ nhiên là bé vẫn rất khỏe mạnh.

Mẹ làm cho bé: Cho đến tuần này, tất cả những vị trí mà bé di chuyển trong dạ con đều được xem là bình thường, theo đó, một số em bé sẽ bị đẻ ngôi mông (đầu lên trên, mông ngược xuống) không có gì lạ. Cứ 25 bé thì có 1 bé bị đẻ ngôi mông và thai nhi này hoàn toàn đủ tháng. Nếu làm siêu âm thì sẽ thấy mông thay thế vị trí cho đầu, bác sĩ sẽ đo kích cỡ em bé, khung xương chậu, tính toán giai đoạn mang thai… trước khi đề nghị mẹ nên sinh con theo phương pháp C-section (mổ lấy bé) hay sinh thường.

Ngày thứ 224: Thai nhi có thể thích nghe nhạc cổ điển hoặc những giai điệu tương tự như là những bài hát, câu chuyện…

Mẹ làm cho bé: Không quá sớm để tìm kiếm một nhà giữ trẻ ở trong vùng, không chỉ hữu dụng cho mẹ mà còn giúp bé hưởng được những lợi ích như là được chăm sóc và học tập từ bè bạn.

Nhật ký mẹ mang thai - Tuần thứ 32

Ngày thứ 218:
Mẹ sẽ bị ghẹo là “lồi rốn”. Hầu hết các mẹ ở mốc thời gian này là giai đoạn sẵn sàng cho việc “lâm bồn”. Tuy nhiên mẹ chẳng phải ngại ngùng vì điều ấy đâu.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu mẹ không muốn chiếc rốn lồi lên qua lần áo trông kém thẩm mỹ, hoặc nếu làn da của mẹ quá nhạy cảm, có thể sử dụng một loại cao dán có bán ở hiệu thuốc tây.

Ngày thứ 219: Mẹ có thể sẽ phải trải nghiệm cảm giác lượng ối trong bụng tăng lên cao trong chốc lát, tuy nhiên cảm giác này sẽ thay đổi trong vài tuần sau.

Mẹ làm cho mẹ: Mẹ cần được rèn luyện 3 giai đoạn của tiến trình chuyển dạ . Giai đoạn đầu tiên là dài nhất (trên 20 giờ). Sẽ bắt đầu khi mẹ có cảm giác co thắt và cơn co thắt cứ thế sẽ tiếp diễn cho đến lúc tử cung giãn ra khoảng 10 cm. Đây là thời kỳ dọa sinh khi những cơn co thắt cứ diễn ra 5 phút 1 lần. Giai đoạn thứ hai thường diễn ra sau đó vài giờ, khi cổ tử cung giãn ra hơn 10 cm và kết thúc cuộc sinh nở khi bé ra khỏi bụng mẹ. Đây chính là giai đoạn gần tớiỉ thành công. Giai đoạn thứ 3 kéo dài từ 5-30 phút, bao gồm việc vệ sinh sạch nhau thai và sản dịch…

Ngày thứ 220: Cổ tử cung của mẹ sẽ giãn ra và mỏng dần đi để chuẩn bị mở khi sinh bé. Một số mẹ thì lại việc co giãn chậm lại và có phần bị lu mờ ở tuần cuối.

Mẹ làm cho mẹ: Vài tuần trước đó, bác sĩ sẽ kiểm tra độ giãn nở của cổ tử cung. Trong quá trình sinh nở, định lượng tính của nó sẽ là centimet. Nếu cổ tử cung mở ra khoảng 10cm thì tức là bé có thể chào đời

Ngày thứ 221: Giấc ngủ của mẹ gặp nhiều thử thách hơn vì cơ bụng của mẹ bây giờ bị co rút nhiều hơn.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu mẹ cần giúp đỡ để ngủ dễ hơn thì tốt nhất là đổi vị trí nằm, đi dạo, nghe nhạc, tắm nước ấm… Mặc đồ ngủ bằng vải sa-tanh cũng là một cách giúp mẹ thoải mái hơn khi ngủ.

mang thai tuần thứ 32 (2)
Giấc ngủ khó khăn hơn nhưng mẹ hãy cố gắng chợp mắt để giữ sức khỏe cho ngày lâm bồn sắp đến. Ảnh: Inmagine.

Ngày thứ 222: Bé lớn rõ nên bàng quang của mẹ phải chịu áp lực rất lớn do đó mẹ đi tiểu nhiều hơn.

Mẹ làm cho mẹ: Đừng từ bỏ thói quen tắm táp bởi vì việc tắm gội cũng là một cách để thư giãn và trong môi trường nước, mẹ có thể cảm nhận được sự quẫy đạp của bé rất rõ. Tránh thức uống chứa cafeein vì nó cũng làm mẹ buồn đi tiểu nhiều hơn.

Ngày thứ 223: Mẹ có thể phân vân khi hình dáng và kích cỡ của chiếc bụng mẹ không giống những bà mẹ khác.

Mẹ làm cho mẹ: Khi mang thai, cơ bụng sẽ khỏe hơn để mẹ có thể mang chiếc bụng chứa bé, lần mang thai đầu tiên có thể sẽ làm giãn cơ bụng đó chính là nguyên nhân mà lần mang thai sau cơ bụng bị yếu hơn. Sự khác biệt giữa các chiếc bụng bầu phụ thuộc vào vị trí của dạ con. Nếu bé quay mặt về phía mẹ, bụng của mẹ sẽ nhô ra nhiều hơn còn nếu bé xoay mặt về trước hoặc nằm nghiêng thì bụng của mẹ có vẻ bè hơn.

Ngày thứ 224: Bây giờ mẹ có thể vui sướng khi nghĩ đến hình ảnh dễ thương của thành viên nhí sắp ra đời. Đừng quá ngạc nhiên vì chỉ một lúc sau mẹ lại rơi vào tâm trạng mất tinh thần tự chủ hoặc kiệt quệ, giảm hormone và mất ngủ, đây là hiện tượng mà 7 trong 10 bà mẹ mắc phải trước và sau sinh.

Mẹ làm cho mẹ: Não và thân thể của mẹ cần có thời gian để hồi phục, mẹ cần có thời gian hòa nhập, thích nghi dần với cuộc sống mới. Hãy nhận hầu hết mọi sự giúp đỡ của mọi người trong một vài tuần đầu tiên và không quên chăm sóc chính mình lẫn em bé. Ăn tốt, nghỉ ngơi khi có thể, không nên ở một mình vì sẽ dễ rơi vào trầm cảm nặng. Hãy thổ lộ cùng bác sĩ và dĩ nhiên là mẹ sẽ được giúp đỡ ngay.

Nguồn: webtretho
<<tuần thứ 31                                                                                                   Xem tiếp tuần thứ 33>>                       

Mang thai tuần thứ 31

Bây giờ thì có muốn thì bạn cũng không tránh được sự thật rằng bạn đang mang thai. Cảm giác đau nhức chỗ này chỗ kia trên cơ thể, những cú hích đạp trong bụng luôn kéo bạn về với thực tại rằng mình đang mang em bé trong người.. Mọi người thường có xu hướng vẽ vời hình ảnh một người phụ nữ mang thai thật dễ thương và nữ tính, nhưng sự thật thì khác xa nhiều lắm. Tuy nhiên cũng đừng lo lắng nếu bạn thấy mình không thật sự cảm thấy thoải mái trong suốt thai kỳ. Đây là điều thường gặp ở các phụ nữ mang thai, nhưng lại không được nói đến nhiều.
Hít vào thở ra
Nếu đây là lần đầu bạn mang thai, bạn sẽ có cơ hội được nghỉ ngơi, chăm sóc khá chu đáo. Nhưng nếu bạn còn có những đứa con khác cần chăm sóc, cơ hội được nghỉ ngơi này sẽ bị hạn chế nhiều lắm. Mỗi ngày hãy cố gắng dành ra vài phút yên tĩnh để thư giãn, chỉ tập trung “sống trong hiện tại” và ngừng lo lắng về tương lai. Mỗi khi có cơ hội làm điều này, hãy ngồi xuống, hít thở, thư giãn, và ngồ yên như thế. Chỉ đơn giản vậy thôi mà tốt cho cả bạn lẫn em bé đấy.

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
  • Có thể bạn sẽ không nín được và bị đái dắt một chút vào giai đoạn này. Với những người đã từng mang thai trước đó thì việc này còn phổ biến hơn nữa. Kể cả khi bạn cười to, hắt xì, ho hay nâng vật nặng, bạn cũng có thể để rò ra tí chút nước từ cái bong bóng của mình. Thường thì về cuối thai kỳ, chuyện này sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Một số phụ nữ còn phải dung băng vệ sinh mỏng để tránh các tình huống dở khóc dở cười. Bài tập xương chậu-sàn nhà sẽ giúp các cơ hỗ trợ bàng quang của bạn khỏe hơn.
  • Nếu bạn đang mang kính áp tròng, thì giờ đây bạn sẽ cảm giác rất khó chịu. Sự ứ dịch và hình dáng mắt thay đổi sẽ dẫn đến việc tròng kính không còn vừa vặn với tròng mắt nữa. Nhiều phụ nữ đổi sang mang kính có gọng, đợi cho đến khi sinh con xong và mắt trở lại bình thường. Bạn hãy tránh việc lại có một đơn thuốc cho kính áp tròng mới vào giai đoạn này. Mắt bạn đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp, và khám thị lực vào thời điểm này sẽ không chính xác.
  • Một người bạn cũ sẽ quay trở lại với bạn – chứng ợ nóng. Em bé đang đẩy dạ dày và ruột bạn lên cao, ra khỏi vị trí bình thường. Nghĩa là bạn không thể tiêu hóa bình thường nữa. Một số thức ăn có thể khiến chứng khó tiêu và ợ nóng càng nặng, và thậm chí có thể làm muối mặt bạn lúc nào không hay. Những thủ phạm nguy hiểm nhất là đồ ăn cay, nóng, hay một bữa ăn thật no. Hãy hỏi bác sĩ hay dược sỹ của bạn về những loại thuốc làm giảm độ axit an toàn cho bạn, có thể sử dụng được khi đang mang thai. Sữa, da-ua, bánh sữa trứng và pho mát đều có thể sẽ giúp giảm chứng ợ nóng này.
  • Tuần này, những cơn quặn thắt Braxton Hick sẽ thường xuyên hơn. Các cơn quặn tử cung không đau đớn là một cách tự nhiên tập dượt cho bạn để chuẩn bị cho lúc đưa em bé ra đời. Trừ phi bạn cảm thấy đau nhiều, hoặc âm đạo bị khô, còn lại thì không nên lo lắng. Thay đổi tư thế nhạ nhàng hoặc tắm nước nóng đểu giúp giảm các cơn quặn thắt này.
Những thay đổi về cảm xúc
  • Giai đoạn này, tâm trạng của bạn thay đổi liên tục. Có thể bạn sẽ chán ngấy lên với hình dạng của mình, với việc mang thai. Hãy tìm những gì có thể làm cho bạn của vui, và nói cho bạn đời biết bạn cảm giác như thế nào. Các chị em phụ nữ khác cũng có thể là những nguồn hỗ trợ tinh thần to lớn. Hãy gọi điện hoặc gửi thư điện tử cho người nào đó quan tâm đến bạn và có thể lắng nghe bạn mà không hề phán xét. Bạn cũng có thể nói chuyện với các bà mẹ khác ở câu lạc bộ Huggies nữa.
  • Nếu bạn bị mất ngủ thì rõ ràng là tâm trạng thất thường của bạn sẽ lại càng tệ. Cố gắng đi ngủ theo một giờ cố định, và có những “thủ tục lên giường” lặp đi lặp lại mỗi ngày để cơ thể bạn biết khi nào thì cần phải nghỉ ngơi. Tránh uống cà phê hay ăn sô-cô-la vào buổi chiều và tối, và tránh tập thể dục sau 4 giờ chiều. Nếu bạn đang đi làm, cố gắng đừng làm gì nhiều sau khi về đến nhà và đừng đòi hỏi bản thân mình quá cao.
Những thay đổi của thai nhi trong tuần này
  • Đến tuần 31 này, phổi của em bé càng hoàn thiện hơn nữa. Giả sử em bé của bạn ra đời ngay vào lúc này, thì bé có thể cần phải có các thiết bị hỗ trợ thở, mà cũng có thể không cần. Cơ thể em bé đang sản xuất ra một chất có hoạt tính bề mặt có thể giữ cho các đường dẫn khí mở ra và không bị vỡ. Nếu bạn vào bệnh viện với nguy cơ phải sinh non, thì thường người ta sẽ tiêm cho bạn một liều cóoc-ti-zôn để giúp cho phổi em bé hoàn thiện hơn nữa.
  • Bây giờ là lúc lượng dịch ối bao bọc em bé đạt khối lượng lớn nhất. Bào thai có chừng môt lít nước ối, tạo nên một chiếc bồn tắm ấm áp vô trùng cho em bé của bạn bơi trong đó. Lượng nước ối cho thấy thận của em bé đang hoạt động tốt ra sao. Nếu thận hoạt động bình thường, chúng sẽ sản xuất chừng 500ml/ngày vào thời điểm này.

Lời khuyên cho tuần này
  • Hãy tiết kiệm một số tiền mỗi tuần để giúp cân bằng ngân sách gia đình sau khi bạn sinh em bé. Trở nên phụ thuộc về tài chính sẽ là một thay đổi lớn đối với nhiều phụ nữ, nhất là những người luôn tự hào về sự đóng góp của mình vào thu nhập của gia đình.
  • Bạn thường chỉ tập trung mua sắm cho em bé mà nhiều khi quên mất chính mình. Nên chăm sóc bản thân mình, và thi thoảng có thể có một chút “quỹ đen” cũng không sao. Những chỗ tiền giấu riêng ấy lại thường là điều khiến nhiều bà mẹ vui nhất mỗi khi ngân sách gia đình bị hạn hẹp.
  • Nên nắm rõ chu trình hoạt động và nghỉ ngơi của em bé trong bụng bạn. Nếu có gì thay đổi, hơn ai hết, bạn phải là người biết rõ cái gì là bình thường, cái gì không dựa vào những cử động của con bạn. Bây giờ dạ con của bạn đang khá là chật chội, nên sẽ không còn những cú trở nhào hay lật người vốn rất thường xuyên trước đây. Bù lại, bạn sẽ được “tận hưởng” hàng ngày những cú đá từ hai bàn chân khỏe khoắn, những cú chỏ vào mạn sườn, hay những cú đạp vào bàng quang của bạn. Hãy dành thời gian thư giãn với những chuyển động của em bé. Cho dù điều này là khó hình dung với bạn ngay lúc này, nhưng sự thực là nhiều bà mẹ nói rằng, sau khi con đã ra đời, họ thấy nhớ cái cảm giác có em bé cứ cử động bên trong bụng mình.
Nguồn: huggies
<<tuần thứ 30                                                                                                                    Tuần thứ 32>>

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Mang thai tuần thứ 30

Khi mang thai tuần thứ 30, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày sinh. Nếu đây là em bé đầu lòng, bạn có lẽ sẽ cảm thấy vừa hào hứng vừa xen lẫn một chút e ngại. Lần đầu làm mẹ đồng nghĩa với việc đón nhận những biến đổi lớn lao trong đời. Cho dù bạn có lên kế hoạch kỹ đến mấy, đâu đó vẫn sẽ có những khoảng cách lớn so với thực tế
Ai giúp mình với!
Chính bạn phải đoán trước và chăm sóc cho từng nhu cầu của con mình. Bạn cần một thời gian tập luyện và những kinh nghiệm nhất định để làm được điều này.

Nếu bạn đã có con, có thể bạn sẽ băn khoăn về việc làm sao có đủ thời gian chăm sóc một đứa con nhỏ khác vẫn còn dựa vào mẹ, làm sao sắp xếp cuộc sống gia đình. Cố gắng đừng lo lắng quá. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình và bạn bè. Mọi người thường vui vẻ giúp một tay và cảm động khi được bạn nhờ giúp đỡ.

Những thay đổi cơ thể trong tuần thai thứ 30
  • Bụng của bạn lớn hơn và ngực cũng lớn không kém. Càng ngày bạn càng khó nhìn thấy đầu gối hơn, và rốn có thể đã lồi ra. Ngực và phần đầu của bụng không còn cách nhau bao nhiêu. Bây giờ có lẽ bạn sẽ thấy thoải mái hơn nếu thường xuyên mặc áo ngực, bởi vì bầu vú ngày càng to và nặng hơn. Một số chị em thậm chí còn thấy cần mặc áo ngực khi ngủ.
  • Hãy để ý xem có các nốt mẩn đỏ dưới ngực hay không; mồ hôi sẽ làm các nốt ban này nổi nhiều hơn. Bạn có thể tắm mát, bôi một lớp mỏng phấn rôm để tránh bị nấm.
  • Có khi bạn thấy mình “xì hơi” khi ngồi xuống– là do cơ thể tự xả hơi để giảm trọng lượng đè lên đôi chân. Hãy tránh những chỗ đông người, và hãy tập đi lại thong thả. Hãy tìm cách nghỉ ngơi và thư giãn trong ngày.
  • Cơ thể bạn sẽ tăng cân cùng với sự phát triển của bé. Trong những tuần này, một số chị em tăng nửa kg mỗi tuần. Tình trạng cơ thể giữ nước là một trong những nguyên nhân làm tăng cân, nhưng hãy chú ý xem bạn có tăng cân nhanh và đột ngột, hoặc có nhiều cơn đau đầu nặng hay không. Đây những triệu chứng bất thường, hãy hỏi bác sĩ nếu bạn có những thay đổi này.
  • Từ đây đến tuần thứ 36, bạn cần kiểm tra tiền sản hai tuần một lần, từ tuần thứ 36 trở đi sẽ kiểm tra hàng tuần. Hãy làm quen với việc kiểm tra nước tiểu, đo huyết áp và đo mạch bụng. Việc này khá nhàm chán và mất thời gian, nhưng việc bạn và thai nhi được theo dõi cẩn thận là quan trọng nhất. Ở ba tháng cuối của thai kỳ, bạn dễ mắc các chứng tiền sản giật, chứng tiểu đường thời kỳ thai nghén và chuyển dạ sinh non hơn
Những thay đổi cảm xúc ở tuần này
  • Bạn đã cảm thấy đã quá sức chịu đựng chưa? Ở tuần thai thứ 30, có thể bạn chưa mệt mỏi đến mức chỉ mong muốn sớm đến ngày sinh cho xong, nhưng bạn đã khá mệt mỏi và nặng nề rồi đấy. Nếu bạn đang phải chăm các con nhỏ nữa thì riêng chuyện cúi xuống tắm cho con trong bồn, nhấc con ra khỏi xe tập đi, lượm bao nhiêu đồ chơi vung vãi trên sàn nhà,… cũng sẽ khiến bạn mệt lả vào cuối ngày.
  • Bạn thấy như thể chỉ một mình bạn phải gánh vác tất cả những chuyện liên quan đến thai nhi. Sự thực là như vậy, ở giai đoạn này, chồng bạn chỉ giống như một người quan sát. Hãy chia sẻ với anh ấy cảm xúc của mình nếu bạn cảm thấy ấm ức. Hãy nói rõ cho anh biết cách hỗ trợ bạn, và đừng hy vọng anh có thể tự hiểu được suy nghĩ của mình mà không cần mình nói ra
Những thay đổi của bé tuần này
  • Khi thai nhi 30 tuần, em bé của bạn nặng khoảng 1,3kg và dài chưa đầy 40 cm. Bé sẽ tăng khoảng 250g/1 tuần từ đây cho đến tuần thứ 35. Bé của bạn rất hay liếm, nuốt, cử động tay xung quanh, nhăn mặt và nhíu mày. Thậm chí bé còn quay đầu từ bên này sang bên nọ và mở mắt, nhắm mắt.
  • Giờ thì bé choán đầy tử cung của bạn, chạm vào gờ tử cung và tự xoay xở trong bụng mẹ. Các đầu dây thần kinh của bạn nhận biết mọi chuyển động của bé, vì vậy bạn cảm nhận rất rõ có một cơ thể bé nhỏ bên trong cơ thể mình.
  • Bé vẫn có những khoảng thời gian nghỉ ngơi và hoạt động khác nhau, theo một nhịp độ tương tự ngày này qua ngày khác. Một số chị em nói khi họ vào giường chuẩn bị ngủ thì bé bắt đầu ngọ ngoạy lung tung. Nhưng có thể vì lúc đó các mẹ không bận bịu với mọi việc nữa nên có thể nhận biết rõ hơn các vận động của bé.
  • Da của bé giờ đây bớt trong hơn và đã trông giống da của một em bé sơ sinh. Lớp mỡ dưới da bắt đầu hình thành và tạo thành các nếp.
  • Xương của bé chắc hơn và chứa nhiều canxi hơn. Điều này có nghĩa chế độ ăn của bạn ở giai đoạn này rất quan trọng. Hãy đảm bảo bạn ăn một lượng thực phẩm giàu can-xi nhiều hơn 3-4 lần so với một người bình thường: sữa, pho-mát, sữa chua, hạt hạnh nhân, các loại cá có thể ăn cả xương, rau lá xanh. Nếu cơ thể bạn không hấp thụ sữa bò thì hãy chọn các loại sữa đậu nành có bổ sung can-xi. 

Những gợi ý cho tuần này
  • Chú ý tránh các hoạt động đột ngột dễ làm lưng đau. Khi bạn ra khỏi giường, đầu tiên hãy nằm nghiêng một bên, rồi dùng hai tay chống cơ thể lên để bạn ngồi được thoải mái. Xê mông đến gần thành giường để không phải vươn người về phía trước quá mức. Bạn hãy tập thói quen ngồi một, hai phút trên giường như thế trước khi đứng dậy. Huyết áp của bạn giảm xuống khi nằm so với khi đứng, vì vậy hãy cho cơ thể bạn một vài phút để thích ứng.
  • Hãy đầu tư mua một số quần lót co giãn tốt cho phụ nữ mang thai. Mặc dù không đẹp, nhưng chúng là những người bạn đồng hành thân thiết của bạn. Loại quần này được thiết kế để phù hợp với bụng bầu ngày càng to, để ôm sát và vừa vặn với bạn cả khi ngồi cũng như lúc đứng, chúng sẽ giúp bạn loại bỏ cảm giác khó chịu vì cấn bụng.
  • Tránh ăn nhiều, ăn không điều độ. Bạn nên ăn các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như trái cây, rau, bánh mì kẹp nướng, rau sống trộn, sữa chua, ngũ gốc, bánh quy giòn và pho mát. Nhớ uống nhiều nước. Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp tinh thần tỉnh táo và thận hoạt động tốt.
  • Nếu bạn chưa có máy ảnh tốt thì hãy tìm hiểu đôi chút để mua. Có thể bạn sẽ mong muốn ghi lại những khoảng khắc khi bé chào đời.
  • Hãy hỏi bác sĩ về những lợi ích của việc tập giãn các cơ tầng sinh môn. Nếu bạn định sinh thường, tầng sinh môn của bạn cần phải giãn rất nhiều để giúp đầu của bé lọt ra. Đôi khi cần phẫu thuật mở âm đạo để cửa âm đạo rộng ra hơn, dù vậy, tập co giãn tầng sinh môn thì có thể không cần phẫu thuật mở âm đạo.
Nguồn: huggies
<<tuần thứ 29                                                                                                                 Tuần thứ 31>>

Mang thai tuần thứ 29

Em bé phát triển như thế nào?
Con của bạn giờ đã dài khoảng 40cm, nặng khoảng 1,4kg (tương đương đầu bắp cải). Đang có khoảng một lít rưỡi nước ối bao quanh bé, nhưng khối nước này sẽ giảm đi do bé ngày một lớn lên và chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung của bạn. Thị lực của con tiếp tục phát triển, dù không được nhanh cho lắm; thậm chí sau khi được sinh ra, bé vẫn sẽ nhắm mắt ngủ phần lớn thời gian trong ngày. Khi mở mắt, bé sẽ phản ứng lại với sự thay đổi của ánh sáng, nhưng chỉ đạt được 1/20 thị lực – có nghĩa bé chỉ có thể thấy những thứ cách mặt mình khoảng 10cm mà thôi. (Thị lực bình thường của người lớn là 20/20.)

mang thai tuần thứ 29 (1)
(Ảnh: Babycenter.com)

Lưu ý: Các em bé phát triển hơi khác nhau – thậm chí cả khi còn trong bụng mẹ. Những thông tin chúng tôi đưa ra chỉ nhằm cho bạn cái nhìn tổng quát về sự phát triển của bé.

Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?
Những ngày này, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi mệt, đặc biệt nếu khó ngủ. Bạn cũng có thể cảm thấy mình vụng về hơn bình thường. Điều này hoàn toàn dễ hiểu: bây giờ bạn không chỉ nặng nề hơn, trọng lượng dồn lại ở cái bụng bầu còn làm cho trọng tâm cơ thể bạn thay đổi. Hơn nữa, do sự thay đổi của hormone mà các dây chằng và các khớp xương lỏng hơn, góp phần khiến bạn hơi mất thăng bằng. Việc các dây chằng thư giãn cũng thật sự có thể làm cho chân bạn thường xuyên trong tình trạng phình to, và bạn phải đầu tư vào vài đôi giày mới cỡ bự.

Còn nhớ sự thay đổi tâm trạng hồi đầu thai kỳ chứ? Sự kết hợp những triệu chứng khó chịu cùng sự thay đổi hormone có thể làm cho những cảm xúc lên lên xuống xuống đó quay trở lại. Bạn lo lắng không biết mình sẽ chuyển dạ thế nào, sinh ra sao, mình có trở thành bố mẹ tốt hay không... điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn không thể rũ khỏi cảm giác chán nản, ủ ê, ngày một cáu kỉnh và kích động thì hãy nói chuyện với bác sĩ hay nữ hộ sinh. Bạn có thể nằm trong số 1 trên 10 phụ nữ bị trầm cảm thai kỳ. Cũng hãy cho bác sĩ biết nếu như bạn thường xuyên lo âu hay sợ hãi.

Những nỗi sợ thường gặp
Bạn lo lắng về việc sinh con? Bạn không phải là người duy nhất! Dưới đây là một số nỗi lo thường gặp và cách đối phó với chúng.

1. Tôi sẽ không chịu đau nổi.
Theo một thăm dò của BabyCenter, có đến một phần năm số sản phụ cho biết đây là nỗi sợ hàng đầu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Một số phụ nữ biết trước rằng họ sẽ muốn dùng thuốc giảm đau trong quá trình sinh nở và, trên thực tế, hầu hết phụ nữ cuối cùng đều chọn cách gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên cũng có những người kiên quyết sinh tự nhiên không dùng thuốc. Họ chấp nhận khả năng bị đau đớn khó chịu và tìm hiểu các kỹ thuật giúp kiểm soát cơn đau. Với sự chuẩn bị và hỗ trợ đúng cách, một số phụ nữ thấy rằng sinh con tự nhiên giúp họ mạnh mẽ hơn và hoàn toàn hài lòng.

2. Tôi sẽ phải cắt tầng sinh môn hoặc tôi sẽ bị rách.

  • Cắt tầng sinh môn là một vết cắt phẫu thuật ở khu vực cơ giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu), được thực hiện ngay trước khi sinh để mở rộng cửa âm đạo. Một số phụ nữ bị rách một cách tự nhiên trong lúc sinh con và vết rách có thể dao động từ gần như không thể phát hiện đến nặng, đòi hỏi một số lượng đáng kể các mũi khâu để “sửa chữa”. Tuy có một thời phẫu thuật cắt tầng sinh môn là việc gần như bắt buộc, nhưng nay quan niệm này không còn nữa và các chuyên gia đều đồng ý rằng việc này không nên được thực hiện thường xuyên.
  • Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn xem họ phải thực hiện phẫu thuật này trong trường hợp nào, thường xuyên đến mức nào, và làm thế nào giúp bạn tránh trường hợp rách hoặc phải cắt. Có một số bằng chứng cho thấy bạn sẽ ít có khả năng phải khâu lại nếu bắt đầu xoa bóp đáy chậu trong khoảng năm tuần trước ngày sinh.


mang thai tuần thứ 29 (2)
Mẹ hãy nói ra những vướng mắc của mình để được giải đáp, trấn an hoặc điều trị kịp thời (Ảnh: Inmagine)
Tôi sẽ bị chột bụng trong quá trình đau đẻ.

Trong một thăm dò BabyCenter gần đây, 70% phụ nữ cho biết họ sợ sẽ bĩnh ra trong khi sinh, 39% cho biết họ thực sự đã làm, và trong số đó, chỉ có 22% là xấu hổ bởi điều đó. Nói ra thì khó tin, nhưng nếu bạn bị chột bụng trong khi đang rặn, sẽ chẳng ai thèm lấy đó làm điều đáng nói. Hộ lý của bạn sẽ làm sạch thậm chí trước cả khi bạn biết chuyện gì đã xảy ra.

Tôi sẽ bị can thiệp y tế quá mức và không cần thiết.
Cách tốt nhất để đối phó với nỗi sợ này là nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ. Nếu bác sĩ nhận thức được mong muốn của bạn (hãy nghĩ đến chuyện viết ra kế hoạch sinh con), họ có thể nỗ lực hết sức để làm theo. Nếu tin tưởng và tôn trọng bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của mình, bạn có thể yên tâm rằng họ sẽ làm điều tốt nhất cho bạn và con trong ngày sinh nở. Một cách khác để giảm bớt nỗi sợ này là thuê bà mụ - một người đỡ sinh chuyên nghiệp. Đó có thể là người hỗ trợ bạn tại bệnh viện.

Tôi sẽ phải sinh mổ.
Xét việc 1 phần 5 số phụ nữ sinh con lần đầu tiên phải mổ bắt con, nỗi sợ hãi này là điều dễ hiểu. Nếu bạn luôn mong muốn sinh con bình thường qua ngã âm đạo, việc phải sinh mổ có thể gây thất vọng. Một số bà mẹ nói rằng họ cảm thấy như bị lừa, đặc biệt là khi đã học các lớp sinh con và mơ về "ca sinh lý tưởng", hoặc cảm thấy rằng sinh mổ không thực sự cần thiết. Những người khác nói rằng họ cảm thấy như thể mình không hoàn toàn là phụ nữ, bởi vì cần phải mổ mới sinh con được. Nếu bạn có cảm giác này, có thể phải mất một thời gian để dung hòa giữa thực tế với những gì bạn tưởng tượng trong quá trình mang thai. Có thể bạn sẽ được an ủi khi biết rằng nhiều phụ nữ sau khi sinh nở, cho dù qua ngã âm đạo hay mổ bắt con, thấy mọi chuyện rất khác với những gì họ mong đợi.

Tôi sẽ không đến bệnh viện kịp lúc.
Sinh con khẩn cấp tại nhà là cực kỳ hiếm, đặc biệt là khi sinh lần đầu tiên. Nhưng nếu bạn không thể xua đi nỗi sợ hãi này, hãy xem qua hướng dẫn sinh con khẩn cấp tại nhà để biết phải làm gì.

Hoạt động cho mẹ tuần này
Lắp ráp đồ dùng cho bé. Đây là công việc hoàn hảo cho chồng bạn hoặc một người bạn nào đó muốn giúp đỡ. Giường cũi, nôi đưa, và xe nôi đẩy vốn nổi tiếng khó lắp ráp, đặc biệt là khi bạn thiếu ngủ, vì vậy hãy bắt đầu ngay bây giờ. Nôi đưa, điện thoại di động, và màn hình giám sát, tất cả đều có thể cần đến pin, do đó hãy chắc chắn rằng bạn có đủ trong tay. Hãy nghĩ đến việc dùng pin sạc và bộ sạc pin.
Theo webtretho

<<tuần thứ 28                                                                                                                      Tuần thứ 30>>